“Sáng ngày 18, tôi đi viếng thầy, những kỷ niệm cũ ùa về, nước mắt tôi cứ thế rơi lả tả không sao ngăn lại được”, Mỹ Uyên nói.
Sáng 19/9 sẽ diễn ra lễ truy điệu NSND Đoàn Dũng về nơi vĩnh hằng. Vậy là, làng điện ảnh Việt lại mất đi một cây đại thụ – thế hệ vàng đầu tiên với “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Đường về quê mẹ”, “Kẻ đốt đền”, “Đề Thám”…
Sự tiếc thương này sẽ còn mãi trong lòng người ở lại – những người luôn dành cho NSND Đoàn Dũng sự kính trọng và cả những kỷ niệm đặc biệt, dù có thể đó không phải là một kỷ niệm ngập tràn tiếng cười.
Cố NSND Đoàn Dũng.
NSƯT Mỹ Uyên nhớ mãi hình ảnh một ông già râu tóc bạc mếu máo khóc thầy!
Tôi nhớ mãi lần đi dự liên hoan ở Huế. Gặp thầy, tôi mừng muốn ôm thầy nhưng thầy xua đuổi “tránh xa tôi ra, tôi đang làm giám khảo, không tiếp xúc với ai hết”. Lúc đầu tôi tưởng thầy đùa nhưng khi thấy thầy nghiêm túc thật thì mình không dám gần. Thầy bảo, đó là nguyên tắc của thầy.
Suốt hai tuần diễn ra liên hoan, thấy thầy cứ lầm lũi ngồi làm tôi xót. Tôi không có cha mẹ từ nhỏ nên khi ai đó chỉ dạy mình điều gì, tôi thương quý lắm. Với thầy, tôi xem như cha. Tôi muốn mua cho thầy ly trà hay cà phê để thầy tỉnh táo nhưng cũng không dám mua.
Nghệ sĩ Mỹ Uyên.
Có lần đi ăn với thầy, thầy bảo “con yêu nghề, theo nghề, vậy con làm nghề bằng cái gì”. Tôi lúng túng chưa biết trả lời thế nào thì thầy bảo “bất cứ ngành nghề nào cũng phải làm bằng cái tâm của mình”.
Tôi nhớ như in lời thầy nên sau này làm nghề dù có gian nan thế nào tôi cũng luôn cố gắng làm hết tâm sức của mình.
Nhưng kỷ niệm tôi nhớ nhất về thầy là lần đi ra Hà Nội dự Đại hội sân khấu cuối năm 2015. Lúc đó, Hà Nội đang mùa đông, thầy vừa ho lại vừa bị đau khớp chân.
Đại hội năm nào thầy Đình Quang cũng đến dự nhưng năm đó thầy đi tránh rét vào Quảng Nam với con cháu. Thầy Đình Quang là thầy của thầy Dũng và cũng là cha nuôi tôi.
Đang vui chơi thì thầy Đình Quang bị huyết áp, nghẹt phổi, không thở được. Người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu thì thầy đi luôn. Biết tin, thầy Dũng cứ bồn chồn đứng ngồi không yên. Ông gọi điện cho cô Hạnh – vợ thầy Đình Quang mà cứ mếu máo khóc. Thầy Dũng thương thầy Quang lắm!
Trong đại hội hôm đó, không ai còn hứng thú bình bầu gì nữa, tất cả chuyển qua tâm lý lo lắng cho tang lễ của thầy Đình Quang và bàn chuyện đem thầy về Hà Nội như thế nào.
Hôm đưa thầy Đình Quang về nhà Hà Nội, thầy Dũng ngồi không yên. Ông chờ để nhìn mặt thầy mình một lần rồi bay về Sài Gòn. Khi nhìn một ông già râu bạc, tóc bạc khóc thương thầy mình, tôi vừa xót, vừa thương vừa ngưỡng mộ vô cùng.
NSND Đoàn Dũng khi ngồi làm giám khảo chấm thi liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc hồi tháng 4-2018.
Hồi tháng 4, chấm liên hoan, thầy đi lại đã khó khăn hơn nhiều. Tháng 6, thầy bị mệt nên không dự được Cánh Diều Vàng ở Hà Nội. Tôi quá bận nên không thăm thầy được, đó là điều tôi day dứt mãi đến bây giờ.
Dẫu thầy không còn đứng trên bục giảng nữa, không đóp góp được vai diễn nhưng thầy còn nghĩa là mình còn chỗ dựa tinh thần để làm nghề. Thầy mất đi là một sự mất mát lớn đối với các thế hệ làm nghề.
Sáng ngày 18, tôi đi viếng thầy, những kỷ niệm cũ ùa về, nước mắt tôi cứ thế rơi lả tả không sao ngăn lại được.
Đạo diễn Huỳnh Tấn Phát và kỷ niệm 7 năm mới tốt nghiệp…
Lần đầu tiên biết thầy là khi tôi đang học lớp diễn xuất quần chúng ở Nhà văn hóa quận 3, thầy Dũng được mời về dạy.
Thầy nghiêm và khó cực kỳ. Lớp diễn viên không chuyên nhưng cái gì cũng bị thầy chê tan xác. Thầy luôn đòi hỏi tiểu phẩm phải hoàn thiện, hoàn thiện và không bao giờ hài lòng.
Nhưng cũng chính vì bị thầy chê quá nên đứa nào cũng phải cố gắng, phấn đấu gấp 4, gấp 5 lần chỉ mong được một lần thầy không chê, chứ chưa dám nghĩ tới được khen.
Cũng nhờ vậy mà chúng tôi khá lên và quen làm việc trong môi trường khắc nghiệt, luôn ý thức làm sao cho hay hơn cái mình đang có.
NSND Đoàn Dũng và những người bạn cùng thế hệ: Thế Anh, Trà Giang, Nguyễn Thế Vinh.
Khi tôi học lớp chính quy ở trường Nghệ thuật Sân khấu 2. Lớp đó đào tạo theo chương trình liên kết giữa hai trường Sân khấu điện ảnh Hà Nội và TPHCM.
Thỏa thuận ban đầu giữa hai thầy hiệu trưởng là sẽ lược bớt một số môn. Lẽ ra chúng tôi đã tốt nghiệp nhưng khi hiệu trưởng mới lên, đòi xét theo quy chế. Chúng tôi không đủ môn nên không cho tốt nghiệp. Lớp chúng tôi phải học kéo dài tới 7 năm.
Chính thầy Dũng khi làm hiệu trưởng thay thầy Trần Minh Ngọc đã đấu tránh, đốc thúc chạy ra chạy vào lo cho chúng tôi hoàn tất các môn học, đủ cột điểm để thi tốt nghiệp và cấp bằng kịp thời. Thầy rất tận tâm với học trò nhưng vì thầy quá nghiêm nên đứa nào cũng sợ, không dám gần gũi!
Khi đi làm, gặp thầy tôi mới thấy thầy vui tính và dễ thương. Thầy luôn là người rổn rảng nói chuyện và làm không khí nóng lên trong các chuyến đi khá buồn tẻ. Chỉ có khi làm nghề thì thầy nghiêm khắc và khó thôi.
Hạnh Thúy: “Tôi từng ghét thầy Dũng lắm”
Hồi thầy làm hiệu trưởng trong trường, Thúy ghét thầy lắm! Thầy ra quá nhiều quy định lại khó và nghiêm khắc quá nên mình không thích.
Nhớ có lần lớp Thúy tập kịch trên lầu, lớp thầy học ở dưới. Sàn gỗ mà tập kịch thì chắc chắn là phải la hét, vật vã, té ngã… thầy bực cử đại diện lên chửi rồi chính thầy lên chửi luôn nên cả lớp ai cũng ghét.
Và những ngày cuối đời trên giường bệnh
Nhưng về sau, khi gặp thầy ở các liên hoan, đại hội thì điều Thúy nể nhất là… thầy già rồi, về hưu mười mấy năm rồi nhưng vẫn đau đáu về trường.
Thầy rất yêu ngôi trường ngày xưa mình từng làm việc. Khi thấy trường đạt được cái gì đó, sinh viên của trường đạt cái gì đó là thầy vui, khoe và tự hào lắm! Đó là điều Thúy ấn tượng nhất về thầy.