Hải quân Mỹ và Thái Lan tham gia Hoạt động Diễn tập hải quân ASEAN-Mỹ (AUMX) đầu tiên có sự tham gia của hải quân Mỹ và tất cả các nước thành viên ASEAN, tháng 9/2019 (Ảnh: Twitter)
Một nỗ lực ngoại giao có phối hợp trên phạm vi quốc tế sẽ nâng cao nhận thức về sự o ép của TQ ở Biển Đông và khiến Bắc Kinh phải trả giá đắt hơn cho việc liên tục vi phạm quy tắc…
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Morgan Ortagus từng nhấn mạnh việc Trung Quốc tiến hành cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn (trái phép) ởBiển Đông, cùng với các hành động khác nhằm khẳng định những đòi hỏi bất hợp pháp của Bắc Kinh ở vùng biển này, bao gồm cả việc sử dụng quân sự trên biển để đe dọa các quốc gia khác, là hành động làm xói mòn hòa bình và an ninh khu vực.
Trước xu hướng gia tăng căng thẳng trên Biển Đông do Trung Quốc đơn phương có hàng loạt hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, cản trở hoạt động dầu khí hợp pháp và đã được triển khai từ lâu trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và một số quốc gia ven biển khác, các quan chức và học giả Mỹ liên tiếp lên tiếng chỉ trích các hành động làm xói mòn lòng tin của Trung Quốc.
Phát biểu tại một buổi gặp gỡ lãnh đạo các tập đoàn năng lượng ở Texas, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ trích “hoạt động xây đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung Quốc tại các tuyến đường biển quốc tế”. Ông cho rằng những hành động của Trung Quốc không đơn thuần là vấn đề an ninh.
Đáp trả lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng chỉ trích Ngoại trưởng Mỹ đã phát ngôn “thiếu trách nhiệm”. Ông này còn cho rằng những cường quốc không có tuyên bố tranh chấp trên Biển Đông thì không nên can thiệp vào những thảo luận hiện nay.
Bắc Kinh đang thắt chặt sự kiểm soát đối với hải phận và không phận trên Biển Đông. Điều đó có thể làm xói mòn các nguyên tắc pháp lý then chốt làm nền tảng cho trật tự hàng hải toàn cầu, ngăn chặn các đối tác Đông Nam Á tiếp cận các quyền lợi và nguồn lực của họ, và cuối cùng là gây bất ổn và xung đột tiềm tàng trong khu vực.
Xét cho cùng, Trung Quốc phản đối bất kỳ hoạt động quân sự nước ngoài nào mà không có thông báo ở các vùng biển mà nước này áp đặt tuyên bố chủ quyền phi lý. Các lực lượng Trung Quốc thường xuyên đưa ra các cảnh báo buộc các tàu và máy bay quân sự nước ngoài phải rời khỏi các vùng cảnh báo quân sự không được phân định rõ hoặc ngừng đe dọa an ninh các cơ sở của Trung Quốc chỉ bằng việc quá cảnh ở không phận quốc tế và các vùng biển lân cận.
Nỗ lực quốc tế do Mỹ định hình ở biển Hoa Đông
Khi thiết kế cách thức tốt nhất để đẩy lùi Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ có thể trích dẫn sách lược đã từng áp dụng ở biển Hoa Đông.
Tháng 10/2017, Mỹ bắt đầu các chuyến bay do thám trên biển Hoa Đông nhằm giám sát và làm gián đoạn hoạt động của các tàu bị nghi là vi phạm lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Đầu năm 2018, chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định mở rộng nỗ lực đó bằng cách kêu gọi thêm các nước tham gia việc theo dõi các tàu được cho là đang vận chuyển hàng cấm.
Tháng 2/2018, báo Asahi Shimbun (Nhật Bản) đưa tin Mỹ và Nhật Bản đã lên kế hoạch tổ chức một hội nghị quốc tế để thành lập liên minh này, các bên được mời gồm Australia, Pháp, Singapore, Hàn Quốc và Anh.
Kể từ tháng 5/2018, Australia, Canada, New Zealand và Anh đã bố trí các máy bay do thám tại căn cứ không quân Kadena của quân đội Mỹ tại Okinawa để tiến hành các cuộc tuần tra thường xuyên trên biển Hoa Đông và biển Nhật Bản. Một tàu chiến của Anh cũng đã được triển khai tới Nhật Bản để trợ giúp nỗ lực này.
Máy bay do thám thu thập thông tin về các con tàu bị nghi là vi phạm các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Những máy bay này chụp ảnh số hiệu của tàu tham gia vận chuyển dầu trái phép và báo cáo lên Liên hợp quốc để buộc các bên đó phải giải trình bằng việc ghi vào danh sách đen các con tàu và công ty có dính líu. Từ đó gây sức ép buộc các nước thành viên, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, phải thẳng tay trừng phạt các đối tượng vi phạm.
Liên minh này đã mở rộng vào tháng 9/2018 với việc thành lập Trung tâm điều phối thực thi trên tàu USS Blue Ridge. Con tàu này là nơi làm việc của hơn 50 nhân viên đến từ Australia, Canada, Pháp, New Zealand, Hàn Quốc, Anh và Nhật Bản.
Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan tham gia cuộc tập trận chung Keen Sword giữa quân đội Mỹ, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản, và hải quân hoàng gia Canada, ngày 3/11/2018 (Ảnh: Reuters/Tim Kelly)
Ngoài ra, trung tâm điều phối này được nhận định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thông tin liên lạc thông qua các đài chỉ huy giữa các tàu thuộc liên minh và các tài vận chuyển trái phép bị tình nghi.
Tháng 11/2018, Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đô đốc Phil Davidson cho biết Mỹ đã dành riêng hai tàu cho các hoạt động tuần tra này và tăng cường 50% các chuyến bay do thám của họ.
Hiệu quả của liên minh này trong việc ngăn chặn những hành động vi phạm các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên trong dài hạn vẫn cần phải xem xét. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng nỗ lực đa phương đầy tham vọng này đã thành công trong việc gây áp lực đối với các đối tượng vi phạm các lệnh trừng phạt.
Giải pháp phối hợp ở phạm vi quốc tế cho biển Đông
Trong vài năm qua, Mỹ đã thúc giục các nước có cùng tư tưởng gia tăng sự hiện diện của họ ở Biển Đông nhằm giúp khẳng định quyền tự do hàng hải bất chấp các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Nhưng Washington vẫn chưa tìm cách xây dựng một cơ chế chính thức phục vụ những mục đích đó, khiến các nước khác phải khẳng định quyền lợi của mình một cách riêng lẻ.
Để làm việc này, Mỹ có thể phát huy vai trò lãnh đạo đa phương giống như họ đã làm ở biển Hoa Đông. Sự hợp tác có nhiều bên tham gia như vậy cuối cùng có thể dẫn đến việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm phối hợp.
Về ngoại giao, Mỹ có thể cùng các nước có chung quan điểm và các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc đưa vấn đề Biển Đông trở lại vị trí hàng đầu trong nghị trình quốc tế.
Mới đây nhất, Chuẩn đô đốc Joe Tynch III, phụ trách các hoạt động hợp tác an ninh của Hải quân Mỹ tại khu vực Đông Nam Á, đã hoan nghênh tất cả thành viên ASEAN tham gia Diễn tập hàng hải chung giữa Mỹ và ASEAN (AUMX), diễn ra từ ngày 2-6/9/2019 tại vịnh Thái Lan.
Ông Tynch khẳng định các nước đang phải đối mặt với thách thức trên biển vượt quá tầm xử lý của từng quốc gia riêng lẻ và đó là lúc các quan hệ đối tác cần được nhân thêm sức mạnh vì hòa bình và năng lực tương tác lẫn nhau.
Một nỗ lực ngoại giao có phối hợp trên phạm vi quốc tế sẽ nâng cao nhận thức về sự o ép của Trung Quốc ở Biển Đông và khiến Bắc Kinh phải trả giá đắt hơn cho việc liên tục vi phạm quy tắc bằng việc làm xói mòn hình ảnh của họ với tư cách là nước lớn có trách nhiệm toàn cầu.