Bác sĩ chỉ ra “thủ phạm” khiến cho 6 giây có thêm 1 người trên thế giới bị tử vong

Theo khuyến cáo của chuyên gia nếu không kiểm soát chế độ uống hàng ngày sẽ làm gia tăng số người Việt mắc đái tháo đường.

Tất cả mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc bệnh

Anh N.V.L (28 tuổi, Vĩnh Phúc) làm nghề kinh doanh cho gia đình, trong một lần tình cờ đi khám sức khỏe cùng bạn, anh đã được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 2. Do không tin vào kết quả trên anh L đã xuống Hà Nội và tới Bệnh viện Nội tiết Trung ương khám.

Anh L chia sẻ, anh cảm thấy sức khỏe rất bình thường, không mệt mỏi, đi tiểu nhiều và cũng không cảm thấy hay khát nước… Bởi vậy, anh không tin vào kết quả khám trước đó nên đã đi tới bệnh viện trung ương khám.

Kết quả khám của anh L tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương khẳng định thêm một lần nữa anh mắc đái tháo đường type 2. Qua điều tra bệnh sử bác sĩ phát hiện ra anh L ăn uống rất thất thường và thường xuyên ăn những đồ ăn giàu năng lượng, hiện cân nặng của anh L là 86kg.

Còn trường hợp bệnh nhi L.A.D (13 tuổi tại Nam Định) học hành sa sút do bé thường xuyên bị mệt mỏi. Bé D được bố mẹ đi khám nội tiết thì phát hiện ra bị mắc đái tháo đường type 2.

Tại Việt Nam đái tháo đường type 2 là một trong những bệnh không lây, đang có tốc độ gia tăng rất nhanh. Bệnh nhân khi mắc đái tháo đường phải điều trị suốt đời. Việc ăn uống thiếu kiểm soát sẽ rất nguy hiểm, bởi vì trẻ nhỏ người lớn thừa cân béo phì đều có nguy cơ mắc đái tháo đường.

Cần phải tránh những đồ an nào?

TS.BS Lê Quang Toàn – Trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho hay, ở Việt Nam tỷ lệ người bị mắc đái tháo đường type 2 đang ngày một tăng có liên quan tới vấn đề ăn uống, luyện tập.

Bác sĩ chỉ ra thủ phạm khiến cho 6 giây có thêm 1 người trên thế giới bị tử vong - Ảnh 1.

Bác sĩ Toàn khuyến cáo thủ phạm gây ra tiểu đường.

Không có những loại thức ăn đồ uống nào, khi ăn vào có thể sẽ trực tiếp dẫn tới bệnh đái tháo đường. Nhưng loại đồ ăn đó, nếu ăn thiếu kiểm soát có thể làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì và là cầu nối dẫn tới nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Hiện nay, chúng ta đang có xu hướng ăn theo sở thích (gặp cả ở trẻ nhỏ và người lớn). Cách ăn uống theo sở thích là vấn đề rất nguy hiểm, vì dường như cả trẻ nhỏ, người lớn đều thích các loại đồ ăn, đồ uống có hàm lượng năng lượng cao, nhưng ăn ít rau và lười vận động.

Bác sĩ Toàn nhấn mạnh, ăn thức ăn giàu năng lượng trong một thời gian dài, khiến cho năng lượng dư thừa tích lũy lại và gây nên tình trạng thừa cân, béo phì và đó chính là nguy cơ dẫn đến nhiều căn bệnh khác nhau, chứ không chỉ riêng tiểu đường.

“Những loại đồ ăn trẻ em và người lớn nên hạn chế hoặc tốt nhất không nên sử dụng đó là nước ngọt, bánh kem, bánh quy, kem, socola, các loại đồ ăn fast food,… Đây là những đồ ăn có chứa nhiều năng lượng, tăng nguy cơ béo phì, dẫn tới đái tháo đường”, TS Toàn nói.

Riêng đối với ở trẻ nhỏ để hạn chế đái tháo đường cần phải kiểm soát việc ăn uống của trẻ, không quá nuông chiều trẻ. Cần khuyến kích cho trẻ tham gia vào các hoạt động ngoài trời, tăng cường các trò chơi vận động cho trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ tiêu hao năng lượng và quên đi đồ ăn vặt: kẹo bánh, nước uống có ga…

Bác sĩ Toàn khuyến cáo, trẻ nhỏ và người lớn bị mắc tiểu đường, việc lựa chọn thức ăn cũng vô cùng quan trọng. Cần tránh, các loại đồ ăn nhiều năng lượng làm tăng đường máu như: đường, các trái cây ngọt nhiều đường, các chất tinh bột: cơm gạo, khoai mì, ngô, mạch, ngô chiên giòn…

Một số loại quả có lượng đường cao cần phải tránh như: chuối, nhãn, vải…Ăn tăng các loại quả như thanh long, ổi…

Chế độ ăn tốt nhất cho người đái tháo đường nên có chế độ ăn cân đối đủ chất. Ưu tiên ăn các loại thức ăn sơ chế như gạo lứt, cơm nấu không nát sẽ hấp thu chậm hơn… Nên ăn tăng cường rau xanh để giảm lượng đường trong máu.