Showbiz không chỉ có những chiêu trò, những tị hiềm, ganh ghét mà còn có những câu chuyện xúc động về lòng hiếu thảo, sự tử tế của một số nghệ sĩ.
Hiền Mai xin đổi 10 năm tuổi thọ của mình lấy 5 năm cho mẹ
Hiền Mai sinh ra và lớn lên trong một gia đình chữ nghĩa, bố mẹ là nhà văn nhà báo. Có lẽ được nuôi dạy trong một gia đình truyền thống “có học” nên chữ hiếu như thấm vào máu, vào tiềm thức của Hiền Mai từ lúc nào không hay.
Mẹ của Hiền Mai bị bệnh tim và suy tủy từ thời trẻ. Ý thức được bệnh của mẹ nên Hiền Mai không bao giờ muốn bà lo lắng, phiền muộn. Ngay cả khi Hiền Mai bị tai nạn thừa sống thiếu chết, chị cũng giấu mẹ, nói dối mình đang đi phim và ngày ngày gọi điện về nhà nói chuyện để mẹ yên tâm.
Khi lấy chồng, Hiền Mai cũng đưa mẹ với ở cùng để được tự mình chăm sóc và thấy mẹ mỗi ngày mới an lòng.
Hiền Mai và mẹ.
2 năm trước, mẹ của Hiền Mai bị đột quỵ và rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Nhờ sự tận tình cứu chữa của các y bác sĩ và gia đình, sau đó mẹ của Hiền Mai tỉnh lại nhưng bà không nói chuyện được và cũng không nhớ một ai.
Dù được chữa chạy hết sức nhưng bà vẫn nằm viện như vậy suốt nửa năm trời. Ai cũng tưởng mẹ của Hiền Mai sẽ không qua khỏi. Để chăm mẹ, Hiền Mai bỏ hết công việc, dành toàn thời gian ở viện chăm mẹ.
Lo sợ mất mẹ, Hiền Mai thắp nhang trước bàn thờ Phật, khấn nguyện xin bớt 10 năm tuổi thọ của mình để đổi lấy 5 năm tuổi thọ của mẹ. Nếu đến năm 2021, khi mẹ tròn 90 tuổi mà vẫn minh mẫn khỏe mạnh thì Hiền Mai nguyện ăn chay trường.
Sau hôm đó, như có một phép màu, mẹ Hiền Mai bình phục từng ngày. Bà bắt đầu nói chuyện được và nhận ra mọi người xung quanh.
Hiền Mai mừng rỡ chảy nước mắt vì chị tin, lời khấn nguyện của mình đã được trời phật chứng giám hay lòng hiếu thảo của Hiền Mai đã hóa phép màu?
Cho tới ngày hôm nay, Hiền Mai vẫn luôn giữ thói quen, dù đi chơi hay đi làm về khuya cỡ nào, cứ về nhà là chị phải bước vào phòng ngủ của mẹ để nhìn mẹ một cái. Nếu mẹ ngủ say, chị sẽ lặng lẽ về phòng mình. Nếu mẹ chưa ngủ, Hiền Mai sẽ ôm hôn bà, đo huyết áp, cho bà uống nước và chúc bà ngủ ngon.
Nghệ sĩ ưu tú Hữu Châu luôn về trước 12h đêm vì sợ má phải chờ
Hữu Châu bảo, “làm gì thì làm, trước 12 giờ khuya tôi phải có mặt ở nhà”. Điều đó tưởng rất bình thường, đơn giản nhưng với đặc thù của nghề diễn viên, giờ giấc thất thường, nay tập kịch tới 2, 3 giờ sáng, mai lại quay phim sáng đêm như cơm bữa thì cái nguyên tắc kia không hề dễ chút nào.
Bởi lẽ, gia đình Hữu Châu chỉ có 3 anh em trai nhưng số phận sắp xếp chỉ còn mình anh ở lại chăm sóc mẹ già.
Người anh lớn, diễn viên múa Thanh Hải ra đi lúc tuổi đời còn rất trẻ trong một chuyến lưu diễn miền Bắc khi chưa kịp nổi tiếng. Em trai anh, nghệ sĩ Hữu Lộc cũng từ giã cuộc đời quá sớm sau một tai nạn giao thông năm 2010.
Kể từ đó, Hữu Châu tự gò mình vào khuôn khổ khắc nghiệt.
Nghệ sĩ ưu tú Hữu Châu
Hữu Châu cũng là nghệ sĩ, cũng là con người, cũng ham chơi, cũng thích nhậu nhẹt nhưng vì người mẹ già, anh bỏ hết những thứ đó gần 10 năm nay.
Anh bảo: “Tôi vũ trường không biết, gái gú không biết. Đi hát mắc cái bệnh hút thuốc, thích uống bia nhưng không uống la cà ngoài đường.
Tối đi diễn về, uống vài lon, coi ti vi trước khi đi ngủ. Vì đi về thì bà già tôi chờ cửa. Má tôi lớn tuổi rồi, trong gia đình không còn ai hết chỉ còn mình tôi là con trai nên má tôi sợ lắm. Tôi không muốn má thức khuya.
Làm gì làm, trước 12 giờ tôi phải có mặt ở nhà. Trừ trường hợp đi quay, có nhích qua chút xíu, thì tôi gọi về nhà để má đừng lo.
Khi đi quay, tôi cũng nói anh em trong đoàn ráng giúp dùm, đừng quay khuya quá. Tôi quay khuya, má tôi không chịu ngủ, cứ nằm salon ở dưới phòng khách chờ bằng được tôi về để mở cửa mới chịu đi ngủ”.
Đó là những ngày phải làm việc. Những ngày không quay, không diễn, Hữu Châu thường hẹn học trò đi nhậu nhưng chưa bao giờ đi quá 11 giờ đêm.
Đạo diễn Lê Văn Thảo không lấy vợ vì sợ mẹ chồng nàng dâu mâu thuẫn khiến mình không tròn chữ hiếu
Đạo diễn Lê Văn Thảo là con trai út của một gia đình nông dân đông con ở Đồng Tháp. Vì gia cảnh nghèo nên tốt nghiệp trung học, Lê Văn Thảo nhanh chóng tìm công việc lao động chân tay, kiếm tiền phụ giúp cho cha mẹ già.
Vì đồng lương dưới quê quá thấp, Lê Văn Thảo bỏ việc và lên Sài Gòn kiếm sống. Anh từng làm đủ nghề, từ công nhân công ty điện lạnh, chuyên lắp ráp hệ thống máy wast và hấp quần jean cho các xí nghiệp may đến nhân viên giữ xe ở sân khấu 135 của ông bầu Phước Sang.
Đạo diễn Lê Văn Thảo (áo vàng) đang chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên trong 1 cảnh quay.
Đồng lương của nhân viên giữ xe rất thấp, không đủ sống ở vùng đất mà mức chi phí đắt đỏ hơn ở quê gấp nhiều lần nên Lê Văn Thảo xin đi chạy bàn ở quán cafe vào buổi sáng và trưa. Sau khi tan hát, sân khấu đóng cửa, anh mượn chiếc xe cup 50 cũ của bạn để chạy xe ôm.
Dù ăn cơm bụi, ngủ nhà trọ rẻ tiền, có lúc trong người không còn một xu dính túi nhưng anh thấy cuộc đời vô cùng đáng yêu. Sống thiếu thốn nhưng bù lại tinh thần thoải mái. Nỗi canh cánh lớn nhất trong lòng anh chính là không có tiền gửi về quê phụ giúp mẹ già.
Vì quá đam mê nghệ thuật, Lê Văn Thảo thi vào trường sân khấu điện ảnh. Tốt nghiệp ra trường, anh được mời dựng cho nhiều sự kiện, các cuộc thi văn nghệ phong trào, đạo diễn phim truyền hình nhờ vậy cuộc sống mới khá hơn.
Lúc này thu nhập của anh đủ nhiều để có thể hằng tháng gửi tiền đều đặn về cho cha mẹ.
Vừa có được chút uy tín trong nghề và dành dụm được chút tiền thì ba anh ngã bệnh. Toàn bộ số tiền anh có được dồn vào việc chữa trị cho ông.
Sau đó, người mẹ già bị đau khớp. Nhìn mẹ đau nhức ngủ không được, anh đau xé ruột gan. Anh tiếp tục dốc túi cho bà thay hai khớp háng với kinh phí vài trăm triệu đồng. Vì vậy mà dù có nhiều show nhưng anh vẫn là chàng nghệ sĩ nghèo.
Vì lo lắng cho mẹ nên anh cứ tranh thủ lúc rảnh chạy về quê chăm sóc bà. Phụ nữ vây quanh anh không thiếu nhưng anh vẫn sống độc thân.
Cũng vì quá hiếu thuận với mẹ, anh lại không có nhiều tiền nên không dám cưới vợ. Anh sợ họ lúc chưa về chung nhà thì tôn trọng anh, nhưng khi thành vợ chồng nhận ra anh không giàu có, họ sẽ đổi thái độ. Anh không chịu nổi cảm giác đó.
Nhưng quan trọng hơn, anh sợ không có người phụ nữ nào thực sự yêu thương người mẹ mà anh trân quý. Anh sợ mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu khiến anh đánh mất chữ hiếu.
Đạo diễn Lê Văn Thảo và mẹ.
Thế là mặc ai đàm tiếu anh vẫn lặng lẽ sống một cuộc đời bình dị, đơn giản mà ấm áp bên mẹ và các anh chị.
Đạo diễn Lê Văn Thảo hiếu thuận tới mức, vài năm trước, anh bị giãn tĩnh mạch, tắc nghẽn động mạch máu không thể lưu thông nuôi chi dưới phải nhập viện cấp cứu.
Trước khi rơi vào trạng thái mất nhận thức, hôn mê sâu suốt 10 ngày, anh dặn gia đình đừng cho mẹ biết tình trạng của mình. Anh sợ bà lo lắng quá ảnh hưởng sức khỏe. Suốt mấy tháng điều trị trong viện sau đó, anh vẫn giấu bà, nói dối là mình đi công tác nước ngoài.
Có thể đối với công chúng, đạo diễn “Quý cô tuổi Dần” không phải là gương mặt nổi tiếng được nhiều người biết đến nhưng trong giới nghệ sĩ, anh lại cực nổi tiếng về lòng hiếu thảo và cả tư cách làm nghề.