Chiều 12/9, đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và đoàn công tác của Trung ương đã có buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Cao Bằng.
Tiếp và làm việc với đoàn công tác có các đồng chí: Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban Biên giới quốc gia Bộ Ngoại giao, các vụ, cục thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao; các cơ quan, ban, ngành của tỉnh.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh báo cáo với Phó Thủ tướng và đoàn công tác về tình hình kinh tế – xã hội (KT – XH), quốc phòng – an ninh, công tác đối ngoại 9 tháng đầu năm 2024; tình hình thiên tai và công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn do ảnh hưởng cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, 9 tháng đầu năm, tỉnh đã chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo các nhiệm vụ phát triển KT – XH đảm bảo phù hợp với diễn biến tình hình; tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt các chỉ thị, nghị quyết, 3 chương trình trọng tâm, 3 nội dung đột phá của Tỉnh ủy; các chương trình mục tiêu quốc gia; nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT – XH năm 2024, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Qua đó, đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Ước tính tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm đạt 4,54%, tăng 1,25 điểm % so với cùng kỳ năm 2023. Các nhiệm vụ văn hóa – xã hội, công tác bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được triển khai kịp thời, đúng quy định. Giáo dục mũi nhọn được quan tâm đẩy mạnh và đạt nhiều thành tích đáng khích lệ.
Đến ngày 31/8, tỉnh có 3/17 chỉ tiêu đạt trên 90% kế hoạch (KH), các chỉ tiêu còn lại sẽ thực hiện đánh giá khi hết năm. Qua rà soát, ước đến hết năm 2024, tỉnh sẽ thực hiện đạt và vượt 13/17 chỉ tiêu KH và có 4/17 chỉ tiêu không đạt KH.
Tình hình quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ổn định. Thường xuyên chăm lo xây dựng củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng an ninh với phát triển kinh tế. Tình hình chủ quyền lãnh thổ trên tuyến biên giới cơ bản ổn định; hai bên quản lý, bảo vệ biên giới theo 3 văn kiện pháp lý về biên giới và các biên bản thỏa thuận của Ủy ban Liên hợp biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Phía Trung Quốc chấp hành nghiêm Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới trong việc thực hiện các hoạt động ngoại biên và trên biên giới…
Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh, mở ra nhiều triển vọng mới trong quan hệ hợp tác hữu nghị của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương với chủ đề: “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng CVĐC” từ ngày 5/9 – 17/9. Tình hình vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc), sau gần 1 năm triển khai vận hành thí điểm, lượng khách hai bên qua lại tham quan du lịch được duy trì, tổng lượng khách hai bên từ ngày 15/9/2023 đến ngày 6/9/2024 là 13.512 lượt người (trong đó du khách từ phía Việt Nam sang phía Trung Quốc là 5.510 lượt người, du khách từ phía Trung Quốc sang phía Việt Nam là 8.362 lượt người). Chuẩn bị tổ chức lễ vận hành chính thức Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc). Tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý để công bố nâng cấp cặp cửa khẩu Tà Lùng (Việt Nam) – Thủy Khấu (Trung Quốc) thành cửa khẩu quốc tế và đưa cầu đường bộ II Tà Lùng – Thủy Khẩu vào khai thác sử dụng; tiếp tục thực hiện các trình tự mở chính thức các cặp cửa khẩu Hạ Lang (Việt Nam) – Khoa Giáp (Trung Quốc) và Pò Peo (Việt Nam) – Nhạc Vu (Trung Quốc), bao gồm lối thông quan vận chuyển hàng hóa Đình Phong (Việt Nam) – Tân Hưng (Trung Quốc) lên cửa khẩu chính.
Về tình hình thiên tai và công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 đợt rét đậm, rét hại và 17 đợt mưa lớn, lốc, sét, ngập úng, lũ, lũ quét, sạt lở đất, đá, gây thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, với tổng thiệt hại ước tính 248,397 tỷ đồng.
Từ ngày 7 – 11/9, do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão, các khu vực trong tỉnh có mưa to đến rất to, xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, đá, gây thiệt hại về người, nhà ở, công trình cơ sở hạ tầng, với tổng giá trị thiệt hại ước tính 125 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về người 40 người chết, 15 người bị thương, 14 người mất tích (tại huyện Nguyên Bình 39 người chết, 14 người bị thương, 14 người mất tích, đang tiếp tục thống kê và tìm kiếm số người mất tích; Bảo Lâm 1 người chết).
Có 1.449 nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng bởi thiên tai, trong đó, thiệt hại hoàn toàn 36 nhà, hư hỏng 1.413 nhà, xảy ra chủ yếu trên địa bàn: Thành phố, Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nguyên Bình, Hà Quảng, Hòa An; 2.621 điểm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường xã bị tắc do sạt lở, ngập lụt; 24 trường học, 3 cơ sở y tế, 48 cột điện và nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, viễn thông, điện lưới, trụ sở các cơ quan, đơn vị bị thiệt hại do sạt lở, ngập úng; trên 1.600 ha lúa, hoa màu và 62,5 ha rừng bị thiệt hại.
Cấp ủy các cấp trong tỉnh đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền và cả hệ thống chính trị, các lực lượng chức năng tập trung, tăng cường các biện pháp phòng, chống, tìm kiềm cứu nạn, khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão, nhằm giảm thiếu thiệt hại đến mức thấp nhất. Nhân dân hỗ trợ giúp đỡ nhau chủ động khắc phục nhà ở bị thiệt hại; các nhà ở bị sạt lở, đang có nguy cơ bị sạt lở đã sơ tán, di dời đến nơi an toàn. Đến nay, các điểm tắc đường lớn, đoạn đường, ngầm tràn bị ngập nước các lực lượng chức năng cắm biển cảnh báo, canh gác hướng dẫn, phân luồng giao thông; các thành phần tham gia cứu nạn, cứu hộ, các cấp đang có mặt tại hiện trường thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ, tìm kiếm người mất tích.
Tỉnh kiến nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Cao Bằng để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra thời gian qua và thực hiện kè chống sạt lở bờ sông, suối trên địa bàn tỉnh với kinh phí cần hỗ trợ gần 950 tỷ đồng.
Đặc biệt, để tái thiết các công trình cơ sở hạ tầng, khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống, dân sinh và phát triển KT – XH địa phương do cơn bão số 3 gây ra, tỉnh Cao Bằng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 100 tấn gạo và 100 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách trên.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm phê duyệt Đề án cơ chế chính sách đặc thù phát triển Khu du lịch Thác Bản Giốc, tạo điều kiện để tỉnh phát triển khu du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH của tỉnh gắn với bảo vệ quốc phòng – an ninh; quan tâm bố trí nguồn vốn hỗ trợ tỉnh đầu tư, phát triển hạ tầng du lịch phục vụ vận hành Khu cảnh quan thác Bản Giốc và các khu vực biên giới đã bị sạt lở mất dấu hiệu nhận biết đường biên giới trên địa bàn tỉnh.
Kiến nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ tỉnh Cao Bằng trong việc triển khai vận hành chính thức Khu cảnh quan Thác Bản Giốc; nghiên cứu xây dựng các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành khu cảnh quan; trao đổi, thúc đẩy phía Trung Quốc chỉ đạo Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây tăng cường hợp tác với tỉnh Cao Bằng mở, nâng cấp cửa khẩu, lối mở hai bên.
Đề nghị Trung ương xem xét, xây dựng Luật Khu kinh tế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về khu kinh tế; đồng thời, xem xét sớm ban hành hướng dẫn xây dựng Mô hình cửa khẩu thông minh, tổ chức tập huấn triển khai xây dựng và bố trí kinh phí để tỉnh Cao Bằng thực hiện.
Các cơ quan Trung ương xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương cho đầu tư hạ tầng các cửa khẩu theo Quyết định số 1199/QĐ-TTg, ngày 14/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch cửa khấu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xem xét tư vấn, hỗ trợ tỉnh trong việc xây dựng “Đề án thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng”…
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, làm rõ thêm một số nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khu du lịch Thác Bản Giốc; nâng cấp cửa khẩu, lối mở hai bên; việc triển khai vận hành chính thức Khu cảnh quan thác Bản Giốc; công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả bão lũ, thiên tai…
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn chia sẻ những mất mát mà bà con nhân dân vùng lũ lụt trong tỉnh bị ảnh hưởng; đồng thời, đánh giá cao những cố gắng tối đa của tỉnh trong thực hiện công tác phòng, chống bão lũ, cứu nạn, cứu hộ. Đề nghị tỉnh tập trung khắc phục hậu quả sau thiên tai; tiếp tục huy động tối đa tìm kiếm người còn bị mất tích; đảm bảo cung cấp tối đa về lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước uống cho bà con vùng sạt lở, ngập lụt. Tập trung khắc phục ngay hệ thống điện, viễn thông, trường học, bệnh viện và khôi phục sản xuất, kinh doanh, đảm bảo người dân ổn định cuộc sống sau mưa lũ. Có các giải pháp phòng, chống sạt lở, nhất là tại các vùng có nguy cơ cao. Tiếp tục thống kê những thiệt hại để báo cáo Trung ương và đề ra những giáp để khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Đối với các kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đề nghị các bộ, ngành Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ tổng hợp tham mưu trình Chính phủ có phương án giải quyết.
Về phát triển KT – XH, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn ghi nhận và đánh giá cao những kết quả quan trọng tỉnh đã đạt được thời gian qua. Mặc dù trong điều kiện khó khăn, song KT – XH của tỉnh có bước phát triển. Đây là điều kiện quan trọng để tỉnh thực hiện mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra trong nhiệm kỳ này. Thời gian tới, tỉnh cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; triển khai tốt các chương trình mục tiêu quốc gia…
Tăng cường công tác đối ngoại, nhất là với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); mở rộng hợp tác giao lưu về hàng hóa, lao động, du lịch; làm tốt công tác kết nối giữa hai bên (cửa khẩu, giao thông, nguồn nhân lực…). Đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục là đầu mối chọn một số đối tác có điều kiện tương đồng với tỉnh Cao Bằng như các doanh nghiệp của Hàn Quốc đến tìm hiểu và đầu tư.
Tiếp tục giữ vững quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; hợp tác phát triển biên giới; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để vận hành chính thức Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc).
Nhân dịp này, Công đoàn Bộ Ngoại giao trao 230 triệu đồng hỗ trợ 3 huyện: Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng bão số 3.