Người đứng đầu cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cảnh báo thế giới đang phải đối mặt với những mối nguy thực sự từ những thiên thể lao vô định trong không gian.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Phòng thủ Hành tinh của Học viện Hàng không vũ trụ Quốc tế, Giám đốc NASA Jim Bridenstine cho biết cơ quan này đang nghiêm túc nghiên cứu các phương án bảo vệ trái đất trước những mối đe dọa tới từ không gian. Những điều nói ra khiến người ta “cười khúc khích” lại chính là những mối đe dọa thực sự với địa cầu.
Theo NASA, nếu đâm trúng, thiên thạch có thể xóa sổ một tiểu bang của Mỹ hay một quốc gia ở châu Âu trong nháy mắt. Phát biểu trong Hội nghị, ông Bridenstine nhấn mạnh rằng sự nguy hiểm của thiên thạch không được đánh giá đúng mức.
“Chúng tôi phải khẳng định rằng đây không phải là kịch bản của Hollywood. Đó cũng không phải là chuyện viễn tưởng. Đó có thể sẽ là chốt chặn cuối cùng để bảo vệ hành tinh duy nhất mà con người biết rằng đang tồn tại sự sống”, Bridenstine nhấn mạnh về vai trò của việc phòng thủ hành tinh trong bài phát biểu tại hội nghị.
Lấy ví dụ về vụ nổ thiên thạch ở Nga vào tháng 2/2013, Bridenstine cho biết một vật thể có đường kính 20 m, lao vào trái đất với vận tốc 40.000 km/h có lẽ đã gây hậu quả nghiêm trọng nếu nó không nổ tung trên bầu trờ của Chelyabinsk, miền trung nước Nga. Dù vậy, vụ nổ với sức công phá của 30 quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima cũng đã tạo ra sóng chấn động làm vỡ cửa sổ nhiều tòa nhà trong một khu vực rộng lớn. Hơn 1.400 người đã bị thương trong vụ việc được mô tả là may mắn.
“Tôi ước rằng mình có thể nói những sự kiện này là độc đáo và thú vị nhưng thực sự là không phải vậy”, Bridenstine nhấn mạnh. Theo sếp của NASA, cơ quan này phát hiện những vụ việc tương tự có thể xảy ra 60 năm một lần. Cùng ngày thiên thạch nổ ở Chelyabinsk, một tiểu hành tinh khác đã bay qua trái đất ở khoảng cách 27,2000 km nhưng trái đất may mắn khi nó chỉ bay sượt qua.
Trong Hội nghị Phòng thủ Hành tinh, các chuyên gia đang thảo luận về những biện pháp giúp Trái đất có thể tránh khỏi những vụ va chạm với các tiểu hành tinh hoặc sao chổi. Bridenstine cho biết NASA sẽ đo tốc độ và quỹ đạo di chuyển của các tiểu hành tinh trước khi quyết định xem con người nên tác động để làm nó chệch hướng hay di tản người dân khỏi khu vực mà nó có thể lao xuống.
Mỹ là một trong những quốc gia sớm đặt ra những quan ngại với mối nguy từ thiên thạch. Năm 2018, Nhà Trắng đã công bố kế hoạch yêu cầu NASA phát hiện, theo sát 90% các vật thể gần trái đất có đường kính lớn hơn 140m. Tuy nhiên, NASA chưa thể đáp ứng được mục tiêu này. “Sẽ là một chặng đường dài để đáp ứng được mục tiêu đó”, lãnh đạo NASA nhấn mạnh.
theo Business Insider