Cuộc sống ở Thung lũng Silicon vốn không hề bóng bẩy, hào nhoáng, sáng tạo như bao người vẫn nghĩ.
Tôi may mắn được sinh ra, lớn lên và làm việc tại Thung lũng Silicon. Hiện tôi đang là quản lý sản phẩm tại Google. Ở đây, thời tiết dễ chịu, tỷ lệ tội phạm thấp, trường học tiện nghi. Người lớn có công việc vừa ý, trẻ con có cơ sở vật chất đầy đủ. Mọi người ăn những chiếc sushirrito giá 15 USD và uống những cốc cà phê Blue Bottle 6 USD. Đường phố đầy xe Tesla và xe tự lái.
Đây là vùng đất của những cơ hội. Các sinh viên, trong đó có tôi, đạt mức lương lên tới cả triệu USD ngay khi mới ra trường, chưa kể khoản thưởng và các phúc lợi khác. Tôi được công ty chu cấp ngày 3 bữa và cả đồ ăn vặt miễn phí. Ngoài ra, ở đây còn có cả nơi giặt giũ, cắt tóc, chơi bowling và leo tường.
Đó chính là Thung lũng Silicon. Ai lại không muốn sống ở đây cơ chứ?
Năm tôi học lớp 8, chỉ vòng 6 tháng đã có tới 4 học sinh ở trường bên tự tử bằng cách nhảy ra trước mũi tàu Caltrain. Năm 2 trung học, một người bạn hay đi thư viện cùng tôi cũng tự kết liễu đời mình. Năm lớp 12, bạn bè tôi đều có cố vấn tuyển sinh. Họ sẵn sàng trả 400 USD/giờ cho những người đó chỉ để sửa bài luận, hoặc thậm chí mua luôn bài luận đã viết sẵn. Bạn cùng lớp tôi đã khóc vì bị điểm A- trong bài kiểm tra, khóc vì không nhận được trên 100 lượt thích cho bức ảnh profile, và khóc vì không đỗ vào được Harvard.
Họ thức trắng đêm mỗi ngày để “sống sót” trong 7 lớp luyện thi nâng cao (AP). Họ tham gia đến 7 hoạt động ngoài giờ, nhịn đói để có thân hình giống như “những đứa trẻ nổi tiếng”. Họ trộm tiền của cha mẹ để mua quần áo hàng hiệu, để rồi mắc các chứng rối loạn tâm lý cho đến tận ngày nay, nhiều năm sau khi tốt nghiệp.C
Đó chính là Thung lũng Silicon.
Ở đây, mọi người đều mặc đồ Patagonia và North Face. Ai cũng đeo tai nghe AirPod và đi đến hồ Tahoe vào cuối tuần. Ai cũng nói về những thứ giống nhau: khởi nghiệp, blockchain, học máy.
Đó chính là Thung lũng Silicon.
Ở trường đại học của tôi, nội dung các cuộc trò chuyện rất đa dạng: văn học Anh, chính sách công, triết lý đạo đức, bất bình đẳng trong nền kinh tế xã hội. Còn tại bộ phận sản phẩm nơi tôi làm việc, mọi người đều chỉ nói về công nghệ – chuyện phiếm về vị phó chủ tịch mới, làm thế nào để “nhảy cóc” từ quản lý bậc 3 lên bậc 5 chỉ trong vòng 22 tháng, hay các nhà đầu tư hàng đầu sẽ đi uống ở đâu mỗi tội thứ 5,…
Ở Thung lũng Silicon, những chủ đề xã hội như biến đổi khí hậu không đủ quan trọng để nhắc tới, hay đáng để quan tâm. Nó không sinh ra tiền, cũng chẳng đem lại “thành công”. Đó không phải nơi mà nền công nghiệp này hướng tới. Thay vào đó, tiền đến từ việc thay đổi nút bấm từ xanh lá sang xanh dương, từ việc tạo ứng dụng phân phối đồ ăn, từ việc nhấp chuột vào quảng cáo. Đó là cách mà Thung lũng Silicon và ngành công nghệ được tạo dựng. Như Jeffrey Hammerbacher – cựu giám đốc của Facebook – từng nói với trang Bloomberg. “Những người có đầu óc nhất của thế hệ tôi đang nghĩ về việc làm sao để mọi người nhấp chuột vào quảng cáo.”
Trụ sở Google tại Thung lũng Silicon.
Đó chính là Thung lũng Silicon.
Nơi đây là tất cả của tôi. Đây là nơi bố mẹ tôi sống. Đây là nơi bạn bạn bè cấp 3 của tôi quay lại, nơi bạn đại học của tôi chuyển tới. Đây là nơi tôi biết yêu và thất tình lần đầu.
Đây cũng là nơi bạn cùng lớp đã lấy trộm bài tập về nhà của tôi và gian lận trong các bài kiểm tra. Đây là nơi tôi chứng kiến các bậc phụ huynh đe dọa giáo viên vì dám cho con họ B+, còn giáo viên lại đe dọa các trung tâm gia sư vì đã cung cấp các bài kiểm tra cũ cho sinh viên. Đây là nơi bạn bè tôi tự hủy hoại bản thân, dùng thuốc, và thậm chí là tự sát. Đây là nơi tôi bị người quen phá hoại các mối quan hệ, điểm số và sự nghiệp của mình.
Mọi thứ ở đây chỉ xoay quanh việc xây dựng các mối quan hệ. Mọi người đều muốn nhận một thứ gì đó từ bạn, và bạn sẽ chẳng bao giờ biết khi nào họ phản bội mình chỉ vì họ muốn điều gì đó từ người khác nhiều hơn.
Nơi đây là tất cả của tôi, nhưng Thung lung Silicon đã không còn là nhà tôi nữa.
Tôi cảm thấy mình bị ảnh hưởng bởi bong bóng công nghệ, cảm thấy bản thân đang quá tập trung vào tiền bạc và sự nghiệp mà quên đi những người khốn khổ đang cần sự trợ giúp tại địa phương và trên thế giới. Tôi thấy mình được hoan nghênh vì điều tồi tệ đó. Tôi cảm thấy mình như đang trở thành một phần của cỗ máy. Sống ở đây khiến tôi hoài niệm về những tháng ngày phổ thông, và cảm thấy lòng mình tràn ngập đau khổ và giận dữ trong lòng. Những ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội đã bào mòn tinh thần của bạn tôi ngày xưa nay lại tiếp tục với những người bạn làm việc ở Facebook.
Tôi được dạy rằng trong mọi tình huống tồi tệ, mỗi người sẽ có 3 lựa chọn: bạn có thể lờ đi, bạn có thể cố cải thiện nó, hoặc bạn có thể từ bỏ. Lờ đi là một lựa chọn, nhưng nó chẳng thay đổi được điều gì. Cố gắng cải thiện tình hình cũng là một ý kiến hay, nhưng chỉ khi bạn thấy có hy vọng làm cho nó tốt hơn. Từ bỏ là lựa chọn hợp lý khi bạn không nghĩ rằng mọi thứ sẽ thay đổi hay khi bạn không biết phải làm gì.
Tôi hy vọng sẽ trở lại một Thung lũng Silicon thật khác. Một nơi có chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần chất lượng cho học sinh. Một nơi không chỉ khuyến khích mà còn tôn vinh sự đa dạng trong con người, lối sống, giao tiếp, sở thích. Một nơi mà mọi người nhận ra cuộc sống hoàn hảo của họ được đánh đổi bởi nỗ lực của người khác. Một nơi mà con người biết giúp đỡ những người họ đã làm tổn thương.
Quan trọng nhất, tôi hy vọng sẽ quay trở lại một Thung lũng Silicon nơi mọi người biết quan tâm đến nhau và làm những điều để cải thiện thế giới, kể cả khi chúng không phải là những cú nhấp chuột mang lại lợi nhuận.
Bài chia sẻ của Gloria Liou – quản lý sản phẩm tại Google.
theo Medium