Giải mã chiến thuật đặc biệt của đội ngũ cận vệ chạy bộ quanh xe Chủ tịch Kim Jong-un

Tại sao họ phải chạy bộ quanh xe bọc thép chở lãnh tụ? Tại sao họ lại mặc trang phục có vẻ quá rộng rãi so với bình thường?

Trong hai lần Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều ở Singapore và Hà Nội, hình ảnh thu hút sự chú ý của báo giới quốc tế, đó là các cận vệ Triều Tiên chạy bộ quanh chiếc xe siêu sang bọc thép chống đạn chở Chủ tịch Kim Jong Un.

Nhiều phóng viên quốc tế gọi các cận vệ này là “running-man”, coi đây như một sự biểu dương lực lượng của lực lượng cận vệ Triều Tiên. Tuy nhiên, thực tế thì không phải như vậy. Việc các sĩ quan cận vệ chạy quanh xe chở lãnh tụ là một phần của chiến thuật bảo vệ của cận vệ Triều Tiên.

Giải mã chiến thuật đặc biệt của đội ngũ cận vệ chạy bộ quanh xe Chủ tịch Kim Jong-un - Ảnh 1.

Đội cận vệ tinh nhuệ chạy theo chiếc xe bọc thép cống đạn, bảo vệ Chủ tịch Kim Jong Un.

Đơn vị đặc biệt – nhiệm vụ đặc biệt

Tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, cơ quan đảm nhiệm việc bảo đảm an toàn cho lãnh tụ Kim Chính Ân (cũng như các lãnh tụ tiền nhiệm như ông Kim Nhật Thành hay Kim Chính Nhật) là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ Tối cao.

Đơn vị này mang phiên hiệu 963, được giải thích vì lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành thích con số “cửu quy” (9=6+3). Cách đặt phiên hiệu này chủ yếu để mong muốn sự may mắn, tương tự như cách chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đặt phiên hiệu 8341 cho đơn vị cảnh vệ của mình.

Các đơn vị cảnh vệ Triều Tiên có tiền thân là những cận vệ của chủ tịch Kim Nhật Thành, khi ông tham gia chiến tranh kháng Nhật. Đơn vị này cũng đã tham gia vào chiến tranh Triều Tiên, và có bề dày truyền thống, với 72 Anh hùng Lao động, và 28 Anh hùng Triều Tiên.

Vào giai đoạn cuối của thế kỉ XX, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ Tối cao đã được chuyển thuộc từ Bộ An ninh quốc gia Triều Tiên về cho Quân đội nhân dân Triều Tiên. Đơn vị 963 trở thành một sư đoàn cảnh vệ vòng ngoài, trong khi công tác cận vệ vòng trong thuộc về Đơn vị mới mang phiên hiệu 974 (thành lập năm 1974).

Đơn vị 974 gồm cơ quan Bộ Tư lệnh (với các Ban Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, An ninh – nhân sự) và hai sư đoàn cảnh vệ số 55 và số 16. Sư đoàn 55 đảm nhiệm bảo vệ lãnh tụ và các đối tượng có liên quan tại Thủ đô Bình Nhưỡng, trong khi Sư đoàn 16 đảm nhiệm cảnh vệ bên ngoài Thủ đô Bình Nhưỡng.

Ước tính, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ Tối cao nắm trong tay 06 phân đội cận vệ, 03 lữ đoàn tác chiến, một số sư đoàn cảnh vệ, và 01 tiểu đoàn công binh công trình, với tổng quân số lên đến 120.000 người. Tư lệnh hiện nay của lực lượng cận vệ là tướng Doãn Chính Lân (Yun Jong-rin).

Các sĩ quan cận vệ tương lai cho lãnh tụ Triều Tiên được lựa chọn từ học sinh trung học và quân nhân, thông qua quá trình rà soát kĩ lưỡng về lí lịch nhân thân, phẩm chất chính trị, lòng trung thành với lãnh tụ, cũng như các tố chất thể chất.

Những ứng viên được lựa chọn sẽ phải cắt liên lạc với gia đình, và mỗi gia đình cũng chỉ có một người có thể được lựa chọn tham gia vào làm sĩ quan cận vệ.

Chương trình huấn luyện nghiệp vụ cảnh vệ sẽ kéo dài hai năm, nhấn mạnh vào rèn luyện thể lực, võ thuật như Taekwondo, và sử dụng vũ khí. Các học viên sĩ quan cận vệ cũng sẽ phải trải qua những bài huấn luyện bắn tỉa, hay chạy bộ 25km với đầy đủ vũ khí trang bị.

Chạy bộ theo xe và chiến thuật chống bắn tỉa

Điều quan trọng trong triết lí chiến thuật của các sĩ quan cận vệ Triều Tiên, đó là khả năng thích ứng nhanh chóng với tình huống. Khác với các mật vụ bảo vệ tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump, các sĩ quan cận vệ Triều Tiên không có nhiều trang bị khí tài hiện đại, hay các phương tiện cơ giới như xe bọc thép hiện đại.

Khi lãnh tụ đi công du ở nước ngoài, phía Triều Tiên không triển khai các phương tiện, khí tài hạng nặng.

Do vậy, các sĩ quan cận vệ Triều Tiên chủ yếu dựa vào năng lực của bản thân để triển khai chiến thuật bảo vệ lãnh tụ. Họ cũng rất nhanh chóng làm quen với các loại xe cộ, phương tiện do nước sở tại cung cấp, và sử dụng chúng cho công tác cảnh vệ.

Giải mã chiến thuật đặc biệt của đội ngũ cận vệ chạy bộ quanh xe Chủ tịch Kim Jong-un - Ảnh 3.

Đội cận vệ tinh nhuệ chạy theo chiếc xe bọc thép cống đạn, bảo vệ Chủ tịch Kim Jong Un tại ga Đồng Đăng, Lạng Sơn.

Có thể thấy rõ chiến thuật bảo vệ của các cận vệ Triều Tiên trong chuyến công du Singapore hồi tháng 04/2018, và gần đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều của lãnh tụ Kim Jong Un:

Việc các cận vệ chạy theo xe chở lãnh tụ không phải là hành động biểu dương lực lượng, mà là để đáp ứng yêu cầu cảnh vệ. Chiếc xe siêu sang bọc thép thân dài, mặc dù có khả năng chống đạn cấp độ B6 đến B7.

Về mặt kỹ thuật, cấp độ B7 theo tiêu chuẩn Châu Âu CEN (Central European Normalisation) cho biết xe có thể chịu được đạn súng trường xuyên giáp cỡ 7,62x51mm chuẩn NATO, hay thậm chí là đạn 7,62x54mmR kiểu Nga. Nói cách khác, chiếc Mercedes nói trên sẽ chỉ chịu được đạn súng trường bộ binh.

Mặc dù súng bắn tỉa “công phá” có thể không chính xác như các súng bắn tỉa sát thương khác, nhưng chỉ cần có sự cố, thì đã có thể gây ra những biến động lớn đến chính trị quốc tế, nhiệm vụ cảnh vệ coi như không hoàn thành.

Thời cơ thường được xạ thủ bắn tỉa đối phương lựa chọn, là khi xe phải giảm tốc độ, ví dụ như ngay khi yếu nhân vừa lên xe, xe vẫn đang dừng tại chỗ, hay khi xe phải giảm tốc vì đường xấu, đến khúc cua gấp. Tốc độ thấp của xe sẽ tăng độ chính xác cho phát bắn tỉa.

Do vậy, lộ trình công du bằng xe của Chủ tịch Kim Jong Un thường được cảnh vệ Triều Tiên thảo luận với nước chủ nhà, để hạn chế tối đa các tình huống xe phải giảm tốc độ. Lái xe cũng được rèn luyện để có thể vào cua, chuyển hướng với tốc độ cao, trong mọi điều kiện thời tiết, đường sá…

Còn khi xe chở Chủ tịch Kim Jong Un đang dừng tại chỗ, 12 sĩ quan cận vệ sẽ tỏa ra xung quanh xe. Đây đều là các sĩ quan có vóc dáng cao to, thường cao từ 180-190cm, có nhiệm vụ che chắn, làm giảm phạm vi xạ trường của xạ thủ bắn tỉa (nếu có).

Giải mã chiến thuật đặc biệt của đội ngũ cận vệ chạy bộ quanh xe Chủ tịch Kim Jong-un - Ảnh 4.

Các sĩ quan cận vệ Triều Tiên quan sát bao quát 360 độ xung quanh xe chở Chủ tịch Kim Jong Un.

Các sĩ quan cận vệ này cũng quan sát bao quát 360 độ xung quanh xe, để phát hiện các nguy cơ. Khi cần thiết, 12 sĩ quan cận vệ sẽ ngay lập tức phản ứng, che chắn để đưa lãnh tụ rời xe đến nơi an toàn.

Trong những tình huống xấu nhất, 12 sĩ quan cận vệ này cũng là những tấm bia sống, sẵn sàng hi sinh.

Khi xe chở Chủ tịch Kim khởi hành, từ từ tăng tốc, 12 sĩ quan cận vệ sẽ chạy nước rút theo xe, đến khi xe đạt tốc độ khoảng 20-30km/h thì các sĩ quan cận vệ sẽ rút lên xe hộ tống đi theo sau, bám theo đoàn hộ tống.

Trong bất kì tình huống nào mà xe chở lãnh tụ phải dừng lại (có chủ ý hoặc do sự cố khách quan), thì 12 sĩ quan này sẽ lập tức xuống xe, tỏa ra vây quanh xe theo kế hoạch. Khi xe đã đạt tốc độ 30km/h, thì mỗi giây chiều ngang của xe sẽ dịch chuyển 8m, gây khó khăn cho xạ thủ bắn tỉa.

Nhưng mặt khác, nếu như xạ thủ bắn tỉa ngắm bắn theo chiều dọc xe, thì ngay cả khi xe đã chạy nhanh, thì thân xe vẫn ít di chuyển trong kính ngắm của xạ thủ, cho phép thực hiện một phát bắn tỉa chính xác.

Để phòng tránh nguy cơ này, đi đầu và đi khóa đuôi đội hình xe hộ tống sẽ là hai xe thể thao việt dã (SUV) có chiều cao lớn hơn so với xe Mercedes.

4 sĩ quan cận vệ sẽ mở tung 2 cửa sau xe, và đu lên hai cánh cửa này để quan sát. Bốn cánh cửa của xe SUV sẽ trở thành 4 tấm khiên che chắn cho xe chở Chủ tịch Kim, làm chệch hướng đạn bắn tỉa. Các sĩ quan cận vệ đu trên cửa xe cũng sẽ có một tầm nhìn cao hơn, để tiện quan sát và phát hiện các nguy cơ.

Tại nơi Chủ tịch Kim Jong Un nghỉ lại, hay thăm viếng, các sĩ quan cận vệ sẽ chia làm nhiều nhóm tỏa ra canh gác xung quanh. Ước tính có đến 100 cảnh vệ Triều Tiên đã đến Việt Nam trong chuyến công du lần này.

Giải mã chiến thuật đặc biệt của đội ngũ cận vệ chạy bộ quanh xe Chủ tịch Kim Jong-un - Ảnh 6.

Bốn cánh cửa của xe SUV sẽ trở thành 4 tấm khiên che chắn cho xe chở Chủ tịch Kim, làm chệch hướng đạn bắn tỉa.

Bí mật sau lớp áo vest rộng

Khi làm nhiệm vụ, các sĩ quan cảnh vệ Triều Tiên có thể sử dụng quân phục hoặc thường phục. Khi xuất hiện cùng lãnh tụ trong các sự kiện ngoại giao, các sĩ quan cảnh vệ sẽ mặc áo vest cùng cravat.

Bộ vest này thường là đồng phục, đi kèm với một huy hiệu trên ngực áo. Các sĩ quan cận vệ Triều Tiên rất nổi bật giữa đám đông, vì một kiểu tóc ngắn, một nét mặt rất đặc trưng của cao thủ võ thuật.

Khi đứng gác, tay họ thường nắm lại, mu bàn tay có gù trên khớp ngón tay, thể hiện công phu luyện tập võ thuật trong nhiều năm.

Tuy nhiên, khác với phim ảnh, khi các điệp viên, mật vụ thường mặc những bộ vest được may vừa vặn, ôm sát thân người, các sĩ quan cận vệ Triều Tiên thường mặc những bộ vest rất rộng.

Điều này thuận lợi cho nghiệp vụ cảnh vệ. Bản chất bộ vest rộng là một bộ võ phục, giúp các sĩ quan cận vệ dễ dàng vận động. Cần nhớ rằng các sĩ quan cận vệ này đều là những người lão luyện võ thuật. Bộ vest rộng cũng giúp che giấu các trang bị khí tài mang theo người của các sĩ quan.

Giải mã chiến thuật đặc biệt của đội ngũ cận vệ chạy bộ quanh xe Chủ tịch Kim Jong-un - Ảnh 7.

Các sĩ quan cận vệ Triều Tiên sử dụng súng ngắn Bạch Đầu Sơn (phiên bản Triều Tiên của súng ngắn CZ 75 của Cộng hòa Séc, bắn đạn 9x19mm).

Dưới lớp áo vest, các sĩ quan cận vệ có thể giấu một khẩu súng ngắn Bạch Đầu Sơn (phiên bản Triều Tiên của súng ngắn CZ 75 của Cộng hòa Séc, bắn đạn 9x19mm), thậm chí là một khẩu tiểu liên cỡ nhỏ, nhờ vào loại thắt lưng bản to – tuy hơi thiếu lịch lãm nhưng lại rất thuận lợi cho việc mang trang bị.

Dù mang theo súng, song triết lí của các sĩ quan cảnh vệ Triều Tiên ưu tiên việc sử dụng võ thuật, hạn chế nổ súng, coi trọng đảm bảo an toàn cho lãnh tụ hơn là tiêu diệt phần tử ám sát.

Qua những chi tiết như trên, có thể thấy được sự chuyên nghiệp “nhà nghề” của các sĩ quan cảnh vệ Triều Tiên, không thua kém gì các đồng nghiệp bên phía Hoa Kỳ.

Có lẽ do tin tưởng tuyệt đối vào công tác đảm bảo an ninh của nước chủ nhà cũng như sự chuyên nghiệp của đội ngũ cận vệ, Chủ tịch Kim Jong Un đã có những hành động “phá lệ”, như nhiều lần hạ kính xe chống đạn để vẫy chào người dân Việt Nam.

Điều này một mặt là thông điệp của ông với đất nước Việt Nam mến khách và có tình cảm đặc biệt với Triều Tiên, cũng đồng thời thể hiện sự tin tưởng vào an toàn – an ninh tại nước ta.