Sáng ngày mai, một cặp thiên thạch “có thể gây nguy hại” sẽ bay lướt qua Trái Đất ở khoảng cách gần chưa từng có

Bạn đừng vội lo lắng, đây chưa phải tận thế đâu.

Ngoài không gian kia có một tiểu hành tinh đủ to, đủ “sức hấp dẫn” để mà có một tiểu hành tinh nhỏ hơn bay quanh quỹ đạo của nó. Cuối tuần này, cặp bài trùng này sẽ bay lướt qua Trái Đất.

Sáng ngày mai, một cặp thiên thạch có thể gây nguy hại sẽ bay lướt qua Trái Đất ở khoảng cách gần chưa từng có - Ảnh 1.

Giống như một cặp sao neutron hay một hệ sao đôi, chúng cũng được gọi là tiểu hành tinh đôi – binary asteroid, có tên gọi 1999 KW4. Vào lúc 6 giờ 5 phút sáng mai theo giờ Việt Nam, nó sẽ bay lướt qua Trái Đất, là lần tới gần Trái Đất nhất trong lịch sử. Nó sẽ cách bạn “chỉ” hơn 4 triệu km thôi, và bay với tốc độ 128.000 km/h.

Dù 1999 KW4 được xếp vào hàng “thiên thể có thể gây nguy hại”, nó sẽ không va vào Trái Đất sáng ngày mai đâu. Mà nếu có va thật, thì bạn cũng sẽ được biết trước hậu quả để mà tận hưởng cuộc sống: thời gian gần đây, việc phát hiện sớm thiên thạch và những mối nguy ngoài không gian tương tự đang được quan tâm nhiều hơn.

Thiên thể 1999 KW4 được phát hiện ngày 20 tháng Năm năm 1999, qua thiết bị đặt tại cơ sở Nghiên cứu Thiên thể Bay gần Trái Đất Lincoln ở New Mexico. Kể từ thời điểm đó, giới khoa học đã theo dõi rất kỹ 1999 KW4.

190523-kw4-2x1-al-1357_710c55c7cff0b5309d9176d20cfee14b

Các nghiên cứu chỉ ra thiên thể chính (Alpha) có đường kính khoảng 1.200 mét, trông như một con quay bạn hay chơi thuở ấu thơ vậy. Thiên thể nhỏ hơn (Beta) chỉ nhỏ bằng 1/3 Alpha, và bay với quỹ đạo cách Alpha khoảng 2.500 mét.

“Trong lịch sử cận đại, đây có lẽ là trường hợp một cặp thiên thể bay gần Trái Đất nhất từng xảy ra”, Vishnu Reddy, một nhà khoa học hành tinh công tác tại Đại học Arizona cho hay. “Đây là lý do khiến nó trở thành mục tiêu nghiên cứu thú vị”. Cũng theo lời nhà nghiên cứu Reddy, dù chúng tới rất gần Trái Đất, ta vẫn rất khó quan sát 1999 KW4 bằng mắt thường.