Sao Diêm Vương chính thức bị tước danh hiệu hành tinh vào ngày 24 tháng Tám năm 2006.
Ngày 24 tháng Tám vừa rồi là một dấu mốc đặc biệt trong ngành khoa học hành tinh: kỷ niệm 13 năm Sao Diêm Vương bị tước danh hiệu “hành tinh”. Đã từng một thời Sao Diêm Vương đứng ngang hàng với 8 hành tinh còn lại, nhưng mọi thứ đã thay đổi khi khoa học có định nghĩa mới về hành tinh lùn.
Trước hết, ta có định nghĩa hành tinh trong Hệ Mặt Trời do Hiệp hội Thiên văn học Quốc tế IAU đề ra:
– Bay với một quỹ đạo quanh Mặt Trời.
– Thiên thể phải đủ lớn để có thể tạo thành dạng hình cầu nhờ lực hấp dẫn tới từ lõi của nó.
– Khu vực lân cận của thiên thể này phải quang đãng, không có vật thể bay tự do.
Sao Diêm Vương “trượt bài thử” cuối, và do đó bị loại khỏi danh sách các hành tinh vào ngày 24 tháng Tám năm 2006. Nó được đưa vào danh sách hành tinh lùn.
Nhưng không phải ai cũng đồng tình với khẳng định này, thậm chí những người có tên tuổi trong ngành nghiên cứu Vũ trụ cũng lên tiếng. Gần đây nhất, ta có phát ngôn gây tranh cãi của chủ tịch NASA, ông Jim Bridenstine:
“Như bạn biết đấy, theo góc nhìn của tôi thì Sao Diêm Vương là một hành tinh. Báo đài có thể nói luôn là NASA lại một lần nữa tuyên bố Sao Diêm Vương là hành tinh. Tôi sẽ giữ vững lập trường của mình, đó là những gì tôi đã được học và tôi sẵn sàng tin tưởng nó”.
Jim Bridenstine
Dù vai vế của người thực hiện phát ngôn trên có quan trọng thật, khoa học vẫn cứ là ngành khoa học chính xác (ít nhất phải chính xác với những định nghĩa, những hằng số ta đặt ra, chứ khoa học cũng ước lượng nhiều lắm). Việc ông Jim Bridenstine được học từ xưa không phủ nhận được một định nghĩa đã bị thay đổi theo thời gian.
Tuy vậy, nhiều nhà khoa học hành tinh khác cũng đưa ra tuyên bố tương tự, và lý lẽ của họ thì … đôi phần hợp lý.
Khi IAU loại bỏ Sao Diêm Vương khỏi danh sách 9 hành tinh trong Hệ Mặt Trời, đó mới là thời điểm đầu tiên ta có định nghĩa tách biệt hành tinh và hành tinh lùn. Các nhà khoa học đã phải lập ra định nghĩa mới khi phát hiện một hành tinh nữa còn lớn hơn cả Sao Diêm Vương trong Hệ Mặt Trời, khi phát hiện ra nó hồi 2006, NASA đã gọi nó là “hành tinh thứ mười”.
Tranh cãi nổ ra, và IAU đã phải thành lập định nghĩa mới về hành tinh lùn cho hành tinh Eris mới khám phá được, rồi xếp luôn Sao Diêm Vương vào khái niệm mới hình thành bởi quanh nó có khá nhiều thiên thể bay tự do.
Hành tinh lùn Eris phát sáng giữa tấm ảnh do Kính viễn vọng Không gian Hubble chụp lại.
Nhà khoa học hành tinh Alan Stern, người đứng đầu dự án New Horizons – sứ mệnh nghiên cứu Sao Diêm Vương từ 2006, đã lên tiếng phản đối quyết định của IAU từ cái ngày họ công bố định nghĩa mới về hành tinh lùn.
“Kết luận của tôi là: định nghĩa do IAU đưa ra không chỉ không khả thi và không thể biến thành bài giảng được, mà còn sai cơ bản về mặt khoa học cũng như có quá nhiều yếu tố trái ngược, vì thế nó không thể trở thành định nghĩa mới để phân loại hành tinh một cách thuyết phục.
“Dự án New Horizons, cũng như những tiếng nói tới từ công chúng, và hàng trăm hàng ngàn giáo sư nghiên cứu thiên văn và các nhà khoa học hành tinh khác, sẽ không thừa nhận định nghĩa mới do IAU đưa ra vào ngày 24 tháng Tám năm 2006”.
Những điều trên do ông Alan Stern viết năm 2006. Đến tận đầu năm 2019 này, ông vẫn tham gia tranh luận, bảo vệ cho khẳng định “Sao Diêm Vương là một hành tinh thuộc Hệ Mặt Trời”.
Tại sao họ lại có niềm tin sắt đá rằng Sao Diêm Vương là một hành tinh?
Thiên thể ngoài rìa Hệ Mặt Trời này có khí quyển nhiều tầng, hợp chất hữu cơ trên bề mặt, có cả vòng xoay thời tiết riêng và thậm chí có cả vệ tinh tự nhiên bay quanh mình. Địa hình bề mặt Sao Diêm Vương đa dạng, gồm các dãy núi lớn và đồng bằng rộng.
Tấm ảnh đầu tiên về Sao Diêm Vương.
Nhiều khả năng, bên dưới lớp băng dày của Sao Diêm Vương là một biển dung dịch và rất có thể có sự sống. Đến lúc phát hiện ra nhà ông Diêm Vương có cả sinh vật sống, cả giới khoa học sẽ phải đưa lời xin lỗi: đã gọi tên là Pluto, thần cai quản địa ngục trong thần thoại cổ điển, hay Việt Nam ta gọi là Diêm Vương, lại còn loại Pluto khỏi danh sách hành tinh thuộc Hệ Mặt Trời.
Các nhà khoa học cho rằng định nghĩa một hành tinh, nhất là với một thiên thể như Sao Diêm Vương, không thể được khẳng định nhờ thiên thể bay tự do quanh khu vực Sao Diêm Vương được. Mà kể cả những hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời cũng vậy chứ: khu vực không gian quanh Trái Đất lẫn Sao Mộc đều xuất hiện thiên thể, có điều không nhiều như Sao Diêm Vương.
Năm ngoái, nhiều nhà khoa học đề xuất định nghĩa hành tinh mới: bất kỳ thiên thể nào có lõi phát ra lực hấp dẫn đủ lớn, để biết khối vật chất thành một hình cầu khổng lồ.
IAU vẫn chưa cho thấy động thái đánh giá lại Sao Diêm Vương, nhưng những người ủng hộ “hành tinh” này cũng không chịu lùi bước. Việc ông Jim Bridenstine lên tiếng ủng hộ sẽ khiến cộng đồng “hành tinh Diêm Vương” có thêm động lực để đấu tranh.
Biết đâu một ngày không xa, sẽ đến lượt Trái Đất bị loại khỏi danh sách hành tinh do không khí thì ô nhiễm mà tài nguyên thì dần cạn, lúc đó ta sẽ có những động thái tranh đấu mới: cố gắng tồn tại ở hành tinh đang chết dần này.