Lưu ý ngay những khuyến cáo để tránh rủi ro nguy hiểm khi sạc điện thoại qua đêm ở gần người, đặc biệt là cạnh gối đầu giường.
Mới đây, sự việc về một nam thanh niên bị thủng màng nhĩ vì sạc điện thoại ở gần gối khi đang ngủ đã khiến dư luận hoang mang. Cụ thể, chiếc điện thoại đã phát nổ ngay giữa đêm khiến chủ nhân không kịp trở tay, phải nhập viện ngay lập tức trong tình trạng bị thương vùng mặt và thủng màng nhĩ, nhiều mảnh nhựa và kim loại nhỏ găm vào da đầu.
Nam thanh niên trong bệnh viện.
Qua đây, những quan điểm gây tranh cãi về sạc điện thoại, đặc biệt là sạc qua đêm khi đang ngủ lại được phen gióng lên bàn tán. Theo nhiều kiến thức tổng hợp, có thể rút ra 3 nguyên nhân chính sau đây là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nguy hiểm này.
1. Cáp sạc, củ sạc hàng nhái, hàng giả
Cáp sạc và dây sạc luôn là những thành phần được điều tra trước tiên trong những vụ nổ pin và điện thoại trước đây. Nếu có thói quen mua tạm một chiếc cáp/củ sạc ở ngoài đại lý mà không quan tâm xuất xứ, rất có thể đó là hàng nhái. Khi đó, chất lượng chắc chắn không có đủ tiêu chuẩn bảo hành như hàng chính hãng, đồng thời không qua các khâu kiểm duyệt an toàn từ thương hiệu gốc.
2. Cáp sạc, củ sạc chính hãng nhưng kém chất lượng
Hơn nữa, kể cả là hàng chính hãng và có con dấu chuẩn xuất xứ từ nhà sản xuất, vẫn còn một vài lý do phụ khác mọi người cần quan tâm. Đôi khi các phiên bản điện thoại cách nhau nhiều thế hệ sẽ có thông số pin, sạc khác nhau. Vì thế, một bộ sạc đúng chuẩn của thương hiệu nhưng không rõ dành cho thiết bị cụ thể nào vẫn có thể khiến chiếc điện thoại của bạn bị xung đột do thông số kỹ thuật không khớp hoàn toàn, gây chập mạch và quá tải điện.
Cáp sạc iPhone chính hãng cũng được cho là khá dễ hỏng.
Trong trường hợp đã đúng chuẩn bộ sạc gốc đi theo máy, không gì đảm bảo chất lượng của nó tồn tại mãi mãi. Độ bền có thể giảm sút theo thời gian do yếu tố khí hậu, độ ẩm, quăng quật gây hở điện, gãy vỡ… Khi đó, nguy cơ khiến điện thoại bị tổn hại khi đang sạc kéo dài cũng khả thi.
3. Sạc qua đêm sai cách, sai vị trí
Về lý thuyết, các smartphone hoặc điện thoại hiện đại dùng pin Li-ion ngày nay đã được chế tạo tối ưu hóa cho việc sạc ngắt liên tục, thậm chí cả sạc qua đêm mà gần như không tổn hại hay chai pin. Điều này khác biệt hoàn toàn so với pin NiCd thời xưa (dùng trong các điện thoại cũ) yêu cầu sạc thành từng quãng dài, không được ngắt quãng thoải mái giữa chừng.
Một trường hợp bị nổ điện thoại dưới gối từng được ghi nhận.
Tuy nhiên, kể cả khi pin Li-ion đã thích nghi với việc sạc dài qua đêm, điện thoại vẫn có khả năng gặp xung đột phát nổ do nhiệt độ. Khi sạc liên tục, nhiệt năng sẽ dần tích tụ, trong trường hợp bị chèn lấp và dồn ép bởi gối, chăn, đệm mềm sẽ không thể thoát nhiệt nhanh. Nhiệt độ chính là một yếu tố “chí mạng” cho tuổi thọ và tình trạng an toàn của pin, bất kể là quá lạnh hay quá nóng.
Hệ thống tản nhiệt của điện thoại vốn đã không thể hiệu quả như laptop, máy tính, gặp điều kiện không thích hợp lại càng rủi ro hơn. Vì thế, đây có thể là một chi tiết cần được tìm hiểu nếu muốn điều tra thêm về vụ nổ trong đêm của thanh niên trên.