Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Ninh Bình thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG), đó là: Xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công cho các chương trình này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Từ nhiều nguồn vốn đầu tư, hệ thống giao thông của xã Cúc Phương (huyện Nho Quan) ngày càng hoàn thiện.
Năm 2022, tổng ngân sách Nhà nước để thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đạt 312,01 tỷ đồng. Trên cơ sở đánh giá mức độ và sự cần thiết của các chương trình MTQG, tỉnh đã phân bổ nguồn vốn hợp lý, đảm bảo hiệu quả, thực chất.
Theo đó, Chương trình MTQG xây dựng NTM là 227,51 tỷ đồng, bao gồm, ngân sách Trung ương là 73,26 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 154,25 tỷ đồng; Chương trình giảm nghèo bền vững với tổng kinh phí đầu tư là 36,063 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương; Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tổng nguồn vốn là 48,44 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.
Việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là đối với Chương trình MTQG về xây dựng NTM. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 7/8 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 119/119 xã đạt chuẩn NTM; có 30/119 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 14/119 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Dự kiến các mục tiêu giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thành theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đề ra và chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao cho Ninh Bình.
Với sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn đã thoát nghèo bền vững.
Để giải ngân nguồn vốn đầu tư công các chương trình mục tiêu, tỉnh đã tổ chức kiện toàn và ban hành các văn bản theo thẩm quyền để quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình. Tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn cho 3 chương trình mục tiêu trên đều chậm, duy chỉ có nguồn vốn ngân sách tỉnh cho Chương trình mục tiêu xây dựng NTM đạt tỷ lệ cao, chiếm khoảng 73% tổng nguồn vốn.
Tính đến 31/1/2023, nguồn vốn đầu tư công thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM đã giải ngân đạt 77,4 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương đã giải ngân được 19,7 tỷ đồng, đạt khoảng 27% tổng vốn ngân sách Trung ương; nguồn vốn ngân sách tỉnh đã giải ngân 57,6 tỷ đồng, chiếm khoảng 73% tổng vốn ngân sách tỉnh. Nguồn vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh đã được giao chi tiết cho các dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình để tổ chức triển khai thực hiện.
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được bố trí 36,063 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh; tính đến 31/1/2023, đã giải ngân được 11,17 tỷ đồng, đạt 30,97% kế hoạch vốn. Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được bố trí 48,44 tỷ đồng; tính đến 31/1/2023, UBND huyện Nho Quan đang triển khai thực hiện phân bổ cho các dự án, tiểu dự án thành phần nên chưa có cơ sở giải ngân kế hoạch vốn năm 2022.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến giải ngân các nguồn vốn chậm, trong đó phải kể đến những vướng mắc do thủ tục, văn bản hành chính quy định để triển khai thực hiện còn chưa hoàn thiện. Đặc biệt, Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là Chương trình tổng thể quy mô lớn, đa lĩnh vực, nhiều dự án, tiểu dự án thành phần, liên quan tới nhiều cấp, nhiều ngành, liên quan đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số nên việc rà soát, tổng hợp, phân bổ vốn, lập kế hoạch cần nhiều thời gian thực hiện.
Cơ chế và hệ thống các văn bản pháp lý để triển khai thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 còn chậm, gặp nhiều khó khăn do chưa đồng bộ, kịp thời trong quá trình thực hiện.
Theo kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, ngân sách Trung ương không hỗ trợ vốn thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh. Đối với ngân sách địa phương, tại Nghị quyết số 94/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh và Quyết định 1116/QĐ-UBND ngày 12/12/2022, tổng kế hoạch vốn bố trí cho các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc các Chương trình MTQG là 277,803 tỷ đồng. Trong đó, Chương trình MTQG xây dựng NTM là 183,3 tỷ đồng từ ngân sách địa phương; chương trình giảm nghèo bền vững là 36,063 tỷ đồng; chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 58,44 tỷ đồng.
Hiện nay, đối với nguồn vốn đầu tư công Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các địa phương, các đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện, tổng hợp nhu cầu, xây dựng phương án phân bổ trình cấp có thẩm quyền quyết định phân bổ chi tiết, cụ thể cho từng dự án, nội dung thành phần của từng chương trình; đối với nguồn vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình đã được giao cho các đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện.
Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đối với 3 chương trình MTQG trong năm 2022 gồm xây dựng NTM, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương chủ đầu tư tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt nhiệm vụ, giải pháp tại các nghị quyết của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách thực hiện các chương trình MTQG, khuyến khích phát triển nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng ưu tiên các nội dung, tiêu chí thiết thực nâng cao đời sống cho người dân như: Phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, chính sách về đất đai, chính sách tín dụng, khởi nghiệp, sáng tạo, hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, phát triển kinh tế hợp tác, trang trại…
Tiếp tục huy động tối đa các nguồn vốn của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trong và ngoài tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là lĩnh vực giao thông trọng điểm, đô thị động lực, cùng với chú trọng huy động nguồn lực cho văn hóa, y tế, giáo dục đào tạo, môi trường… Chủ động kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp của con em quê hương đang làm việc ở trong và ngoài nước… Lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, dân cư với nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm
Nguồn Báo Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tang-toc-giai-ngan-von-dau-tu-cong-cac-chuong-trinh-muc-tieu/d20230323150341151.htm