Quyết liệt “tẩy chay” nội dung phản cảm trên mạng

Sự việc hot Tiktoker có hành vi phản cảm trong một clip đang bị “tẩy chay” gần đây không đơn giản là chuyện của một cá nhân lệch lạc, mà còn gióng lên lời cảnh báo về tác dụng độc hại của những nội dung “bẩn” đang ngày một tràn lan trên mạng với sự đón nhận của người trẻ.

Hình ảnh trong clip có nội dung phản cảm đã bị cơ quan chức năng xử phạt của tiktoker Nờ Ô Nô.

Hình ảnh trong clip có nội dung phản cảm đã bị cơ quan chức năng xử phạt của tiktoker Nờ Ô Nô.

Càng phản cảm càng “nổi”?

Câu nói đang gây phẫn nộ trong cộng đồng mạng gần đây có lẽ là “hế lô bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn”, xuất phát từ một clip được phát trên nền tảng Tiktok của tài khoản Nờ Ô Nô.

Hot tiktoker này thực hiện một chương trình “từ thiện” bằng cách gặp một người khó khăn bất kì và tặng một món ăn người đó yêu thích, nhưng lại có những lời nói, hành xử thiếu tôn trọng nhân vật bà cụ trong clip.

Không chỉ đột ngột xuất hiện trước mặt cụ bà với câu nói trên, sau khi mua tặng cụ bát phở, Nờ Ô Nô đã kết clip bằng câu: “Bớt nghèo đi nha, nghèo hoài ai đâu mà giúp hoài được”!

Đoạn clip đã nhanh chóng bị cộng đồng phê phán. Ngay sau đó, tiktoker này đã đăng tải một đoạn video phản pháo những lời chỉ trích của cộng đồng với phát ngôn phản cảm: “Mấy đứa nghèo khổ không được quyền lên tiếng ở đây. Già thì nói già chứ không lẽ già thì nói trẻ…”.

Cần phải nói rằng, Nờ Ô Nô là cái tên gắn với không ít clip bị đánh giá “bẩn”. Đáng buồn những nội dung tiêu cực như vậy lại không phải “cá biệt” và cũng không xuất phát chỉ từ một cá nhân. Thời gian qua có những nội dung phản cảm trên mạng liên tục xuất hiện, thậm chí tạo nên “trào lưu”, như ngồi lên băng chuyền sân bay, cổ suý người hâm mộ “trộm tiền” gia đình để ủng hộ thần tượng, phát ngôn thiếu văn hóa, thách đấu nhau một cách “giang hồ”…

Khác với những nội dung có tính chất giải trí, thậm chí quá lố, nội dung “bẩn” là nói đến những video clip được sản xuất với nội dung nhảm nhí, độc hại, gây tác động xấu đến cộng đồng. Đó không phải sự “lỡ lời”, “vô tình”, mà là lựa chọn chủ động của người làm nội dung trên mạng. Nguyên nhân có thể do chạy theo số lượng người xem một cách bất chấp, hay từ nhận thức lệch lạc của một bộ phận người tham gia mạng xã hội…

Cần mạnh mẽ lên án

Tiết lộ lý do dù nhận nhiều “gạch đá” từ cộng đồng mạng, nhiều lần bị “tẩy chay” nhưng vẫn đi theo xu hướng sản xuất nội dung phản cảm như trên, hot tiktoker T.K., người chuyên làm các clip review bị cho là lố lăng thời gian qua cho biết: “Tôi biết bị chửi, bị đánh giá không ra gì nhưng vẫn sản xuất các clip “gây sốc”, đơn giản là vì càng bị chửi thì càng nhanh nổi. Trước kia tôi tham gia sáng tạo nội dung trên Youtube rồi qua Tiktok, làm cũng bài bản đàng hoàng, nhưng lèo tèo có mấy ngàn người xem. Nhưng chỉ cần một clip sốc thôi, con số đã nhảy vọt lên hàng chục, hàng trăm ngàn người, nhanh chóng trở thành “hot Tiktoker”, nổi tiếng trong cộng đồng. Một lý do để tôi đi theo hướng này là cộng đồng dễ tính và mau quên, chửi đó nhưng rồi quên đó, tôi làm video mới, họ lại xem ào ào, dẫu chửi luôn miệng”.

Tuy nhiên, có những tiktoker đã phải “trả giá” cho việc làm nội dung “câu view” như vậy. Nờ Ô Nô, sau khi đối diện với cơn phẫn nộ từ cộng đồng đã bị Thanh tra Sở TT-TT TP HCM xử lý vì hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, đồng thời bị nền tảng Tiktok khoá vĩnh viễn kênh.

Nhưng người này đã thay đổi “chiến thuật” từ thách thức dư luận sang bày tỏ thành ý, xin lỗi bà cụ trong video, đồng thời lập tài khoản khác trên Tiktok. Đó được coi là cách xoa dịu đối phó mà không ít tiktoker sáng tạo nội dung phản cảm thực hiện để tìm đường trở lại với mạng xã hội.

Có lẽ, trong khi chờ những nền tảng mạng có động thái mạnh như xoá kênh, hạn chế tài khoản, việc của người dùng là cần mạnh mẽ lên án, báo cáo đến cơ quan chức năng và “tẩy chay” triệt để các hành vi sản xuất video gây tác động xấu đến cộng đồng. Chỉ khi người dùng kiên quyết quay lưng thì những nội dung “độc hại” mới không còn đất diễn.

Luật An ninh mạng năm 2018 đã quy định rõ về những hành vi đưa thông tin trái phép trên mạng internet như xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, những thông tin không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục là những hành vi bị cấm. Đồng thời Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông tần số vô tuyến điện cũng có quy định về chế tài đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin, văn hóa phẩm trái đạo đức xã hội, trái thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Hành vi này có thể bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng hoặc ở khung hình phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng tuỳ mức độ của hành vi.