Lê Hồng Phúc
Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Quế Võ
Ngày 10-4-2023, huyện Quế Võ chính thức trở thành thị xã theo Nghị quyết số 723/NQ-UBTVQH 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Trải qua thời gian với rất nhiều khó khăn, thách thức do xuất phát điểm thấp, nhưng vượt lên trên tất cả, với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và ý chí, khát vọng vươn lên và tinh thần chung sức đồng lòng của toàn hệ thống chính trị với những bước đi đúng hướng trong phát triển kinh tế – xã hội, tạo nên diện mạo mới với những thành tựu đáng tự hào trên các lĩnh vực, khẳng định vị thế và sức vươn trên con đường hội nhập, phát triển.
Quế Võ là vùng đất giàu truyền thống văn hiến, cách mạng và Anh hùng. Đây cũng là nơi lập công của các anh hùng hào kiệt mà sử sách mãi mãi còn ghi như: Nguyễn Công Cự, Lý Thường Kiệt, Dực Vân, Trần Quốc Toản, Nguyễn Thức,… Nhận thức đầy đủ về vị trí đặc biệt quan trọng của vùng đất này, nên từ thế kỷ VI, Triệu Việt Vương dời kinh đô của nhà nước Vạn Xuân từ Long Biên về Vũ Ninh (nay là Quế Võ).
Trong quá trình dựng nước và giữ nước, cư dân Quế Võ từ đời này qua đời khác không tiếc máu xương để bảo vệ nền độc lập của dân tộc, sự bình yên của quê hương. Mảnh đất, con người Quế Dương-Võ Giàng, với truyền thống văn hiến và cách mạng, luôn có những đóng góp quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Ở thời kỳ nào cũng sản sinh ra nhiều bậc hiền tài, danh nhân như: Nguyễn Đăng, Nguyễn Cao, Nghiêm Viện, Nguyễn Nghiêu Tư, Phạm Văn Trà… Quế Võ cũng nổi tiếng với truyền thống hiếu học và khoa bảng, là quê hương của 61 vị đại khoa; vùng quê của những di tích lịch sử – văn hoá nổi tiếng; những làng nghề truyền thống lâu đời. Nơi đây hiện còn lưu giữ 201 di tích lịch sử – văn hoá, trong đó có 9 di tích cấp quốc gia, 36 di tích cấp tỉnh, hàng trăm tài liệu và hiện vật, cổ vật có giá trị như: Pho tượng Quan Thế âm chùa Thượng Phúc (thôn Cung Kiệm, xã Nhân Hòa)… cùng nhiều lễ hội dân gian truyền thống, trong đó có những lễ hội văn hoá đặc sắc đang được bảo tồn và phát huy các giá trị.
Đô thị Quế Võ ngày càng được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại.
Chính từ truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng, nhân dân Quế Võ sớm tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường giải phóng dân tộc và truyền bá, xây dựng và phát triển phong trào cách mạng, góp phần cùng với quân và dân cả tỉnh làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đóng góp sức người, sức của to lớn, cùng với cả nước giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc, cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, xứng đáng là quê hương Anh hùng của một dân tộc Anh hùng. Truyền thống lịch sử và cách mạng vẻ vang cùng những giá trị văn hoá đặc sắc được kết tinh trên vùng đất và con người Quế Dương – Võ Giàng, trở thành nền tảng, là tiền đề quan trọng cho quá trình đổi mới, phát triển quê hương.
Ngày 7-8-1961, huyện Quế Võ được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai huyện Quế Dương và Võ Giàng theo Quyết định số 120-CP của Hội đồng Chính phủ. Đó là khởi đầu một hành trình mang bao khát vọng của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, vì mục tiêu xây dựng một Quế Võ đẹp giàu.
Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, từ một huyện nông nghiệp được thành lập trong thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ, cơ sở vật chất vô cùng nghèo nàn bởi sự tàn phá của đạn bom, đời sống nhân dân muôn vàn khó khăn, đến nay Quế Võ trở thành huyện công nghiệp, dịch vụ trọng điểm cấp vùng của tỉnh. Đặc biệt, sau hơn 25 năm tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Đảng bộ và Nhân dân Quế Võ phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, đoàn kết, không ngừng đổi mới, lãnh đạo nhân dân trong huyện vượt qua khó khăn, giành nhiều thành tựu quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhất là trong những năm gần đây, Đảng bộ huyện Quế Võ tập trung lãnh đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh giá trị các ngành công nghiệp – xây dựng, dịch vụ, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ để từng bước hướng tới mục tiêu đưa huyện Quế Võ trở thành đô thị theo hướng hiện đại, văn minh.
Trên cơ sở những thành tựu đạt được đáp ứng nguyện vọng tha thiết của các thế hệ cán bộ và nhân dân Quế Võ, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Đại hội Đảng bộ huyện Quế Võ lần thứ XIX đề ra mục tiêu đưa huyện Quế Võ trở thành thị xã trước năm 2025. Được sự quan tâm của tỉnh và các bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ và Nhân dân Quế Võ tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, tăng trưởng kinh tế của huyện luôn đạt cao. Giai đoạn 2019 – 2021 đạt 6,31%. Riêng năm 2022, đạt 8,9%. Quy mô GRDP đạt trên 14 nghìn tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 70 triệu đồng/năm, tăng gần 5 triệu đồng so với năm 2019. Tỷ lệ hộ nghèo còn 0,98%. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, mạnh mẽ, đến nay, tỷ trọng của khu vực công nghiệp – xây dựng, dịch vụ chiếm 97,1%, nông – lâm nghiệp, thủy sản còn 2,9%. Thu ngân sách trên địa bàn năm 2022 đạt gần 2.100 tỷ đồng.
Lãnh đạo huyện Quế Võ kiểm tra công tác chỉnh trang đô thị, chào mừng sự kiện thành lập thị xã.
Huyện được tỉnh xác định là nơi giữ vị trí đầu mối quan trọng trong định hướng tổ chức không gian kinh tế và đô thị của Bắc Ninh, với các mối liên kết “tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh”, gắn với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô. Cùng với đó, Quế Võ còn giữ vai trò trung tâm công nghiệp cấp vùng của tỉnh Bắc Ninh. Các khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp với quy mô lớn, là điểm hút của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; đưa Quế Võ trở thành trung tâm kinh tế, năng động, phát triển của tỉnh và khu vực…
Trong giai đoạn tiếp theo, Quế Võ hướng tới phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao như: điện tử, viễn thông, cơ điện tử, hóa dược, gắn với sự phát triển công nghiệp của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và hành lang kinh tế phía Bắc. Tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp – xây dựng năm 2022 đạt 54.814 tỷ đồng, tăng 9,2% so cùng kỳ 2021. Tiểu thủ công nghiệp cũng có chuyển biến mới. Sản phẩm gốm Phù Lãng được cấp bằng sở hữu trí tuệ, có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế và là điểm đến hấp dẫn của du khách tham gia các hoạt động du lịch trải nghiệm.
Các lĩnh vực văn hoá – xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là ở những nơi xa trung tâm có nhiều cải thiện lớn; quốc phòng – an ninh được giữ vững; hệ thống chính trị được củng cố vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được mở rộng; niềm tin và sự tín nhiệm của nhân dân vào Đảng và Nhà nước ngày càng vững chắc. Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện sâu sát, hiệu quả cao cùng với sự đồng thuận của nhân dân. Ngày 20-5-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 601/QĐ-TTg công nhận huyện Quế Võ đạt chuẩn Nông thôn mới. Phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới đã mang lại những hiệu quả thiết thực, diện mạo đô thị mới đã hình thành rõ nét.
Ngày 14-6-2022, Bộ xây dựng có Quyết định 490-QĐ/BXD công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Quế Võ (phạm vi toàn huyện Quế Võ) đạt tiêu chí đô thị loại 4. Ngày 13-2-2023, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 723/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập thị xã Quế Võ và 11 phường thuộc thị xã Quế Võ trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Quế Võ. Thị xã Quế Võ được thành lập là một mốc son, đánh dấu sự phấn đấu bền bỉ, ý chí vượt lên mọi thử thách, khó khăn, để khẳng định thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong quá trình đổi mới, đi lên.
Ghi nhận những nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Quế Võ vinh dự, tự hào được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Anh hùng LLVT nhân dân, 2 Huân chương Lao động hạng Ba, được Thủ tướng Chính phủ tặng nhiều Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen…
Mục tiêu trong những năm tới đây là: Phấn đấu đến năm 2025 đạt tiêu chí đô thị loại III và định hướng phát triển trở thành 1 trong 5 quận thuộc đô thị Bắc Ninh (đô thị Bắc Ninh trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương); xây dựng Quế Võ trở thành đô thị phát triển, văn minh, hiện đại. Để đạt mục tiêu đó, Đảng bộ và Nhân dân thị xã Quế Võ hơn lúc nào hết cần tiếp tục đổi mới toàn diện cả tư duy và phong cách làm việc; đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị trên cơ sở bám sát qui hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt có tầm nhìn chiến lược; xây dựng đô thị; phát triển kinh tế; nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, chuyển đổi số; tăng cường đào tạo, thu hút, sử dụng tốt nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực, chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng và phát triển văn hoá, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên; văn hóa công vụ đáp ứng nhu cầu cải cách hành chính theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ nhân dân.
Trong chặng đường tới, cùng với ý chí và tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng phát triển, Đảng bộ và Nhân dân thị xã Quế Võ mong tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, của tỉnh, sự hợp tác của các địa phương bạn, của đồng bào, đồng chí và những người con của quê hương Quế Võ đang ở mọi miền của Tổ quốc và ở nước ngoài để thị xã Quế Võ phát triển nhanh và bền vững theo hướng văn minh, hiện đại.