Tăng cường phòng, chống bệnh dại trên đàn chó, mèo mùa nắng nóng

Bệnh dại là bệnh lây truyền giữa động vật và người. Vi rút dại có nhiều trong nước bọt của chó, mèo và động vật mắc bệnh, kể cả khi con vật chưa có dấu hiệu lâm sàng. Thời gian ủ bệnh dại ở động vật có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng nhưng trước 10 ngày phát bệnh, vi rút có thể gây nhiễm cho người và động vật khác thông qua vết cắn. Theo đó, trong mùa nắng nóng bệnh dại trên chó, mèo có nguy cơ bùng phát mạnh nếu không được kiểm soát kịp thời.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Hàng năm, căn bệnh này gây ra cái chết cho 60.000 – 70.000 người và hàng triệu loài động vật. Bệnh dại là một bệnh do virus gây ra. Căn bệnh này vô cùng nguy hiểm, khi phát bệnh 100% cả người bị cắn và vật cắn đều tử vong. Hiện tại, không có cách điều trị hiệu quả đối với bệnh dại sau khi các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc xin phòng dại trước hoặc ngay sau khi bị phơi nhiễm. Ở nước ta, bệnh dại là nguyên nhân dẫn đến hơn 70 ca tử vong mỗi năm, hầu hết các trường hợp bệnh dại ở nước ta do chó dại cắn. Do đó, để phòng tránh bệnh dại hiệu quả, người nuôi chó, mèo cần phải quản lý vật nuôi thật tốt, cùng với đó là tiêm phòng bệnh dại chó, mèo theo quy định, vừa bảo vệ đàn vật nuôi vừa bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng xung quanh.

Tiêm vắc xin phòng bệnh dại là một trong những cách phòng bệnh dại trên chó hữu hiệu nhất. Ảnh: THÚY LIỄU

Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) Nguyễn Quang Vinh cho biết, tổng đàn chó nuôi trên địa bàn huyện hơn 6.800 con/1.840 hộ nuôi. Ghi nhận trong năm 2022, huyện có 1 trường hợp chó mắc bệnh dại. Khi phát hiện chó mắc bệnh, đơn vị đã phối hợp địa phương tiến hành tiêu độc sát trùng, tiêm phòng vắc xin bao vây và đã dập dịch thành công. Tuy nhiên, bệnh dại có thể bùng phát trên đàn chó, mèo nuôi nếu không được tiêm phòng đầy đủ, vào thời điểm nắng nóng. Chính vì vậy, để tăng cường ý thức đối với hộ dân có nuôi chó, mèo, đơn vị thường xuyên tuyên truyền về bệnh dại chó, mèo để bà con luôn quan tâm đến đàn vật nuôi tại nhà và thực hiện việc tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn chó, mèo nhằm phòng tránh bệnh dại. Qua đó, đơn vị lưu ý đến hộ dân nuôi chó là khi phát hiện chó có các triệu chứng bất thường như: thay đổi thói quen, tâm tính thường ngày; chán ăn hoặc ăn những thứ khác thường; chạy mà không có lý do rõ ràng; sủa khàn và gầm gừ, sủa không ra tiếng; tiết quá nhiều nước bọt hoặc sùi bọt mép; cắn khi không bị trêu chọc, dễ bị kích động… thì hộ dân phải báo ngay địa phương hoặc cơ quan thú y gần nhất để được hỗ trợ xử lý.

Là người dân có nhiều năm nuôi chó tại hộ, ông Lâm Hùng, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị chia sẻ, nhà tôi lúc nào cũng có nuôi từ 1 – 3 con chó, đàn chó nuôi với mục đích chính là để chúng giữ nhà. Vì nuôi chó giữ nhà nên tôi thường xuyên vệ sinh sạch sẽ cho chúng bằng cách tắm gội; chuồng nuôi nhốt chó luôn đảm bảo vệ sinh gọn gàng và thông thoáng; hàng ngày cho chó ăn uống đầy đủ, hợp vệ sinh và định kỳ tiêm vắc xin phòng, chống bệnh dại cho đàn chó.

Đồng chí Lâm Minh Hoàng – Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng cho biết: “Tổng đàn chó, mèo nuôi tại tỉnh là 110.000 con. Với đàn chó, mèo nuôi tương đối lớn như trên, để đảm bảo phòng, chống bệnh dại trên đàn chó, mèo hiệu quả và nhất là trong mùa nắng nóng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thường xuyên đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dại ở chó, mèo; rà soát, thống kê đàn chó, mèo chưa được tiêm phòng vắc xin dại để tiêm phòng bổ sung, đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm phòng theo quy định. Cùng với đó, hàng năm đơn vị sẽ triển khai chiến dịch tiêm phòng vắc xin đợt chính vào tháng 3, 4. Ngoài ra, hàng tháng còn tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn chó, mèo mới phát sinh hoặc chó, mèo đã hết thời gian còn miễn dịch bảo hộ; cung ứng đầy đủ, kịp thời vắc xin phục vụ công tác tiêm phòng bệnh dại định kỳ tại các huyện, thị xã, thành phố, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt 80% tổng đàn. Phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát bệnh dại; kiểm tra, xác minh và xử lý triệt để khi phát hiện có chó, mèo nghi mắc bệnh dại”.

“Để tránh phát sinh bệnh dại gây nguy hiểm cho gia đình và cộng đồng xung quanh thì khuyến cáo đến người dân nuôi chó, mèo, đó là: phải đăng ký nuôi chó, mèo với UBND cấp xã; xích, nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; khi đưa chó ra khỏi nhà phải xích, rọ mõm cho chó và có người dắt chó đề phòng cắn người; việc nuôi chó, mèo phải đảm bảo vệ sinh thú y, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh; tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo theo quy định. Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chủ vật nuôi có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, giám sát chó, mèo nuôi của gia đình, nếu phát hiện con vật vô cớ cắn, cào người hoặc tấn công động vật khác thì phải cách ly và báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất” – đồng chí Lâm Minh Hoàng thông tin thêm

Theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP, ngày 31/7/2017 và Nghị định số 04/2020/NĐ-CP, ngày 3/1/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y thì phạt tiền từ 1 triệu – 2 triệu đồng đối với các hành vi sau: không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

THÚY LIỄU

Nguồn Báo Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/suc-khoe-va-doi-song/tang-cuong-phong-chong-benh-dai-tren-dan-cho-meo-mua-nang-nong-63721.html