Dù đã xảy ra vài lần với cùng một phương thức trên Facebook nhưng nhiều người vẫn dễ dàng sập bẫy, trở thành con mồi cho kẻ xấu trục lợi.
Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất trên thế giới, không chỉ phục vụ nhu cầu tương tác, trò chuyện mà cả kinh doanh, buốn bán cũng tự do và thoải mái. Thế nhưng, nếu đã là một xã hội ảo, ắt sẽ có mặt tốt xấu của riêng nó. Vì thế, tình trạng lừa lọc và gian manh với nhiều chiêu trò dụ dỗ mua hàng online cũng không hề hiếm gặp chút nào.
Cách đây ít lâu, có lẽ đã khá nhiều người nghe nói và biết đến thủ đoạn lừa đảo mua tai nghe “Beats Solo3 Wireless miễn phí” đã bị vạch mặt 2 lần liền. Cách thức chung là dụ dỗ cư dân mạng tin rằng đây là các phiên bản dùng thử, tặng free chẳng cần bỏ ra cả5-6 triệu làm gì, chỉ cần mất tiền ship là có thể sở hữu.
Đoạn post của một fanpage lừa đảo trước đây từng đăng, cùng nội dung lặp lại 2 lần.
Tất nhiên, chẳng có chiếc tai nghe xịn nào chờ về nhà cả, còn tiền đã đóng thì không cánh mà bay. Dù chỉ vài chục nghìn thôi, nhưng nhân lên hàng trăm người bị lừa cũng giúp chúng đút túi cả trăm triệu rồi.
Dường như tặng bản dùng thử tai nghe Beats nhiều quá sinh nhàm chán, mới đây nhất, một fanpage dấu hiệu lừa đảo tương tự lại nổi lên, có khác biệt đôi chút: Dụ dỗ bằng máy đọc sách Kindle của Amazon.
Bài post đang khiến nhiều người cảnh giác và lan truyền những ngày gần đây. Vẫn là thủ đoạn y hệt lần trước, chỉ cần chuyển tiền ship là xong.
Không rõ những kẻ thực hiện việc làm này từ trước tới nay có phải là 1 hay không, nhưng cũng giống như trước đó, chúng đều chỉ xuất phát từ một fanpage mới toanh vừa lập ít ngày, không có danh tiếng nhưng chạy quảng cáo rất mạnh. Hơn nữa, khâu chuẩn bị khá công phu còn đến từ việc thiết kế hẳn một website trông chỉn chu không kém dân chuyên, với đầy đủ các nút chức năng dẫn dắt tới nút đặt hàng và chuyển tiền.
Giao diện đặt hàng khá bắt mắt và chuyên nghiệp, bên dưới cuối trang còn có các bản thông tin chi tiết về sản phẩm.
Đây chỉ là một phần rất nhỏ trong số hơn 2000 comment báo đã chuyển tiền thành công.
Nếu làm tròn số người đã chuyển tiền thành 2000, như vậy những kẻ đứng sau đã kịp bỏ túi 190 triệu đồng. Được biết, cũng đã có một fanpage bán máy Kindle khá uy tín khác chủ động lên tiếng về tình trạng này. Họ đã trực tiếp khuyến cáo các cư dân mạng theo dõi rằng đây là chiêu lừa đảo, kêu gọi report để tránh hậu quả liên lụy cho người khác.
Đáng buồn thay, dù đây ít nhất đã là lần thứ 3 cách thức lừa lọc này được sử dụng nhưng vẫn có nhiều người cả tin, nhẹ dạ làm theo lời hướng dẫn thanh toán tiền ship rồi chờ máy về. Liệu rằng đến bao giờ chúng ta mới có thể thực sự kiểm soát được các hành vi mập mờ tiêu cực như trên, hoặc tự biết cách trang bị đủ kiến thức cảnh giác kịp thời với những dấu hiệu như vậy?