Trò chuyện độc quyền với Báo Trí Thức Trẻ, Sa Tăng hé lộ những chuyện hậu trường ít biết trong quá trình quay Tây Du Ký, cũng như tình bạn sâu nặng lâu năm của bốn thầy trò Đường Tăng.
Nhân dịp “Tây Du Ký” được phát sóng lại trên truyền hình, chúng tôi xin gửi tới quý độc giả tuyến bài phỏng vấn độc quyền dàn diễn viên của bộ phim kinh điển này.
Đây là tuyến bài được phóng viên Trí Thức Trẻ thực hiện rất công phu từ Bắc Kinh – Trung Quốc, mang đến nhiều góc nhìn thú vị, kiến giải độc đáo và các bí mật chưa từng được hé lộ của những nhân thân thuộc với tuổi thơ của nhiều thế hệ khán giả như Đường Tăng , Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng …
Clip phỏng vấn độc quyền Sa Tăng “Lưu Đại Cương”
Tây Du Ký là bộ phim tốn nhiều thời gian và tâm sức nhất
Phần phim Tây Du Ký mà tôi tham gia được quay ròng rã trong 6 năm trời. Lúc đó, đài truyền hình trung ương Trung Quốc đầu tư 4 bộ phim kinh điển gồm Hồng Lâu Mộng, Tây Du Ký, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử, thì Tây Du Ký là tác phẩm tốn nhiều thời gian và tâm sức nhất.
Quá trình quay phim rất vất vả, gian khổ. Tôi nhớ khi quay tập “Đại náo Thông Thiên Hà”, chúng tôi phải vượt qua một con sông đóng băng. Nhưng ngựa lại sợ đi qua băng, càng sợ càng trượt ngã.
Thấy ngựa ngã đến 4,5 lần, đạo diễn Dương Khiết xót lắm, bởi nếu nó ngã bị thương thì ngày hôm sau chúng tôi không thể quay phim được nữa.
Vậy là đạo diễn bảo mấy diễn viên chúng tôi quấn vải vào móng ngựa, xem nó có thể đi được không, nhưng rồi vẫn chẳng có tác dụng. Cứ đứng lên là ngựa lại sợ và trượt ngã. Cuối cùng, đạo diễn Dương Khiết đành cho người khênh ngựa ra ngoài, dừng quay ngày hôm ấy.
Những hình ảnh của nghệ sĩ Lưu Đại Cương trong “Tây Du Ký”
Trong quá trình đóng Tây Du Ký, tôi có ấn tượng sâu sắc nhất khi quay tập “Thật giả Mỹ Hầu Vương” tại sơn động ở Tứ Xuyên. Trong tập phim đó, Sa Tăng có nhiệm vụ đến Thủy Liêm động ở Hoa Quả Sơn để mời sư huynh trở về.
Nhưng Tôn Ngộ Không nhất quyết không chịu quay lại vì giận sư phụ trách oan. “Ta không về, sư phụ lúc nào cũng đòi niệm thần chú khiến ta đau chết đi sống lại. Ta sai ở đâu, ta không rõ”, Tôn Ngộ Không nói.
Thực ra lúc đó, Sa Tăng cũng chẳng có cách nào để xoa dịu sư huynh. Nhưng nếu không mời được Tôn Ngộ Không quay lại thì làm sao đi lấy kinh được.
Lòng anh ta vì vậy mà nóng như lửa đốt, chỉ muốn mau chóng mời sư huynh trở về. Nhưng Tôn Ngộ Không lại không chịu cho Sa Tăng vào động, nên anh ta đành phải cãi vã, đánh nhau với bầy khỉ, song lại chả dám mạnh tay.
Khi quay tập phim này, tôi có rất nhiều cảnh đánh nhau. Còn nhớ khi ấy tôi phải nhảy từ một cái bậc cao trên sơn động xuống đất.
Cảnh đó rất nguy hiểm, bởi mặt đất không bằng phẳng, dù phía dưới có đặt một tấm đệm nhưng khi nhảy xuống tôi vẫn không thể giữ thăng bằng được, mà phải chống tay vào vách sơn động.
Vách sơn động toàn là đá rất sắc, là đá tự nhiên chứ không phải được làm từ xi măng, do vậy nếu không cẩn thận thì đầu sẽ đập vào đá, rất dễ chảy máu, bị thương.
Ngoài ra để quay tập phim “Thật giả Mỹ Hầu Vương”, đoàn phim còn phải đốt rất nhiều hương. Hương khói mù mịt khắp sơn động, khiến chúng tôi không thể nhìn rõ mọi thứ. Nhưng cũng chính vì thế mà tập phim có hiệu ứng rất đẹp. Dù gian khổ nhưng tôi cảm thấy rất xứng đáng, rất ý nghĩa.
Tình bạn của bốn thầy trò chúng tôi là thứ tình cảm sâu sắc, được bồi đắp qua nhiều năm
Để làm nên thành công của Tây Du Ký, đạo diễn Dương Khiết là người bỏ ra nhiều tâm sức và vất vả nhất đoàn.
Ví dụ khi chúng tôi quay phim ở Trương Gia Giới, núi Thanh Thành, đường đi rất khó khăn, vừa trơn vừa hẹp, nhưng đạo diễn Dương Khiết vẫn chẳng nề hà, dù bà đã cao tuổi nhưng vẫn cùng chúng tôi trèo đèo lội suối.
Thậm chí, khi diễn viên được nghỉ ngơi, thì đạo diễn vẫn phải lo toan đủ mọi công việc vì bà là người bao quát cả đoàn. Thế nên, công lao của đạo diễn Dương Khiết là không thể đóng đếm được.
Năm ngoái, khi tham gia lễ tưởng niệm đạo diễn Dương Khiết, chúng tôi đều rất nhớ bà. Nhờ có bà hướng dẫn, chỉ bảo thì bốn thầy trò chúng tôi mới tạo nên một bộ phim kinh điển đến vậy, cũng như trở thành những người bạn tốt của nhau ở ngoài đời.
Đến nay dù nhiều năm đã trôi qua, nhưng bốn thầy trò chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc, cùng nhau tham gia các sự kiện. Trong nghệ thuật, chúng tôi cùng cổ vũ, học hỏi lẫn nhau, còn trong cuộc sống thì yêu thương, quan tâm nhau.
Cứ thế, tình bạn của chúng tôi đến nay đã kéo dài mười mấy năm rồi. Đó là thứ tình cảm sâu sắc được bồi đắp qua nhiều năm, chứ không phải ngày một ngày hai mà có được.
Vài năm trước, khi Lục Tiểu Linh Đồng tuyên bố sẽ không tổ chức sinh nhật nữa để tưởng niệm anh Diêm Hoài Lễ (ngày sinh nhật của Lục Tiểu Linh Đồng trùng với ngày mất của Diêm Hoài Lễ – PV), tôi thực sự rất xúc động, bởi tôi cảm nhận được tình cảm huynh đệ sâu nặng.
Có thể có được những người bạn, những huynh đệ tuyệt vời như vậy, bản thân tôi cảm thấy rất hạnh phúc và mãn nguyện.
Trong đoàn phim Tây Du Ký, các diễn viên đều có ít nhất 1-2 nhân vật kinh điển của riêng mình
Có nhiều ý kiến nhận xét những diễn viên đóng Tây Du Ký như “Tôn Ngộ Không” Lục Tiểu Linh Đồng, “Trư Bát Giới” Mã Đức Hoa, hay “Sa Tăng” là tôi cả đời chỉ đóng được một vai diễn duy nhất, bị “chết vai”.
Nhưng tôi lại cho rằng, đối với một diễn viên mà nói, cả đời chỉ đóng một vai cũng chẳng sao, chỉ cần thành công là được. Các bạn thấy đó, trong dàn Tây Du Ký năm ấy, các diễn viên đều có ít nhất 1-2 nhân vật kinh điển của riêng mình. Đến nay, họ vẫn được khán giả nhắc đến và yêu mến.
Vì thế theo tôi, một diễn viên giỏi không nhất thiết vai nào cũng phải đạt đến mức độ lí tưởng, chỉ cần có 1-2 nhân vật làm cho khán giả nhớ mãi không quên, như vậy là đã rất tuyệt vời rồi.
Tất nhiên, đã là nghệ thuật thì phải “học, học nữa, học mãi”. Không phải vai diễn nào cũng có thể tỏa sáng, nhưng khi diễn xuất, người diễn viên phải đặt ra cho mình một tiêu chuẩn nhất định và cố gắng đạt được tiêu chuẩn đó.
Bởi bản thân người diễn viên phải cảm thấy hài lòng với nhân vật của mình, thì khán giả mới yêu mến nhân vật ấy được chứ. Do đó, chúng ta cần chăm chỉ và có mục đích, mục tiêu rõ ràng khi đóng phim.