Tổng thống lâm thời tự xưng Venezuela Juan Guaido. Ảnh: Sky News
Ông Maduro đã cáo buộc các quốc gia Châu Âu có động thái muốn đối đầu với chính quyền hợp pháp của Venezuela.
Các quốc gia Châu Âu bao gồm Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Đức, Thụy Điển, Phần Lan, Hà Lan, Áo, Bồ Đào Nha và Đan Mạch đã lên tiếng công nhận ông Juan Guaido là tổng thống lâm thời của Venezuela sau khi thời hạn để ông Nicolas Maduro kêu gọi tổ chức bầu cử tổng thống đã qua đi.
“Xét tới bối cảnh tình hình ngày hôm nay và chính quyền ông Maduro chưa có bất kì động thái nào [kêu gọi tổ chức bầu cử], chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố chính thức thừa nhận ông Guaido – chủ tịch quốc hội Venezuela là tổng thống của Venezuela,” thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez trả lời phóng viên tại Madrid.
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt viết trên Twitter: “Ông Nicolas Maduro đã không kêu gọi tổ chức bầu cử tổng thống trong vòng 8 ngày từ thời hạn chúng tôi đặt ra. Vì vậy, Anh cùng các đồng minh Châu Âu sẽ công nhận ông Juan Guaido là tổng thống lâm thời hợp hiến cho tới khi một cuộc bầu cử uy tín được tổ chức.”
7 quốc gia EU đã đặt thời hạn cho ông Maduro tới hết ngày 3/2 để kêu gọi tái bầu cử. Một khi quá hạn, các nước này sẽ công nhận ông Guaido là tổng thống lâm thời của Venezuela.
Ông Sanchez nói Tây Ban Nha cam kết bảo vệ quyền lợi của người dân Venezuela, khẳng định có mối liên hệ chặt chẽ giữa Tây Ban Nha với vùng Mỹ Latinh. “Từ ngày hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục cống hiến để đem lại tự do, của cải và hòa bình tới cho tất cả người dân Venezuela.”
Thủ tướng Sanchez nói thêm quyết định công nhận ông Guaido được đưa ra nhằm giúp tổ chức cuộc bầu cử tự do và công bằng càng nhanh càng tốt.
“Cuộc bầu cử sẽ cho phép người dân Venezuela sử dụng tiếng nói và lá phiếu của họ để quyết định tương lai đất nước mà không phải trải qua sợ hãi, đe dọa hay áp lực”.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói ông Guaido có “năng lực và khả năng pháp lí” để tổ chức bầu cử tổng thống.
Ông Maduro đã cáo buộc các quốc gia Châu Âu có động thái muốn đối đầu với chính quyền hợp pháp của Venezuela. Trong khi đó, Mỹ, Canada và một số nước Mỹ Latinh đã phủ nhận ông Maduro vì cuộc bầu cử gây tranh cãi hồi năm ngoái.
Hiện tại, ông Maduro vẫn nhận được sự ủng hộ từ Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội Venezuela.
Trong một thông báo ngày 4/2, Điện Kremlin nói hành động công nhận ông Guaido của Châu Âu là “nỗ lực phi pháp” nhằm lật đổ chính quyền Venezuela.
Theo Guardian, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz thậm chí còn lên tiếng ủng hộ ông Guaido trước khi thời hạn 8 ngày cho Venezuela kết thúc. Thứ trưởng Ngoại giao Anh Alan Duncan được cho là sẽ tới Ottawa để gặp các lãnh đạo Châu Âu và Mỹ Latinh và thảo luận cách thức hiệu quả nhất trong việc hỗ trợ ông Guaido.
Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nói: “Cuộc khủng hoảng đã đặt ra thách thức an ninh, nhân đạo và kinh tế to lớn đối với cả khu vực”.
Trước đó, tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã cảnh báo tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ kết thúc nhiệm kỳ của mình với “đôi bàn tay nhuốm máu” nếu Mỹ tiếp tục theo đuổi kế hoạch lật đổ chính quyền của Venezuela.
“Dừng lại. Hãy dừng lại đi, ông Trump! Dừng ngay lại! Ông đang phạm phải sai lầm khiến đôi bàn tay của ông nhuốm máu kể cả khi rời khỏi Nhà Trắng. Ông có muốn lặp lại một cuộc chiến như ở Việt Nam không?” – ông Maduro cảnh báo khi trả lời phỏng vấn một phóng viên Tây Ban Nha.
Ông Maduro cũng từ chối lời kêu gọi bầu cử sớm: “Chúng tôi không chấp nhận tối hậu thư từ bất kì nước nào. Tôi từ chối tổ chức bầu cử sớm. Sẽ có một cuộc bầu cử theo luật pháp vào năm 2024. Chúng tôi không quan tâm Châu Âu nói gì.”
“Không thể xử lí chuyện chính trị thế giới bằng tối hậu thư. Đó là cách làm từ thời thuộc địa,” ông Maduro tuyên bố.