Là nhà ngoại giao bậc thầy, có sức ảnh hưởng lớn ở trong nước và trên thế giới, Hồ Chí Minh đã từ thực tiễn ngoại giao trong muôn vàn tình huống phức tạp, trong những hoàn cảnh éo le mà tổng kết thành bài học, nâng lên thành lý luận và triết lý ngoại giao, vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Người là một mẫu mực của văn hóa ứng xử tinh tế, là biểu tượng của văn hóa hòa bình và văn hóa khoan dung.
Là nhà ngoại giao bậc thầy, có sức ảnh hưởng lớn ở trong nước và trên thế giới, Hồ Chí Minh là một mẫu mực của văn hóa ứng xử tinh tế, là biểu tượng của văn hóa hòa bình và văn hóa khoan dung. Nhiều sự kiện, nhiều phát ngôn, cử chỉ và hành vi của Người trong ngoại giao đã trở thành những ví dụ kinh điển về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ra sức thực hiện phương châm “thêm bạn bớt thù”
Trong lịch sử Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh vừa là Chủ tịch Chính phủ (Thủ tướng) vừa kiêm chức Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên…
Là nhà ngoại giao kiệt xuất, nhà tư tưởng lỗi lạc, nhà văn hóa mang tầm vóc danh nhân, Hồ Chí Minh dù ở bất cứ cương vị nào, nhất là trong 24 năm liền là nguyên thủ quốc gia – Người đều dành không ít nỗ lực và tinh lực của mình cho công tác ngoại giao, xây đắp nền móng vững chắc cho đường lối đối ngoại và chính sách ngoại giao của Việt Nam: hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển trên nguyên tắc độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, đồng thời ra sức thực hiện phương châm “thêm bạn bớt thù”, “Việt Nam mong muốn là bạn của tất cả các nước dân chủ, quyết không thù oán với một ai”.
Nói một cách khác, hoạt động ngoại giao của nhà chính trị chuyên nghiệp Hồ Chí Minh là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa “Dĩ bất biến” với “ứng vạn biến”, lấy “cái bất biến” chỉ đạo cái “ứng vạn biến” và cái “ứng vạn biến” linh hoạt, uyển chuyển, mưu lược, sáng suốt, khôn khéo, đúng lúc, đúng chỗ, đúng người, đúng việc để phục vụ cho những mục đích bất biến.
“Dĩ bất biến ứng vạn biến”, đó là lời căn dặn ân cần của Hồ Chí Minh với cụ Huỳnh Thúc Kháng khi cụ Huỳnh tiễn Người cùng đoàn đại biểu Chính phủ ta đi đàm phán ở Pháp (ngày 31/5/1946). Được Người tin cậy, trao quyền Chủ tịch nước, cụ Huỳnh rất xúc động, đồng thời lo lắng trước trách nhiệm nặng nề phải gánh vác. Tiễn Bác đi, cụ hỏi Bác rất thật lòng: “Xin cụ Chủ tịch cho tôi một lời khuyên”.
Người đáp: Tôi cùng đoàn đại biểu vâng lệnh quốc dân đồng bào ủy thác cho, thực hiện cuộc đàm phán với chính phủ Pháp ở Pari. Từ đây, gánh nặng đặt lên vai cụ và anh em ở nhà. Chỉ xin cụ và anh em luôn ghi nhớ và thực hành mấy chữ “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Đó thực sự là cẩm nang mà Hồ Chí Minh trao gửi cụ Huỳnh để giải quyết mọi nhiệm vụ trong mọi tình huống của đại sự quốc gia khi Người vắng mặt 4 tháng liền. Nhờ có cẩm nang ấy mà Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng đã điều khiển nội các một cách vững vàng, nêu cao tâm huyết và trách nhiệm với Tổ quốc và nhân dân…
Phải biết cương, biết nhu đúng lúc
Quyết tâm giữ trọn lòng trung thành với mục tiêu độc lập và thống nhất, tự do và dân chủ, bình đẳng và đoàn kết là cái bất biến mà Người không chỉ nói với Tổ quốc, đồng bào mà còn tuyên bố với thế giới, với Chính phủ Pháp trên bàn đàm phán ngoại giao. Người tuyên bố và khẳng định mạnh mẽ: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Có lần, trong thời gian đàm phán ở Pháp, trong một cuộc họp báo, một nhà báo đặt cho Người câu hỏi khiêu khích nhằm giảm bớt thiện cảm của mọi người dành cho Bác: Thưa cụ, cụ có phải là cộng sản không? Hồ Chí Minh bình thản, tự nhiên đến trước bàn, trên bàn có một lẵng hoa hồng. Người rút từng bông hồng tặng cho từng người, trước hết là phụ nữ, không quên tặng cho nhà báo đã đặt câu hỏi.
Sau đó, Người cầm một bông hồng trên tay và nói: “Đúng, tôi là một người cộng sản nhưng là cộng sản như thế này” và áp bông hồng lên ngực. Đó là cử chỉ, ứng xử lịch thiệp, nhân văn của Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng tới thái độ ứng xử với người, với việc qua các quan hệ, các tình huống, và Người căn dặn chúng ta phải biết cương, biết nhu đúng lúc, lại phải biết kết hợp sức mạnh quân sự với sức mạnh ngoại giao, phải trông vào thực lực của mình. Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có rắn chắc thì cái tiếng mới to, mới vang xa.
Cùng với “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Người còn chỉ dẫn: “Phải biết cách biến đại sự thành trung sự, biến trung sự thành tiểu sự và biến tiểu sự thành vô sự”, đó là giữ vững nguyên tắc đi liền với linh hoạt, thiên biến vạn hóa về phương pháp, biện pháp, sách lược…
Đường lối đối ngoại hòa bình hữu nghị, hợp tác, làm bạn với tất cả các nước, là thành viên có trách nhiệm và tin cậy của cộng đồng quốc tế mà Đảng ta kiên trì, nhất quán, định hình ở chính sách ngoại giao Nhà nước, đa phương hóa, đa dạng hóa, tôn trọng độc lập, chủ quyền, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi… chính là sự vận dụng tư tưởng, phương pháp, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh.
Ngày nay, Việt Nam lấy hoa sen là biểu tượng Quốc hoa, lấy cây tre “cứng cáp, ngay thẳng, thủy chung, can đảm” hình thành trường phái ngoại giao cây tre. Nhờ trường phái (hay chủ kiến, hay cốt cách, phong cách) ngoại giao cây tre mà chúng ta linh hoạt ứng biến vượt qua thử thách của đại dịch Covid-19 vừa qua, nỗ lực vận động ngoại giao vắcxin, không chỉ khống chế và vượt qua đại dịch mà còn lo an sinh và an toàn cho cuộc sống người dân.
Ngoại giao Hồ Chí Minh, nhân văn Hồ Chí Minh, tinh thần “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” Hồ Chí Minh đang dần dẫn dắt Đảng ta, nhân dân ta, dân tộc ta tiếp tục đổi mới sáng tạo, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc như hoài bão, tâm nguyện của Người.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
Nguồn: https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/phuong-cham-di-bat-bien-ung-van-bien-trong-duong-loi-ngoai-giao-ho-chi-minh-d189189.html