Sau khi bố mẹ nuôi qua đời, ông Nguyễn Toàn Thắng (SN 1964) bắt đầu hành trình tìm kiếm nguồn cội thật sự của mình. Với thông tin ít ỏi, ông chỉ biết bố mẹ đẻ ngày xưa sống ở khu phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội, tên Hải và Duyên, tính đến nay đều đã hơn 75 tuổi.
Mười mấy năm mòn mỏi kiếm tìm bố mẹ đẻ
Cách đây hơn chục năm, ông Nguyễn Toàn Thắng (55 tuổi) bắt đầu hành trình tìm kiếm nguồn cội của mình. Người đàn ông gốc Hà Nội được bố mẹ nuôi nhận làm con ngay từ khi lọt lòng. Từ đó đến giờ, ông trải qua nhiều biến cố cuộc đời, hơn mười năm mòn mỏi kiếm tìm bố mẹ đẻ và anh chị em.
Ngày xưa thì chỉ bằng cách in quảng cáo trên các tờ báo ở Hà Nội, photo tờ rơi dán ở các cột điện, bảng tin, bờ tường… thuê đưa tin trên loa phát thanh và truyền hình, nhưng rốt cuộc ông Thắng vẫn chưa thể tìm ra chút liên lạc nào.
Bức ảnh thuở nhỏ của ông Nguyễn Toàn Thắng.
“Con tên là Thắng (tên do bố mẹ nuôi đặt cho).
Bố mẹ sinh con tại bệnh viện Bạch Mai năm 1964, được mấy ngày thì bố mẹ cho con đi làm con nuôi ông Thất – bà Tèo ở thôn Tam Lộng – xã Hương Sơn – huyện Bình Xuyên – tỉnh Vĩnh Phúc.
Năm 1972, lúc con 8 tuổi, bố mẹ có lên xin lại con 2 lần, nhưng bố mẹ nuôi không đồng ý. Khi đi lên bố mẹ có mang rất nhiều đường sữa thỏi bằng 2 đầu ngón tay, bánh kẹo và đồ chơi (khẩu súng AK bằng gỗ) cho con. Bố mẹ lúc đấy đi chiếc xe đạp Phượng Hoàng màu cánh chả đi từ Ga Hương Canh vào.
Bố mẹ nuôi con có nói nhà bố mẹ ở Khâm Thiên – Hà Nội. Hình như bố tên là Hải, mẹ tên là Duyên, ngày đó khi lên thăm con mẹ để tóc phi dê (uốn xoăn), có thể bố làm ở cửa hàng thương nghiệp, mẹ làm may hoặc thợ nhuộm.
Nay con đã trưởng thành, bố mẹ nuôi đã mất từ lâu, con tha thiết muốn được tìm lại bố mẹ và anh chị em, tìm lại nguồn cội thật sự của mình”.
Theo chia sẻ của ông Thắng, năm 18 tuổi, ông lên đường nhập ngũ tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc. Thời điểm này, bố nuôi ở nhà không may qua đời, ông Thắng ở chiến trường không hề hay tin nên không thể về nhà chịu tang cha.
Đến khi xuất ngũ, ông sinh sống và làm việc tại Yên Bái, kết hôn và có 3 người con. Cuộc sống bộn bề của những năm kinh tế đói kém, phương tiện đi lại và thông tin liên lạc nhiều hạn chế, cứ thế mọi chuyện qua đi trong thầm lặng. Rồi mẹ nuôi cũng mất. Ông Thắng hiểu rằng, đã đến lúc tìm kiếm giá trị cội nguồn thực sự.
Từ những năm 2007, ông bắt đầu tìm kiếm thông tin bố mẹ đẻ, sau thời gian dài canh cánh trong lòng.
Thời niên thiếu của ông.
Ngày xưa, ông Thắng đã nhờ đăng tin lên các trang báo giấy của Hà Nội, nhưng từ đó đến nay vẫn không có thông tin nào.
Bức hình ông Thắng của hiện tại.
Nương nhờ vào sức mạnh của cộng đồng mạng
Năm 2009, ông Thắng nhờ cậy sự giúp đỡ của biên tập viên Thu Uyên trong chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, mong muốn đăng tin về hoàn cảnh của mình.
Trong số 20 của chương trình, mọi thông tin tóm tắt về ông Thắng được phát sóng. Liên tiếp sau đó là những lần thử ADN trong niềm thổn thức, nhưng cuối cùng vẫn không có bất cứ cơ may trùng khớp nào.
Bản thân ông Thắng đã đi từng ngóc ngách trong con phố nhỏ Khâm Thiên (quận Đống Đa, Hà Nội) hỏi han về những người có tên giống bố mẹ đẻ. Đã có những thời điểm, cuộc tìm kiếm rơi vào bế tắc. Ông cầu trời, bố mẹ mình không nằm trong số những nạn nhân vô danh của vụ ném bom phố Khâm Thiên và Bệnh viện Bạch Mai năm 1972.
Trích đoạn chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” số 20 phát sóng hoàn cảnh của ông Thắng. Nguồn: Như chưa hề có cuộc chia ly.
Bức thư BTV Thu Uyên của “Như chưa hề có cuộc chia ly” gửi đến ông Thắng.
Bất lực sau 12 năm tìm kiếm bố mẹ đẻ trong vô vọng, ông Thắng quyết định nương nhờ sức mạnh của cộng đồng mạng. So với nhiều năm về trước, sự phát triển hiện nay của các trang mạng xã hội đã giúp cho biết bao gia đình tìm được nhau, những trường hợp đi lạc tìm về được tổ ấm, cùng lan toả những điều tốt đẹp.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Thắng cho biết hiện đang đi công tác xa. Ông kỳ vọng, sức mạnh của công nghệ thông tin có thể giúp ông sớm tìm lại được gia đình. Kỳ thực, nhiều năm qua, ông đã mất rất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian nhưng đều không có kết quả.
“Hiện nay theo tính toán, có thể bố mẹ tôi từ 75 tuổi trở lên, nên chỉ vài năm nữa tôi sợ rằng mình sẽ mất hết hy vọng. Tôi chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội chỉ với mục đích duy nhất: bố mẹ, anh chị tôi biết được tôi đang tìm kiếm họ. Biết là khó khăn, vì bản thân tôi đã trải qua 12 năm trong vô vọng, nhưng biết đâu…” – ông Thắng nói.
Rất nhiều người xa lạ đã gửi lời cầu chúc tới ông Thắng, cùng hồi hộp đón chờ điều kỳ diệu sẽ đến với đứa trẻ sơ sinh năm nào.
Quý độc giả có bất cứ thông tin nào, vui lòng liên hệ với ông Nguyễn Toàn Thắng qua số điện thoại: 0984.725.999.
Địa chỉ: T1, tầng 9, nhà 5, khu đô thị Timecity, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.