Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thị sát khu kinh tế mới Hùng An ngày 16/1/2019 (Ảnh: Xinhua)
Bắc Kinh đã đẩy mạnh nỗ lực thực thi tham vọng của ông Tập Cận Bình nhằm tạo dựng một siêu đô thị sau hai năm kế hoạch bị không có tiến triển.
Dự án tham vọng siêu đô thị của Trung Quốc sau 2 năm
Tân Hoa Xã hôm 24/1 đăng tải tài liệu 13.000 từ của chính phủ Trung Quốc về lộ trình đưa Khu kinh tế mới Hùng An ở tỉnh Hà Bắc nước này thành một đô thị sáng tạo vào năm 2035. Văn kiện được công bố một tuần sau khi chủ tịch Tập Cận Bình tiến hành chuyến thị sát thứ hai trong vòng 2 năm qua tới địa điểm này.
Giới nghiên cứu đánh giá chuyến đi của ông Tập cùng bài viết trên hãng thông tấn quốc gia gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng bất chấp những ngờ vực về kế hoạch quy mô cực lớn nhưng tiến độ chậm chạp, ông Tập không hề có ý định thoái lui trong việc phát triển Hùng An.
“Hiển nhiên, ông Tập không vui với tiến độ chậm,” ông Gu Su – nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Nam Kinh, đánh giá.
“Cá nhân ông muốn tạo lực đẩy mới cho dự án và tăng tốc tiến độ phát triển, đặc biệt trong bối cảnh ông đối mặt với sức ép từ những chỉ trích và quan điểm trái chiều xung quanh tính khả thi và kinh tế của dự án.”
Trung Quốc mong muốn gây dựng Hùng An thành một đô thị sáng tạo vào năm 2035 (Ảnh: Xinhua)
Chủ tịch Tập Cận Bình là người đề ra ý tưởng, hoạch định dự án đồng thời là người thông qua kế hoạch xây dựng khu kinh tế Hùng An – dự án được báo chí Trung Quốc gọi là “đại kế nghìn năm”. Tham vọng mà Bắc Kinh dành cho Hùng An lớn lao mang tầm cỡ lịch sử.
Nếu thành công, dự án phát triển khu vực nằm cách Bắc Kinh 100 km này sẽ là chương trình hạ tầng lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc hiện đại. Trong tài liệu mới của Tân Hoa Xã, Hùng An được mô tả là báo hiệu “quan trọng chiến lược cho thiên niên kỷ sắp tới” – với mục tiêu chia sẻ gánh nặng quá tải mật độ phát triển với thủ đô Bắc Kinh và giảm chênh lệch trong phát triển vùng.
Thị sát Hùng An hôm 16/1 vừa qua cùng các phó thủ tướng Hàn Chính và Lưu Hạc, ông Tập gọi kế hoạch phát triển khu kinh tế mới là “cơ hội nghìn năm có một”. Ông khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân góp sức để đưa công cuộc này đến thành công.
Trong kế hoạch tổng thể được công bố vào năm ngoái và nêu lại trong tài liệu chính phủ Trung Quốc mới đây, Hùng An sẽ được phát triển thành một đô thị sáng tạo, thông minh, hiện đại, môi trường trong sạch, có dân số vào khoảng 5 triệu người.
Tuy nhiên, hai năm sau khi khởi động quy hoạch, khu vực này vẫn thiếu thốn hỗ trợ về tài chính và hạ tầng dù Bắc Kinh rất nỗ lực. Chỉ số ít doanh nghiệp nhà nước, trường đại học, bệnh viện hay các viện nghiên cứu di chuyển trụ sở đến Hùng An.
Tiến độ đáng thất vọng ở Hùng An trái ngược với cơn sốt trong vài tuần đầu tiên sau khi dự án được khởi động. Thời điểm đó, giá tài sản và đất đai trong khu vực tăng vọt, khiến Bắc Kinh phải can thiệp và áp đặt lệnh cấm đối với toàn bộ giao dịch bất động sản.
Ông Tập Cận Bình gọi dự án Hùng An là “cơ hội nghìn năm có một” (Ảnh: Xinhua)
Sức ép lớn lên dự án “khủng” của ông Tập
Theo Gu Su, kể từ khi ra đời, dự án Hùng An vẫn gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia về quy hoạch đô thị, kinh tế và môi trường.
“Nhiều chuyên gia và chủ doanh nghiệp bày tỏ lo ngại thực sự về địa điểm dự án, các vấn đề sinh thái cũng như hệ quả kinh tế-xã hội,” ông nói. “Đó là lý do – như tôi được biết – khiến nhiều nhà đầu tư ban đầu tỏ ra hào hứng với Hùng An nhưng sau đó lại quyết định rút lui.”
Giáo sư kinh tế Hu Xingdou từ Đại học công nghệ Bắc Kinh, Trung Quốc, cũng bày tỏ quan ngại rằng những kế hoạch của chính phủ Trung Quốc không chỉ sơ sài mà còn không thể trấn an mối lo về cách thức thực thi cũng như duy trì các mục tiêu đặt ra.
“Điều đáng nói là trong lịch sử Trung Quốc có rất ít tiền lệ thành công về xây dựng các đô thị nhân tạo mà không có sự lên kế hoạch đúng đắn cũng như tổng hợp các điều kiện kinh tế xã hội và những điều kiện khác,” ông Hu nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
“Trước những lo ngại và nghi ngờ lan rộng, việc ban hành những mệnh lệnh hành chính [yêu cầu doanh nghiệp quốc doanh và các đơn vị chính phủ di dời đến Hùng An] có thể là cách duy nhất để hiện thực hóa dự án.”
Ông Gu Su cho rằng nỗ lực của ông Tập nhằm bơm thêm lực đẩy cho kế hoạch Hùng An có thể là hệ quả từ những tác động mà những “ông lớn” công nghệ Trung Quốc như Huawei và ZTE vấp phải.
Hai công ty này đang hứng chịu những cuộc rà soát gắt gao từ nhiều nước sau khi Mỹ và Trung Quốc lao vào chiến tranh thương mại và leo thang mâu thuẫn trong nhiều vấn đề, từ chạy đua công nghệ cho đến địa chính trị.
“Từ góc độ những thách thức mà Huawei và ZTE gặp phải, cũng như những rủi ro chính trị và kinh tế khác, ông Tập đã lặp lại nhiều lần về vấn đề tự lực cánh sinh… lần gần đây nhất là trong thông điệp năm mới của ông,” Gu nói.
“Rõ ràng ông ấy muốn thông qua phát triển Hùng An để củng cố sự ủng hộ và thúc đẩy nghị trình riêng.”