Mỹ đòi rút “bảo bối” của TQ khỏi nghị quyết quan trọng: Bắc Kinh tức giận, đẩy cả LHQ vào bế tắc bằng đòn hiểm

Phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ Ngô Hải Đào. Ảnh: China-un

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc và các quốc gia phương Tây có bất đồng trong quan điểm tại Liên Hợp Quốc.

Bất đồng tại LHQ

Theo Reuters, Trung Quốc và Mỹ đã có bất đồng lớn trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc kéo dài nhiệm vụ chính trị của LHQ tại Afghanistan (hay còn được gọi là UNAMA). Bắc Kinh phát đi tín hiệu rằng sẽ bỏ phiếu phủ quyết bởi nghị quyết của LHQ không đề cập tới dự án Vành đai Con đường của nước này.

Ban đầu, LHQ lên kế hoạch để 15 quốc gia thuộc Hội đồng Bảo an bỏ phiếu lại về nhiệm vụ UNAMA vào ngày 16/9 (giờ Mỹ). Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu đã bị lùi lại tới ngày 17/9 để đàm phán thêm. Để được thông qua, nghị quyết cần 9 phiếu thuận và không có phiếu phủ quyết nào từ các nước Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Nga và Anh.

Trước khi có quyết định hoãn, các nhà ngoại giao nói Trung Quốc dự định sẽ bỏ phiếu phủ quyết UNAMA và sẽ đề xuất thông qua một nghị quyết khác ngắn hạn hơn để kéo dài nhiệm vụ của LHQ tại Afghanistan.

Mỹ đòi rút bảo bối của TQ khỏi nghị quyết quan trọng: Bắc Kinh tức giận, đẩy cả LHQ vào bế tắc bằng đòn hiểm - Ảnh 1.

Cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh: AP

Được biết, LHQ đang cố gắng giúp Afghanistan chuẩn bị cho cuộc bầu cử ngày 28/9 và thúc đẩy cuộc đối thoại hòa bình giữa chính quyền Afghanistan và Taliban.

Các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Taliban về việc rút lính Mỹ khỏi Afghanistan đã đổ vỡ vào đầu tháng này. Hiện tại đang có khoảng 14.000 lính Mỹ và hàng nghìn quân NATO đang hiện diện tại Afghanistan – 18 năm sau khi liên quân do Mỹ dẫn đầu tới đây sau vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001 do al Qaeda thực hiện.

Vành đai Con đường trở thành tâm điểm

UNAMA được Hội đồng Bảo an đánh giá lại hàng năm. Nghị quyết trong năm 2016, 2017 và 2018 đều bao gồm những chương trình như sáng kiến Vành đai Con đường để thúc đẩy thương mại và giao dịch,

Nhưng vào tháng 3 vừa qua, Mỹ và một số thành viên phương Tây muốn bỏ Vành đai Con đường khỏi nghị quyết và gặp sự phản đối gay gắt từ Trung Quốc. Hội đồng Bảo an buộc phải áp dụng phương án thay thế để nhiệm vụ này tiếp tục được thực hiện.

Tại thời điểm đó, quyền Đại sứ Mỹ tại LHQ Joanathan Cohen đã chỉ trích Trung Quốc vì “đề cao ưu tiên chính trị của Trung Quốc hơn quyền lợi của người dân Afghanistan”.

Ông Cohen cũng chỉ trích sáng kiến Vành đai Con đường và nói siêu dự án này “chứa đầy vấn đề liên quan tới tham nhũng, nợ nần, ô nhiễm môi trường và thiếu minh bạch”.

Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an hồi tuần trước về Afghanistan, ông Cohen lại nhắc tới sự bế tắc đối với Trung Quốc.

“Tại thời điểm hiện tại, chúng tôi thực sự tin rằng nghị quyết này quá quan trọng để một thành viên của Hội đồng Bảo an phủ quyết vì những lí do không liên quan gì tới UNAMA,” ông Cohen nói.

Phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ Ngô Hải Đào phản ứng quyết liệt, nói rằng một thành viên của hội đồng – gần như chắc chắn ám chỉ Mỹ – “đã đầu độc bầu không khí đối thoại”.

Ông Ngô cho rằng: “Sáng kiến Vành đai Con đường mang lại sự thuận lợi cho công cuộc tái thiết và phát triển kinh tế tại Afghanistan. Từ khi được khởi động 6 năm trước, 123 quốc gia và 29 tổ chức quốc tế đã kí thỏa thuận với Trung Quốc trong những dự án phát triển chung”.

Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Zhang Jun không nhắc tới nghị quyết UNAMA, nhưng cho biết Bắc Kinh đang hợp tác cùng Afghanistan để tiến hành “các dự án xây dựng trong Vành đai Con đường để hỗ trợ tích cực công cuộc tái thiết và đem Afghanistan tái hòa nhập với sự phát triển kinh tế khu vực”.

Trả lời các phóng viên, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebeniza cho biết các nhà ngoại giao đang bàn thảo các văn kiện mới và “đang trong quá trình đạt được thỏa thuận”. Dự kiến, hội đồng sẽ tiếp tục họp vào sáng ngày 17/9 (giờ Mỹ) để đi tới kết luận cuối cùng.

Đây là lần thứ 2 trong vòng 6 tháng khi nghị quyết liên quan tới nhiệm vụ chính trị của LHQ tại Afghanistan gặp rắc rối vì liên quan tới dự án Vành đai Con đường của Trung Quốc.