Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 5/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tham gia thảo luận tại tổ số 9 cùng đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Ngãi, Phú Yên, Bến Tre.
Quang cảnh phiên thảo luận tổ.
Qua thảo luận, đa số ý kiến tại Tổ 9 tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở (sửa đổi). Đồng thời, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nhà ở, trong đó cần quan tâm vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp; thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, bảo đảm rành mạch, rõ trách nhiệm và điều kiện bảo đảm thực hiện.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tán thành ý kiến của Uỷ ban Pháp luật về nhiều nội dung và cho rằng, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) gắn liền với nhiều luật khác liên quan như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu… Góp ý về vấn đề nhà ở thương mại, đại biểu cho rằng, cần dựa vào Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản để quy định về vấn đề nhà ở thương mại, đặc biệt cần quy định sao cho lợi ích của Nhà nước không bị ảnh hưởng, quy định chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng cũng như việc quản lý nhà ở thương mại gắn liền với các hệ thống dịch vụ.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, nội dung này liên quan đến đối tượng chính sách, đề nghị quy định liên quan đến đối tượng nào thì dự thảo luật cần có sự điều chỉnh cụ thể, đánh giá thế nào về nhà dành cho người có thu nhập thấp, cần phân định rõ với nhà ở thương mại… Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu đề nghị cần quy định rõ về nhà ở có mục đích hỗn hợp, dự án đầu tư xây dựng công trình có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và sử dụng vào mục đích khác không phải để ở với dự án đầu tư xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp… Nếu không định quy định rõ các vấn đề này, sau này khi luật ban hành thì dễ bị lạm dụng.
Về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, đại biểu đề nghị chỉnh lý chặt chẽ hơn một số nội dung của chương trình phát triển nhà ở để tránh tình trạng can thiệp hành chính quá mức cần thiết vào quan hệ thị trường bất động sản; rà soát lại nội dung của kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh để tránh trùng lặp, chồng chéo với các nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng thời, cần rà soát trình tự, thủ tục phê duyệt, thông qua chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh, không đặt thêm yêu cầu lấy ý kiến Bộ Xây dựng; đặc biệt cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với nội dung đã được phân cấp.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Ngô Hoàng Ngân, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị tại khoản 9 Điều 3 cần quy định nhà lưu trú công nhân là công trình xây dựng được đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất dịch vụ thuộc phạm vi khu công nghiệp theo quy định của Pháp luật về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế hoặc doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động có quyền sử dụng đất để bố trí cho công nhân, người lao động thuê lưu trú trong thời gian làm việc tại khu công nghiệp, doanh nghiệp đó theo quy định của Luật.
Đại biểu Ngô Hoàng Ngân, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận.
Tương tự, tại khoản 2 Điều 88 quy định về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà lưu trú công nhân cần bổ sung thêm đối tượng tại các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, có quyền sử dụng đất, có nhu cầu đầu tư nhà lưu trú công nhân thì chủ đầu tư được UBND cấp tỉnh giao đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân. Đại biểu nêu rõ, thực tế có nhiều doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhưng không nằm trong khu công nghiệp, khu kinh tế. Đơn cử như trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có các doanh nghiệp của Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc, các Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, gạch, ngói…) có nhiều công nhân lao động có nhu cầu đầu tư nhà ở lưu trú cho công nhân lao động. Tại khoản 1 Điều 33 về các loại hình nhà ở phát triển theo dự án và tiêu chuẩn diện tích nhà ở, đại biểu đề nghị bổ sung loại hình phát triển theo dự án phát triển nhà lưu trú công nhân.
Cùng cho ý kiến đối với quy định về nhà lưu trú công nhân, đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng cần xem xét, quy định rõ ràng về nhà ở lưu trú cho công nhân do doanh nghiệp nhà nước đầu tư, bằng vốn nhà nước thì phải thuộc sở hữu nhà nước. Bên cạnh đó, việc quy hoạch đất xây dựng nhà ở công nhân ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải quy định rõ về yêu cầu phù hợp với quy hoạch địa phương, phù hợp với phát triển đô thị và đảm bảo công năng.
Cho ý kiến vào nội dung quy định về nhà ở xã hội, đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị tại khoản 2, Điều 84 cần quy định chi tiết về tỉ lệ tối đa đối với công trình kinh doanh dịch vụ thương mại trong dự án nhà ở xã hội để tránh việc lạm dụng. Khoản 7, Điều 85 quy định về chủ đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê thì được bán nhà ở sau 10 năm cho đối tượng có nhu cầu, thì cần xác định rõ các đối tượng và theo thứ tự ưu tiên theo quy định với người được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu thảo luận.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị đối với quy định về điều kiện được hỗ trợ nhà ở xã hội tại Điều 75, cần bổ sung nội dung liên quan đến việc đưa người lao động làm việc tại khu vực ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp được hưởng chính sách về nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, rà soát và có chính sách xây dựng nhà ở cho đối tượng là lao động trong các doanh nghiệp dịch vụ, du lịch để đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Đại biểu cũng cho biết, tại khoản 4, Điều 14 về thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở, cần bổ sung nội dung theo quy định về Luật kinh doanh bất động sản để đảm bảo các vấn đề trong quá trình thực hiện mua bán nhà ở. Đối với Điều 16, về cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, trong khoản 4 quy định là UBND cấp tỉnh là chủ sở hữu nhà ở được đầu tư bằng nguồn ngân sách của địa phương và nhà ở được giao quản lý trên địa bàn, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung UBND cấp tỉnh có thể ủy quyền cho UBND cấp huyện là đại diện chủ sở hữu nhà ở được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách cấp huyện. Quy định về phát triển nhà ở tái định cư, cần rà soát lại để phù hợp với Luật đất đại (sửa đổi) để làm rõ hơn nội dung thế nào là bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Cùng ngày, các đại biểu cũng tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Nguyễn Thanh
Nguồn Báo Quảng Ninh: https://baoquangninh.vn/quoc-hoi-thao-luan-tai-to-ve-du-an-luat-nha-o-sua-doi-3243693.html