Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam (Ảnh: Reuters)
Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam nói rằng bà đã gây ra “tổn hại không thể tha thứ” khi để xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị bao trùm đặc khu này – theo Reuters.
Bà Carrie Lam sẽ từ chức “nếu được lựa chọn”
Reuters ngày 2/9 cho biết đã nhận được một đoạn ghi âm có phát ngôn của bà Carrie Lam trong cuộc họp kín với các doanh nghiệp vào tuần trước. Theo đó, Trưởng đặc khu Hồng Kông thừa nhận hiện nay không gian để bà có thể giải quyết cuộc khủng hoảng là “hết sức hạn chế”, bởi tình trạng bất ổn ở đặc khu đến nay đã trở thành vấn đề về an ninh quốc gia và chủ quyền đối với Trung Quốc giữa bối cảnh căng thẳng Bắc Kinh-Washington leo thang.
“Nếu tôi được lựa chọn,” bà Lam nói bằng tiếng Anh, “thì điều đầu tiên là sẽ từ chức, và đưa ra một lời xin lỗi sâu sắc.”
Thái độ của bà Lam được đánh giá là mang lại góc nhìn rõ ràng nhất về quan điểm qua ban lãnh đạo Bắc Kinh trong việc xử lý cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi đặc khu này được trao trả về Đại lục năm 1997.
Các cuộc tuần hành quy mô lớn và biểu tình bạo lực đã tiếp diễn từ tháng 6, khởi đầu nhằm phản đối dự luật cho phép dẫn độ tội phạm hình sự về Đại lục. Bà Lam tuyên bố đình chỉ vô thời hạn dự luật, nhưng vẫn không thể làm hạ nhiệt làn sóng phản ứng bởi người biểu tình đã mở rộng yêu sách buộc chính quyền của bà phải rút hoàn toàn dự luật nói trên. Chính quyền Hồng Kông cho đến nay vẫn chưa thực hiện bước nhượng bộ này.
Người biểu tình Hồng Kông chiếu đèn laser trong một cuộc đụng độ ở khu Admiralty (Ảnh: Billy HC Kwok/Getty Images)
Khủng hoảng Hồng Kông leo thang đến “cấp độ quốc gia”
Trong đoạn ghi âm 24 phút mà Reuters có được, bà Lam hé lộ Bắc Kinh vẫn chưa đi tới điểm bước ngoặt. Bà cho biết chính phủ trung ương chưa áp đặt bất kỳ thời hạn chót nào để chính quyền và cảnh sát đặc khu chấm dứt tình trạng hỗn loạn, trước khi Trung Quốc tổ chức đại lễ mừng quốc khánh lần thứ 70 vào ngày 1/10 tới.
Bà nói, Trung Quốc “hoàn toàn không có kế hoạch” triển khai Quân giải phóng nhân dân (PLA) xuống đường phố Hồng Kông.
Trưởng đặc khu Carrie Lam thừa nhận bản thân có rất ít phương án lựa chọn khi mà vấn đề Hồng Kông đã leo thang lên cấp độ quốc gia. Trong tình hình này, theo bà, “không gian chính trị để cho một trưởng đặc khu – người không may là phải phục vụ hai chủ nhân theo hiến pháp, gồm chính phủ trung ương và người dân Hồng Kông – có thể xoay xở là rất, rất, rất hạn chế”.
Ba đại biểu dự cuộc họp nêu trên xác nhận với Reuters về những phát ngôn của bà Lam trong bài nói kéo dài khoảng một tiếng rưỡi.
Trả lời Reuters, người phát ngôn của bà Carrie Lam cho biết Trưởng đặc khu Hồng Kông đã dự hai sự kiện hồi tuần trước có sự tham gia của giới doanh nghiệp, và cả hai sự kiện điều rất riêng tư nên họ “không thể bình luận về những điều Trưởng đặc khu đã nói tại các sự kiện đó”.
Văn phòng sự vụ Hồng Kông-Macau và Văn phòng báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc chưa phản hồi đề nghị bình luận của Reuters.
Đoạn ghi âm về phát ngôn của bà Carrie Lam được cho là phù hợp với báo cáo mà Reuters đăng tải hôm 30/8, nói rằng ban lãnh đạo Bắc Kinh trên thực tế đang nắm quyền xử lý cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông, và chính phủ đã từ chối đề xuất của bà Lam nhằm hạ nhiệt căng thẳng – bao gồm việc rút hoàn toàn dự luật dẫn độ.
Phản ứng trước thông tin này, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 30 nói chính phủ trung ương “ủng hộ, tôn trọng và hiểu” quyết định của chính quyền Hồng Kông khi đình chỉ dự luật. Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn Cầu – do báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo quản lý – gọi báo cáo của Reuters là “giả mạo”.
Người biểu tình Hồng Kông đốt lửa để cản bước cảnh sát (Ảnh: Geovien So/SOPA Images/REX/Shutterstock)
Bà Lam tiết lộ ảnh hưởng của khủng hoảng Hồng Kông đến đời tư
Theo Reuters, âm điệu của bà Lam trong đoạn ghi âm mới đây khác biệt so với thái độ cứng rắn của bà khi xuất hiện trước công chúng. Ở một số thời điểm, bà đã “nghẹn ngào” khi hé lộ những tác động đối với cá nhân trong 3 tháng khủng hoảng vừa qua.
“Đối với một trưởng đặc khu, việc gây ra tổn hại lớn như thế này cho Hồng Kông là điều không thể tha thứ,” bà nói.
“Hết sức khó khăn để tôi có thể ra ngoài vào những ngày này,” bà Lam nói về việc đời tư bị ảnh hưởng. “Tôi đã không ra đường, không đi tới các trung tâm mua sắm, không thể đi làm tóc. Tôi không thể làm được gì cả bởi hành tung của tôi sẽ được lan truyền trên mạng xã hội.”
Nếu xuất hiện trước công chúng, bà nói, “bạn có thể hình dung đám đông những người trẻ mặc áo phông và mang mặt nạ màu đen đợi tôi”.
Bà nhắc lại đề xuất dự luật dẫn độ là hoạt động của chính quyền đặc khu nhằm “tháo gỡ lỗ hổng pháp lý trong hệ thống của Hồng Kông” và “không có sự chỉ đạo, ép buộc từ chính phủ trung ương”. Bà Lam bày tỏ hối tiếc sâu sắc khi đã vội vàng thúc đẩy thông qua dự luật và gọi đây là hành động “hết sức không khôn ngoan”.
Bà cho biết cảnh sát sẽ tiếp tục tiến hành bắt giữ những người chịu trách nhiệm cho tình trạng “bạo lực leo thang” – một nhóm mà nhà chức trách ban đầu ước tính có khoảng 1.000 đến 2.000 người.