Quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho an ninh quốc tế và khơi mào cho một cuộc chạy đua hạt nhân mới.
Ngày 2/8/2019, Mỹ chính thức tuyên bố rút khỏi Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) với lý do Nga vi phạm Hiệp ước.
Thực tế, Mỹ đã có ý định này từ hai năm trước, nhưng chưa tìm được lý do. Bây giờ, tên lửa 9M729 và việc hiện đại hóa tên lửa 9M728 nằm trong tổ hợp Iskander-M của Nga trở thành cái cớ được Washington sử dụng để quyết định rút khỏi Hiệp ước này.
Đáp lại quyết định của Washington, Nga cũng đình chỉ tham gia Hiệp ước và tuyên bố sẽ phát triển các hệ thống tên lửa bị mới. Tuy nhiên, Moscow cho biết sẽ chỉ triển khai các loại tên lửa mới này để đáp lại các hành động của Washington nhằm vào Nga.
Có thể nói Hiệp ước INF có ý nghĩa cực kỳ quan trọng và là nền tảng của hệ thống an ninh toàn cầu. Tổng thư ký LHQ Antoni Guterres nói: “Với việc huỷ bỏ Hiệp ước INF cả thế giới đang bước vào một thực tế mới và đã mất đi một sự đảm bảo vô giá chống lại chiến tranh hạt nhân.”
Hiệp ước INF có hiệu lực từ ngày 1/6/1988 quy định cấm sản xuất, thử nghiệm và triển khai tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, cũng như các bệ phóng các loại tên lửa này. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ D. Trump đã tuyên bố ý định rút khỏi Hiệp ước với lý do Nga vi phạm.
Bức tường Berlin sụp đổ, Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, Hiệp ước Warsaw chấm dứt tồn tại đã đẩy biên giới NATO về phía Đông hơn 2.500 km sát với Nga. Trong tình hình như vậy, việc bảo đảm an toàn cho lãnh thổ của Nga là nhiệm vụ cấp bách của Moscow.
Mỹ cho rằng, tên lửa 9M729 của Nga đã vượt quá tầm bắn tối đa 500 km, vi phạm Hiệp ước INF.
Tuy nhiên, Nga khẳng định tầm bắn của 9M729 không vượt quá 480 km và điều này không mâu thuẫn với các điều khoản của Hiệp ước INF.
Các chuyên gia trong lĩnh vực vũ khí của phương Tây và Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) nói, theo các đặc tính kỹ thuật của loại tên lửa này thì tầm bắn của chúng phải lên tới 2.500 km.
Tuy nhiên, đến nay không có bất cứ xác nhận chính thức nào về điều này. Nga đã phủ nhận những cáo buộc này và thậm chí còn mời tùy viên quân sự các nước ở Moscow đến xem và nghe trình bày về loại tên lửa này, nhưng đại diện của Mỹ và NATO đã không đến.
Trong khi đó, Mỹ bắt đầu thử nghiệm và chế tạo máy bay không người lái drone có đặc điểm kỹ thuật trùng khớp với tên lửa hành trình bị Hiệp ước INF cấm.
Trước đó, năm 2001, Washington đã rút khỏi Hiệp ước Chống Tên lửa Đạn đạo (ABM) sau 29 năm tồn tại và chuyển sang sản xuất hệ thống hợp nhất thông tin cảnh báo sớm đường không trên mặt đất (Aegis – Airbonne Early-waring Ground Intergration Segment). Đây là hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo liên lục địa hiện đại hơn rất nhiều so với các hệ thống trước đây.
Aegis sử dụng bệ phóng Mk-41 đã được Mỹ triển khai ở Ba Lan và Rumania. Như vậy, Mỹ hoàn toàn có thể phóng các tên lửa hành trình tấn công Tomahawk mang đầu đạn hạt nhân bị INF cấm từ hai nước này vào lãnh thổ Nga.
Tổng thống Nga V. Putin nói, việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu là mối đe dọa đối với an ninh của Nga và đây là sự vi phạm trực tiếp Hiệp ước INF.
Ngoài ra, Mỹ đang hiện đại hóa tên lửa phòng không SM-6 có khả năng tấn công vào các mục tiêu trên mặt đất. Trong tương lai, SM-6 có thể được phóng đi từ các hệ thống Aegis đã được xây dựng tại căn cứ quân sự Deveselu ở Romania. Phát ngôn viên của Lầu Năm góc Peter Cook cho biết, sẽ chi 2,9 tỷ USD để sản xuất hơn 600 tên lửa SM-6 trong vòng 5 năm tới.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Nga John Woodworth, người tham gia đàm phán Hiệp ước INF nói: “Việc đạt được Hiệp ước INF là rất quan trọng. Việc chấm dứt Hiệp ước này là rất đáng thất vọng và xấu hổ. Việc đàm phán một Hiệp ước mới thay thế cho INF sẽ không dễ dàng. Vào những năm 80, các cuộc thương lượng đã kéo dài trong gần bảy năm. Lãnh đạo và các nhà ngoại giao của Mỹ và Nga đã cố gắng không mệt mỏi để tìm ra được một khuôn khổ chấp nhận được cho cả hai siêu cường.”
Mới đây, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố một bức ảnh chụp từ vệ tinh về nhà máy Raytheon ở Tucson, Arizona. Tháng 6/2017, tập đoàn công nghiệp quân sự lớn nhất này của Mỹ đã mở rộng các cơ sở sản xuất để chế tạo các tên lửa Tomahawk tầm trung và tầm ngắn mới hiện đại hơn. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper mới được Tổng thoings D. Trump bổ nhiệm chính là người trước đây đã từng làm việc tại tập đoàn Raytheon hơn 7 năm.
So với các tên lửa liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, tên lửa tầm trung và tầm ngắn có khả năng bắn tới mục tiêu trong vòng vài phút. Trong khoảng thời gian ngắn như vậy đối phương không kịp trở tay để ngăn chặn cuộc tấn công. Ngoài ra, tên lửa tầm trung và tầm ngắn được đặt trên các xe quân sự chuyên dụng đặc biệt có thể di chuyền đi các nơi.
Do tính chất cơ động của các loại tên lửa này, người bị tấn công không thể biết chính xác chúng được phóng đi từ đâu. Điều này gây rất nhiều khó khăn, phức tạp cho các hệ thống phòng thủ. Các chuyên gia quân sự cho biết, sự nguy hiểm của những tên lửa như vậy là chỉ trong vài phút chúng có thể biến châu Âu thành một sa mạc chết. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen gọi Hiệp ước INF là chìa khoá quan trọng nhất của an ninh châu Âu.
Trong nhiều năm nay, Nga đã phát triển các tên lửa hành trình 9M729 (SSC-8 theo phân loại của NATO). Mỹ và các đồng minh NATO coi đây là vi phạm Hiệp ước INF, vì những tên lửa này được trang bị đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn hơn 500 km.
Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF, các nhà phân tích chính trị dự đoán tình hình có thể diễn ra theo một trong một số khả năng như sau:
Thứ nhất, Moscow và Washington sẽ đàm phán một thỏa thuận mới. Để làm được điều này, cần xác định rõ các tên lửa hành trình có cánh mới của Nga có những đặc tính kỹ thuật gì?
Thứ hai, khả năng này rất khó xảy ra là Trung Quốc chấp nhận sẽ tham gia đàm phán về một Hiệp ước INF toàn cầu hay còn gọi là Hiệp ước INF 2.0.
Thứ ba, Hiệp ước INF chấm dứt tồn tại. Trong trường hợp này, các cường quốc hạt nhân, đứng đầu là Mỹ, Nga tiếp tục cuộc chạy đua vũ trang như đã từng diễn ra trong thập niên 80. Mỹ sẽ tiếp tục triển khai các tên lửa tầm trung ở châu Âu nhằm vào Nga và có thể cả ở một số nước châu Á nhằm vào Trung Quốc.
Ngay từ tháng 10/2018, Tổng thống D.Trump đã đề nghị đàm phán và ký kết một Hiệp ước INF mới với sự tham gia của Washington, Moscow và Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF và kêu gọi Trung Quốc tham gia Hiệp ước mới một “sai lầm tuyệt đối”.
INF là sản phẩm của chiến tranh lạnh. Năm 1987, khi Nga và Mỹ ký Hiệp ước INF tiềm năng tên lửa đạn đạo của Trung Quốc chưa phải là mối đe doạ đối với Mỹ.
Theo Hiệp ước INF, Mỹ và Nga không được trang bị bất kỳ tên lửa tầm trung hoặc tầm ngắn nào. Trong khi đó, Trung Quốc không tham gia Hiệp ước lại có hàng trăm tên lửa như vậy.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, đến tháng 5/2018, Trung Quốc có 16-30 tên lửa đạn đạo tầm bắn đến 3.000 km, 200-300 tên lửa đạn đạo có tầm bắn 1.500 km, và 1000-2000 tên lửa đạn đạo tầm bắn 300-1000 km.
Phần lớn các tên lửa tầm trung và tầm ngắn của Trung Quốc thuộc hệ Dongfeng. Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế có trụ sở tại Washington, nếu Bắc Kinh tham gia INF thì các loại tên lửa DF-4, DF-15, DF-16, DF-21 và DF-26 sẽ phải bị tiêu huỷ. Trong trường hợp Trung Quốc tham gia INF thì các tên lửa hành trình Hunnyao HN-1, HN-2 và HN-3 cũng sẽ bị loại bỏ.
Như vậy, Hiệp ước INF cũ đã mang lại cho Trung Quốc một lợi thế rất lớn so với Mỹ. Người đứng đầu Bộ Tư lệnh lực lượng vũ trang Thái Bình Dương (PAKOM), Đô đốc Harry Harris cho biết, khoảng 90% tên lửa đạn đạo và hành trình của Trung Quốc là tên lửa tầm trung và tầm ngắn.
Trong tình hình như vậy, việc Trung Quốc gia nhập Hiệp ước INF 2.0 không những rất khó xảy ra mà còn hoàn toàn không thực tế. Đối với Mỹ và Nga, tên lửa tầm ngắn và tầm trung chỉ là một phần của tiềm năng tên lửa. Còn ở Trung Quốc, những tên lửa này là nền tảng của sức mạnh quốc phòng, Bắc Kinh sẽ không tự nguyện từ bỏ trong bất kỳ trường hợp nào.
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung hết sức căng thẳng, Mỹ đang tiến hành chính sách cạnh tranh địch thủ với Trung Quốc thì Bắc Kinh sẽ không bao giờ chấp nhận đề nghị của Washington.
Mục đích thực sự của việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF là nhằm xóa bỏ những hạn chế được quy định trong Hiệp ước này để có thể “tự tung tự tác” trong việc sản xuất và triển khai các loại tên lửa mới ở các nơi trên thế giới, đồng thời để duy trì ưu thế vượt trội của mình và đồng minh NATO trong lĩnh vực vũ trang.
Nhiều người đặt câu hỏi tại sao Washington hoàn toàn không đả động gì đến việc mời Anh và Pháp là hai nước đồng minh của Mỹ cũng sở hữu một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ tham gia Hiệp ước INF mới?
Trung Quốc cho rằng, Mỹ là nước sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới cần phải có trách nhiệm chính trong việc cắt giảm tiềm năng hạt nhân của mình để khích lệ các quốc gia khác tham gia đàm phán, tiến tới giải trừ toàn bộ vũ khí hạt nhân.
Quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho an ninh quốc tế và khơi mào cho một cuộc chạy đua hạt nhân mới.