Mùa măng rừng Chiềng Yên

Trên địa bàn xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ có tài nguyên rừng phong phú, đa dạng, đem lại nhiều nguồn lợi từ rừng. Mùa măng về mang niềm vui tới nhiều gia đình ở Chiềng Yên, bởi không chỉ là món ăn ưa thích, mà còn tăng thêm thu nhập.

Người dân xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ thu hoạch măng rừng.

Từ đầu tháng 8, bà con ở xã Chiềng Yên lại lên rừng lấy măng ở những cánh rừng luồng, tre, nứa tự nhiên và rừng trồng. Sáng sớm, từng tốp 2-3 người theo các hướng khác nhau vào rừng lấy măng. Chúng tôi cùng chị Hà Thị Hằng, bản Yên Thành lên khu rừng nứa của bản, men theo lối mòn, càng lên cao càng khó đi, trong rừng nứa mọc ken dày, quấn vào nhau, nhiều chỗ phải phát quang đường mới đi tiếp được, trên đường đi luôn phải chú ý quan sát tránh tổ ong và rắn. Những người đi lấy măng nhiều năm có kinh nghiệm là xem đường đi, nếu vết chân còn mới, hoặc lối đi có cành cây mới bị phát thì nơi đó đã có người lấy măng, nên tìm chỗ khác.

Chị Hà Thị Hằng chia sẻ: Chúng tôi phải mang bao tay, ủng, cơm nắm, nước uống, dao, thuổng và bao tải. Vào rừng lấy măng khi phải dãi nắng, dầm mưa, ai có sức khỏe tốt, chịu khó mới đi được, nơi gần nhất cũng đi mất nửa ngày, còn nếu đi xa thì đến tối mịt mới về. Măng sau khi lấy về được phân loại, sơ chế ngay bằng cách bóc bỏ hết lớp vỏ bên ngoài sau đó mang đi luộc để đảm bảo chất lượng tươi ngon, nếu không xử lý luôn thì măng sẽ bị già, sượng.

Chiềng Yên có trên 6.400 ha rừng, trong đó 5.023 ha rừng sản xuất, chủ yếu là luồng, tre, nứa. Những năm qua, xã làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, vận động bà con tích cực tham gia trồng rừng, nên bà con có thêm nguồn thu nhập từ rừng. Thực hiện theo quy định của Luật Lâm nghiệp về việc khai thác lâm sản phụ ngoài gỗ, xã Chiềng Yên đã cho phép nhân dân thu hoạch măng ở những diện tích rừng đã giao khoán cho cộng đồng và các hộ bảo vệ.

Ông Đỗ Minh Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Yên, cho biết: Để đảm bảo hệ sinh thái tự nhiên, cũng như bảo vệ và phát triển rừng bền vững, thời gian thu hoạch măng được quy định cụ thể. Mặc dù vất vả, nhưng vào mùa thu hoạch măng, bà con lại có thêm thu nhập. Măng nứa ngọt được nhiều người ưa chuộng có giá 10 nghìn đồng/kg, còn măng tre và măng luồng giá 7 nghìn đồng/kg. Mỗi mùa măng có gia đình thu được khoảng 60 triệu đồng. Cũng nhờ có thu nhập từ rừng, nên bà con ngày càng có ý thức bảo vệ rừng tốt hơn.

Thời điểm này, dọc các trục đường chính ở Chiềng Yên có nhiều điểm thu mua măng rừng, ai cũng phấn khởi khi được nhận lại thành quả sau một ngày lao động vất vả. Ông Bàn Văn Tiến, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Piềng Chà, cho biết: Bản có 650 ha rừng, được giao cho Chi hội nông dân, Chi đoàn thanh niên và Chi hội phụ nữ quản lý, bảo vệ. Vào mùa măng, bản cho phép bà con thu hoạch trong khoảng thời gian 1 tháng, sau đó bảo vệ nghiêm ngặt để cho rừng phát triển.

Với nhiều lợi ích vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ngăn sạt lở, chống xói mòn đất, vừa cho thu nhập, rừng ở Chiềng Yên được quan tâm bảo vệ tốt, tạo sinh kế cho nhân dân gắn bó với rừng, sống bằng nghề rừng.

Bài, ảnh: Phạm Hoa (CTV)
Nguồn Báo Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-nghiep/mua-mang-rung-chieng-yen-yx52EbRIg.html