Dù không thể chắc chắn về ý định của Triều Tiên nhưng phía Mỹ vẫn tham gia đàm phán vì họ tin tưởng Bình Nhưỡng sẽ lựa chọn phi hạt nhân hóa.
Trong cuộc họp báo qua điện thoại, các quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ đã tiết lộ nhiều thông tin chi tiết về cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội vào hai ngày 27 và 28/2 tới. Tuy nhiên, danh tính các quan chức này được giấu kín.
Phía Mỹ chính thức xác nhận cuộc gặp sẽ diễn ra vào hai ngày cuối cùng của tháng 2 với một lịch trình làm việc dày đặc. Phương thức Hội nghị Thượng đỉnh lần này cũng giống như những gì diễn ra ở Singapore vào ngày 12/6/2018. Theo đó, hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau, cùng dùng bữa, gặp riêng và tham gia vào các cuộc họp mở rộng của phái đoàn hai nước.
Người Mỹ cũng nhấn mạnh trong việc đưa ra các mục tiêu, quan trọng nhất là vấn đề phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Đó là những gì đã được thỏa thuận giữa hai bên và đó là mục tiêu cao nhất mà Tổng thống Trump đang tìm cách đạt được với hội nghị thượng đỉnh này. Đây là một bước quan trọng tiến tới mục tiêu tối thượng đó. Những vấn đề về tương lai Triều Tiên nếu tuân thủ hoàn chỉnh cam kết phi hạt nhân hóa cũng được Tổng thống Trump tìm cách đưa ra thảo luận.
Không có gì được cam kết trước
Trả lời câu hỏi của các phóng viên, quan chức cấp cao Mỹ nhấn mạnh phái đoàn Mỹ đã đàm phán chặt chẽ với phía Triều Tiên. Tuy nhiên, không giống những Hội nghị Thượng đỉnh khác, không có gì được cam kết trước cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều Tiên.
“Chúng tôi đang trong quá trình đàm phán về một số vấn đề, và như thường thấy trong các cuộc đàm phán này, không có gì được thỏa thuận cho đến khi mọi thứ được đồng thuận. Và trong trường hợp này, tôi sẽ không muốn đề cập đến bất kỳ chi tiết cụ thể nào ngoại trừ việc nói rằng chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với phái đoàn Triều Tiên cho đến khi Tổng thống đến hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới”, quan chức cấp cao Mỹ nhấn mạnh.
Phía Mỹ cũng cung cấp thêm thông tin cho thấy việc rút hoàn toàn quân Mỹ khỏi Hàn Quốc không nằm trong chủ đề của cuộc thảo luận của Hội nghị Thượng đỉnh lần này. Thậm chí, vấn đề này cũng chưa được nhắc tới trong bất cứ vòng đàm phán nào để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh lần 2.
Về mức độ thiện chí của Triều Tiên với cuộc gặp, vốn là điều không ít người Mỹ tỏ ra lo ngại nhất là sau khi cam kết ở Singapore không được Bình Nhưỡng thực hiện triệt để, quan chức cấp cao Mỹ nhấn mạnh: “Tôi chắc chắn tin rằng chúng tôi đang có một cuộc đàm phán thực sự và có thiện chí. Bạn biết đấy, không phải ai cũng đưa ra điểm mấu chốt của mình ngay trong vòng đàm phán đầu tiên. Vì vậy, tôi dự đoán sẽ có một quá trình nhượng bộ và chấp nhận liên tiếp trong khi chúng tôi cố gắng làm rõ cam kết hoàn chỉnh bao gồm chính xác những gì”.
Vị quan chức này cũng nhấn mạnh ông không biết liệu Triều Tiên đã quyết định phi hạt nhân hóa chưa nhưng Mỹ vẫn tham gia vào quá trình đàm phán bởi họ hoàn toàn tin Triều Tiên có thể đưa ra lựa chọn phi hạt nhân hóa. Tổng thống Trump cũng tin tưởng khả năng này và chọn đàm phán là một ưu tiên.
Phi hạt nhân hóa là gì?
Các quan chức Mỹ từng nói rằng chưa bao giờ có một định nghĩa chính xác cho thuận ngữ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trong cuộc gặp sắp tới, các bên sẽ nỗ lực thúc đẩy những hiểu biết chung về phi hạt nhân hóa. Đây cũng là ưu tiên cao của Tổng thống Trump và đội ngũ của ông trong Hội nghị Thượng đỉnh cuối tháng này.
Hiện tại, phía Triều Tiên cũng đã đưa ra những khái niệm của họ về phi hạt nhân hóa. Mỹ và Triều Tiên vẫn đang đàm phán về điều này và phía Mỹ không muốn mô tả quan điểm của Bình Nhưỡng trước truyền thông, nhất là khi nó vẫn đang ở trong giai đoạn đàm phán. “Tôi chỉ có thể nói rằng, chúng tôi vẫn đang thảo luận về vấn đề đó và nhiều vấn đề khác trong tuần này”, quan chức cấp cao của Mỹ nhấn mạnh.
Giải thích về phát ngôn của Tổng thống Trump trước việc ông chủ Nhà Trắng tuyên bố ông không vội vàng với việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, quan chức cáo cao của Mỹ nhấn mạnh: “Một điều tôi muốn làm rõ là khi Tổng thống nói rằng ông không vội vàng, điều đó không có nghĩa là ông đã không chỉ đạo cho chúng tôi đàm phán nghiêm túc với Triều Tiên”.
Theo đó, Tổng thống Trump đặc biệt chú ý tới vấn đề này khi nhận được báo cáo về tình hình từ các quan chức chính phủ tại phòng Bầu dục. Ông Trump cũng nhận ra tầm quan trọng của vấn đề và khuyến khích các quan chức Mỹ đàm phán hết mức có thể. Đó cũng là lý do ông Trump luôn cam kết dành thời gian để hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên.
“Không vội vàng ở đây không có nghĩa là không quan trọng. Nó chỉ có nghĩa là chúng tôi nhận ra rằng Triều Tiên tại một thời điểm nhất định sẽ phải đưa ra lựa chọn đúng đắn. Và chúng tôi đang cho họ mọi động lực để làm như vậy”, quan chức cấp cao của Mỹ nhấn mạnh.
Bản thân Tổng thống Trump cũng nhiều lần cho biết ông nhận thấy rõ tiềm năng về kinh tế Triều Tiên, cả về lợi ích khu vực cũng như toàn cầu. Theo đó, Triều Tiên có một vị trí địa lý đáng ghen tị giữa khu vực giàu có ở vùng Viễn Đông Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc. Điều đó khiến Triều Tiên ở một vị trí địa chính trị và kinh tế rất quan trọng. Điều này có thể mang lại lợi ích to lớn cho Triều Tiên nếu họ chọn tham gia với phần còn lại của thế giới theo cách mà Tổng thống Trump đã mở ra.
Phía Mỹ cho biết họ có những điểm nhấn mới trong chính sách nhưng điểm cốt lõi nhất vẫn là phi hạt nhân hóa. Đây chính là thách thức lớn nhất với lợi ích của Mỹ và các quốc gia khác trên bán đảo Triều Tiên. Đây cũng là nền tảng để Mỹ triển khai các phương pháp tiếp cận với Triều Tiên.
Mỹ sẽ chỉ gỡ bỏ cấm vận khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa?
Trước câu hỏi của phóng viên về tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo hồi năm ngoái về việc chỉ dỡ bỏ lệnh trừng phạt Triều Tiên khi thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng, quan chức chính phủ cấp cao của Mỹ nhấn mạnh: “Tôi nghĩ ngài Ngoại trưởng đã nói rõ ràng về điều này và Tổng thống cũng vậy. Kể từ hội nghị Thượng đỉnh tháng 6 năm ngoái, Tổng thống đã hơn một lần nói rằng quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn và cuối cùng là yếu tố tiên quyết cho phép tất cả để đạt được tầm nhìn tích cực về một tương lai tươi sáng hơn.
“Tôi không thể cung cấp cho bạn bất cứ thông tin nào liên quan đến các văn bản ghi lại nội dung thảo luận hay bất cứ tài liệu nào tương tự. Tôi chỉ có thể nói rằng, trong sáu tháng tôi đảm nhận công việc này, tôi đã ở bên cạnh Tổng thống trong mọi cuộc họp mà ông tham gia với Triều Tiên. Và chúng tôi đã có cơ hội gặp Tổng thống để thảo luận với ông về các chi tiết chiến lược của chúng tôi và những gì chúng tôi hy vọng sẽ đạt được”, quan chức cấp cao của Mỹ chia sẻ về những cuộc gặp kín của hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều.
Ông cũng nhấn mạnh rằng Tổng thống Trump sẽ tiếp tục tham gia đàm phán theo cách mà ông cảm thấy phù hợp tại hội nghị thượng đỉnh sắp diễn ra. Tổng thống Trump đang làm mọi thứ cần thiết để chuẩn bị tốt cho Hội nghị Thượng đỉnh lần này và cũng làm việc sát sao cùng đội ngũ của mình tại Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao để đóng góp cho quá trình này.
Vấn đề mở văn phòng liên lạc của Mỹ và Triều Tiên cũng được quan chức cấp cao của Mỹ đề cập tới. “Chúng tôi có một số vấn đề đang thảo luận với Triều Tiên. Tôi sẽ không mô tả về tiến trình thỏa thuận đến đâu trong bối cảnh các cuộc đàm phán diễn ra trong tuần này, nhưng tôi muốn nhắc lại rằng, đối với bất cứ vấn đề nào mà chúng tôi đang thảo luận với Triều Tiên, sẽ không có gì được thỏa thuận cho đến khi tất cả mọi thứ đã được đồng thuận”, vị quan chức cấp cao nhấn mạnh.
Mỹ và Triều Tiên đang hướng tới một tuyên bố chung nhằm thúc đẩy những sáng kiến từng được đưa ra ở Singapore năm ngoái. Tuy nhiên, chi tiết cụ thể không được đề cập tới bởi đàm phán vẫn đang tiếp diễn.