Với việc lần đầu tiên phóng thử thành công các tổ hợp tên lửa S-400 mua của Nga, Trung Quốc đã “nghiễm nhiên” ban tặng cho Moscow một chương trình quảng cáo miễn phí, đầy ấn tượng.
Trung Quốc vừa tiến hành những cuộc thử nghiệm đầu tiên các hệ thống phòng không S-400Triumf mới mua của Nga và đã chứng tỏ chính xác những thông tin quảng cáo về khả năng bay với vận tốc 3 km/giây, không hề thua kém các tổ hợp tên lửa đánh chặn của Mỹ.
Theo một nguồn tin ngoại giao quân sự: “Các cuộc bắn thử đã diễn ra nửa đầu tháng 12/2018. Quả tên lửa 48N6E được phóng lên đã bắn hạ mục tiêu đạn đạo di chuyển với vận tốc 3km/s. Mục tiêu đã bị bắn hạ ở vị trí tối đa của tầm bắn – gần 250 km”. Nguồn tin cũng cho biết, các cuộc bắn thử được thực hiện trong điều kiện “kẻ địch giả định sử dụng nhiễu sóng mạnh”.
Được biết, tháng 9/2018, Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc vì ký hợp đồng mua máy bay Sukhoi và những tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga.
Trung Quốc đã tiếp nhận tổ hợp S-400 đầu tiên vào mùa Hè. Bắc Kinh đã chi 3 tỷ đôla cho bản hợp đồng này. Tháng 11/2018 xuất hiện thêm thông tin về việc Nga ký thêm 3 hợp đồng bán vũ khí nữa cho Trung Quốc.
Các diễn đàn quân sự “dậy sóng”
Khi xuất hiện thông tin về việc Trung Quốc thử nghiệm S-400, các diễn đàn trên mạng đã dậy sóng.
“3 km/giây. Đúng là mục tiêu đã bay với vận tốc này – đầu đạn của quả tên lửa đạn đạo mà tổ hợp S-400 đã bắn hạ trong cuộc thử nghiệm tại Trung Quốc. Đó chính là màn quảng cáo hiệu quả nhất của vũ khí Nga”, một tài khoản trên trang mạng Telegram bình luận.
“Thứ nhất, ít ai trên thế giới tìm được mục tiêu có khả năng đạt được vận tốc tương tự. Thứ hai, đây, là lời tuyên bố độc lập của khách hàng, chứ không phải người bán – và sự tin tưởng vào những tuyên bố của Trung Quốc trong trường hợp này sẽ cao hơn nhiều so với các tính năng kỹ-chiến thuật mà công ty “Almaz-Antey” quảng cáo.
“Thứ ba, các cuộc thử nghiệm được thực hiện trong điều kiện nhiễu sóng mạnh của kẻ địch giả định nhưng mọi thứ vẫn diễn ra thành công”, tác giả bài viết chia sẻ.
“Những tính năng giống như vậy chỉ duy nhất một hệ thống trên thế giới có – đó là tên lửa SM-3 của Mỹ. Người Mỹ từng tuyên bố rằng SM-3 đã tiêu diệt các mục tiêu đạn đạo thậm chí ở vận tốc lớn – hơn 10km/s”. Tuy nhiên, theo tác giả bài viết, không ai công nhận những tuyên bố đó bằng phân tích độc lập.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga tham gia duyệt binh tại Quảng trưởng Đỏ
Nhưng khác với blogger của kênh Telegram, chuyên gia quân sự Nga Alexandr Goltz không cho rằng thông tin của người Trung Quốc đưa ra là khách quan:
“Tuyên bố của Trung Quốc là thứ quan trọng, nhưng nó cũng không thuộc dạng phân tích mang tính độc lập. Người mua cũng quan tâm không kém người bán trong việc tuyên bố rằng món hàng mình mua tốt. Tất cả những thứ đó là ý kiến đánh giá. Nếu nói về vận tốc 3km/giây thì đó là tốc độ mà đầu đạn của quả tên lửa tầm trung. Điều này cũng là một thành tựu quan trọng”.
“Thực ra, theo quan điểm của Trung Quốc thì thành tựu này không có ý nghĩa bởi vì đang đối đầu Trung Quốc là Mỹ, quốc gia không có tên lửa tầm trung. Nói chung, không ai nghi ngờ rằng S-400 là một hệ thống phòng không và phòng thủ chống tên lửa hiệu quả”, chuyên gia quân sự Alexandr Goltz nói tiếp.
“Sẽ thú vị khi chứng kiến hệ thống này sẽ phát triển trong tương lai như thế nào. Người ta nói rằng ngay trong tương lai không xa sẽ xuất hiện S-500 còn sở hữu những tính năng chống tên lửa rộng lớn hơn. Cần phải nhớ rằng Nga ở đây phát triển theo hướng khác Mỹ.
“Người Mỹ chia thành các hệ thống phòng không và phòng thủ chống tên lửa, – tồn tại hệ thống Patriot và hệ thống Aegis và, tất nhiên, cả THAAD. Còn Nga cố gắng tích hợp tất cả. Tạm thời chưa hiểu ai hiệu quả hơn trong cuộc đua này. Như người ta thường nói, thời gian sẽ chứng tỏ”, ông Goltz kết luận.
Chuyên viên nghiên cứu khoa học Viện Viễn đông của Viện Hàn lâm khoa học Nga, chuyên gia Trung tâm AST Vasily Kashin không đồng tình với việc SM-3 giống với “Triumf”.
“Quả tên lửa tiêu chuẩn SM-3 không nên so sánh với quả tên lửa mà S-400 sử dụng, bởi vì SM-3 là tên lửa chống tên lửa. Có hệ thống Aegis, có một vài loại tên lửa phòng không dòng SM-1, SM-2, SM-3 và v.v. SM-3 là các tên lửa đặc biệt chống đạn đạo”.
“Đó là các tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo mà về nguyên lý không sử dụng được vào mục đích khác. Chúng không có đầu đạn, chúng trực tiếp phả hủy mục tiêu”, chuyên gia này giải thích.
“Những tên lửa này được sử dụng chỉ để đánh chặn các mục tiêu đạn đạo, có giá từ 10 đến 20 triệu đôla mỗi quả tùy vào phiên bản nâng cấp. Về nguyên tắc, nó có thể có các tính năng cao hơn hoặc thấp hơn. Có thể, khi bắn về phía các mục tiêu đạn đạo các loại nó có thể tốt hơn.
Nhưng, khác với nó, các tên lửa của tổ hợp S-400 đa năng, chúng có thể được sử dụng để đánh chặn các mục tiêu đạn đạo cũng như để chống các mục tiêu khí động học, giúp tiết kiệm được nhiều.
Ngoài ra, SM-3 là tổ hợp trang bị trên các tàu chiến, hoặc nó được sử dụng trong thành phần của hệ thống AegisAshore – đó là Aegis trên bộ. Đó là hệ thống cố định mà trong trường hợp xảy ra chiến tranh với kẻ địch mạnh sẽ tồn tại không lâu. Trong khi đó, S-400 đó là hệ thống cơ động sở hữu những tính năng cơ động cao. Bởi vậy so sánh rất khó”, chuyên gia Vasily Kashin nói.
S-400 “xuất trận” chiến bảo vệ biên giới phía tây nước Nga
Trung Quốc mua S-400 để làm gì?
Ông Kashin cũng tin rằng quân đội Trung Quốc có thể sẽ cần “Triumf” trong trường hợp xung động xung quanh Đài Loan.
“Việc bố trí tổ hợp ở những khu vực trọng yếu như Vịnh Đài Loan hoặc những vùng tiếp giáp với Biển Đông có thể sẽ tạo ra ưu thế đáng kể. Đúng là người Mỹ không có các tên lửa tầm trung. Nhưng họ đang có ý định chế tạo.
Mặt khác, Ấn Độ và Hàn Quốc đang và sẽ có với tầm bắn lên tới 800km. Nói chung, có thể nói rằng S-400 đó là một bản hợp đồng có lợi đối với Bắc Kinh. Và những cuộc thử nghiệm vừa qua hoàn toàn có thể nhận được đánh giá cao của chuyên gia”, ông Kashin nói.
Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề nữa. Như đã biết, nhiều quốc gia cho đến nay vẫn thể hiện sự cẩn trọng trong hoạt động hợp tác công nghệ-quân sự với Bắc Kinh bởi vì Trung Quốc nổi danh với khả năng sao chép các công nghệ nước ngoài.
Người Trung Quốc nhiều lần “đi vay mượn” của Nga. Trên cơ sở chiếc tiêm kích Su-27SK (được sản xuất hợp pháp ở Trung Quốc với tên gọi J-11) người Trung Quốc chế tạo tiêm kích J-11B trước sự bất ngờ của Nga. Người Trung Quốc tự túc động cơ và một phần hệ thống điện tử và bày bán nó cho các quốc gia khác với giá thành thấp hơn các máy bay tiêm kích của Nga.
“Không nghi ngờ gì, người Trung Quốc sẽ sao chép S-400. Đúng như những gì đã làm với Su-27. Không phải tự nhiên mà các cuộc đàm phán bán S-400 từng diễn ra hết sức khó khăn”.
“Nga cố gắng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng tất cả kết thúc với việc các lệnh trừng phạt được áp dụng đối với Nga. Nga cần ngoại tệ. Và theo tôi hiểu, Moscow chấp nhận điều kiện của Trung Quốc”, ông Alexandr Goltz nói.
Theo ý kiến của ông Goltz, Nga chỉ có một khả năng để không bị ảnh hưởng vì hành động sao chép của Trung Quốc: Nhanh chóng chế tạo hệ thống mới, hoàn thiện hơn – S-500 “Prometey”.
Video quân đội Trung Quốc thử nghiệm hệ thống phòng không S-400 (Nguồn: World News 24h)