Sợ thỏa thuận với TQ “đứt gánh giữa đường”, Mỹ vội bỏ yêu cầu trọng điểm trong đàm phán

Ảnh: Yahoo news

“Nếu các nhà đàm phán Mỹ định nghĩa thành công là thay đổi cách nền kinh tế Trung Quốc vận hành, thì điều đó sẽ không bao giờ xảy ra”.

Các nhà đàm phán Mỹ đã giảm bớt các yêu cầu liên quan tới chính sách trợ giá công nghiệp của Trung Quốc sau khi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Bắc Kinh, Reuters dẫn nguồn tin liên quan tới hoạt động đàm phán cho biết. Hãng thông tấn nhận định, động thái này đánh dấu sự nhượng bộ của Mỹ trước một mục tiêu trọng điểm đối với đàm phán thương mại.

Mỹ nhượng bộ

Trợ giá công nghiệp là một vấn đề nhiều khúc mắc bởi nó liên quan tới chính sách công nghiệp của chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh đã đưa ra các mức trợ giá và giảm thuế cho các công ty thuộc sở hữu nhà nước và những khu vực được coi là chiến lược nhằm phát triển dài hạn.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã củng cố vai trò của nhà nước trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.

Nhằm thúc đẩy một thỏa thuận vào tháng tới hoặc tương tự như vậy, các nhà đàm phán Mỹ đã bắt đầu chấp nhận đạt được ít hơn mình mong muốn về vấn đề trợ giá và tập trung vào những lĩnh vực khác mà họ cho là yêu cầu dễ thực hiện hơn, các nguồn tin chia sẻ với Reuters.

Sợ thỏa thuận với TQ đứt gánh giữa đường, Mỹ vội bỏ yêu cầu trọng điểm trong đàm phán - Ảnh 1.

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc tháng 1/2019. Ảnh: Leah Millis

Những yêu cầu đó bao gồm chấm dứt chuyển giao công nghệ ép buộc, cải thiện chế độ bảo vệ tài sản trí tuệ và mở cửa thị trường rộng hơn. Trung Quốc vốn đã nhượng bộ trong những vấn đề này.

“Điều này không có nghĩa là vấn đề sẽ không được nhắc tới, nhưng sẽ không đi vào chi tiết cụ thể”, nguồn tin của Reuters nhấn mạnh.

“Nếu các nhà đàm phán Mỹ định nghĩa thành công là thay đổi cách nền kinh tế Trung Quốc vận hành, thì điều đó sẽ không bao giờ xảy ra”, một nguồn tin khác khẳng định.

“Thỏa thuận khiến ông Tập Cận Bình trông yếu thế không phải một thỏa thuận đáng giá đối với ông ấy. Dù ta có được bất kỳ thỏa thuận nào thì vẫn sẽ tốt hơn những gì ta đã có và sẽ không bao giờ là đủ đối với một số người. Nhưng chính trị là thế”.

Hồi đầu năm nay, Trung Quốc đã cam kết chấm dứt các mức trợ giá gây biến dạng thị trường đối với các ngành công nghiệp trong nước nhưng không đề cập cụ thể cách mà nước này sẽ làm để đạt được mục tiêu đó.

Nhiều thập kỷ bất đồng

Trợ giá và giảm thuế là ngọn nguồn bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc suốt nhiều năm. Washington cho rằng Bắc Kinh đã không tuân thủ quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về trợ giá, gây ảnh hưởng tới cả xuất và nhập khẩu.

Theo quan điểm của Mỹ, Trung Quốc không công khai các mức trợ giá như WTO yêu cầu. Washington đã chỉ ra hơn 500 mức trợ giá khác nhau mà nước này cho là Trung Quốc đã áp dụng trong các thông báo gửi WTO.

Phần lớn quy mô của những chương trình trợ giá ở cấp địa phương của Trung Quốc không được làm rõ. Thậm chí, các nhà đàm phán Trung Quốc còn nói rằng bản thân họ cũng không biết cụ thể về những chương trình ấy.

Về phần mình, Trung Quốc đã có những bước đi để đối phó với một số lo ngại của phía Mỹ trong trường hợp sự việc được đưa ra trước WTO.

Nước này đã bắt đầu công khai giảm bớt nỗ lực nhằm thống trị tương lai của các ngành công nghiệp công nghệ cao thuộc khuôn khổ chính sách “Made in China 2025” mặc dù không mấy ai tin rằng Trung Quốc sẽ vứt bỏ tham vọng ấy.

Thông điệp không rõ ràng

Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại kéo dài suốt 9 tháng, gây thiệt hại tới hàng tỉ USD và khiến thị trường tài chính chao đảo.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế lên 250 tỉ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc nhằm gây áp lực buộc nước này chấm dứt một số chính sách – bao gồm cả trợ giá công nghiệp – mà Washington cho là gây tổn hại tới những công ty Mỹ đang cạnh tranh với Trung Quốc. Bắc Kinh ngay lập tức áp thuế đáp trả.

Một trong những khúc mắc chủ chốt trong các cuộc đàm phán là việc loại bỏ mức thuế áp lên 250 tỉ USD hàng hóa ấy. Cộng đồng thương mại cho rằng các nhà thương thuyết Mỹ muốn duy trì một phần thuế lên hàng hóa Trung Quốc mà Washington coi là để trả đũa sau nhiều năm tổn thất do các hành vi thương mại bất công của Bắc Kinh.

Vai trò của các công ty thuộc sở hữu nhà nước có thể có lợi cho Mỹ ở một phần khác của thỏa thuận thương mại.

Chính quyền Trump muốn Trung Quốc thực hiện một giao dịch mua vào rất lớn – hơn 1 nghìn tỉ USD hàng hóa Mỹ – trong 6 năm tới để giảm thâm hụt thương mại. Và các nguồn tin của Reuters cho rằng, nhiều khả năng những công ty tiến hành giao dịch sẽ thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc.

Viễn thông – một điểm bất đồng khác giữa hai bên – có thể khiến Trung Quốc tăng cường thêm vai trò của nhà nước.

Áp lực từ phía Mỹ đối với các đồng minh nhằm giảm hoạt động hợp tác với những tập đoàn viễn thông Trung Quốc như Huawei có thể sẽ khiến chính phủ Trung Quốc tăng cường hỗ trợ phát triển công nghệ trong nước.