Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, đề án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với xây dựng quy mô vùng. Từng bước nâng cao giá trị nông sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Qua đó, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; nâng cao thu nhập, đặc biệt là vai trò và vị thế của người nông dân.
Trong chuyến công tác mới đây tại xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu, chúng tôi được nghe bà Phạm Thị Nụ – Giám đốc Công ty TNHH chè Shan Trúc Thanh – bản Cư Nhà La chia sẻ: Nhờ các chính sách hỗ trợ của tỉnh về phát triển vùng nguyên liệu chè, công ty đã có điều kiện phát triển vùng nguyên liệu chè với hơn 200ha. Không chỉ tập trung ở xã Sùng Phài, chúng tôi còn mở rộng ra các xã: Lản Nhì Thàng, San Thàng, phường Đoàn Kết, Tân Phong (thành phố Lai Châu). Trung bình mỗi năm công ty sản xuất 1.200 tấn chè khô, riêng năm 2022 sản xuất 1.600 tấn chè khô. Chất lượng tốt, giá cả hợp lý và đặc biệt là luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên sản phẩm chè của công ty được khách hàng đón nhận, thị trường ngày càng mở rộng.
Linh động tìm kiếm thị trường, lại được tỉnh quan tâm giới thiệu gia nhập Hiệp Hội chè Việt Nam; sản phẩm Chè Shan Trúc Thanh cũng đủ điều kiện được tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Do đó, chè thương phẩm của công ty không chỉ cung ứng thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài (hiện công ty đang xuất khẩu ổn định chè sang thị trường Pakistan). Công ty đã tạo việc làm cho 40 lao động địa phương với mức thu nhập từ 6-12 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, Công ty luôn chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất để đáp ứng nhu cầu về chất lượng, mẫu mã đẹp, tiếp tục vươn tới các thị trường khó tính.
Bà Phạm Thị Nụ – Giám đốc Công ty TNHH chè Shan Trúc Thanh – bản Cư Nhà La kiểm tra chất lượng chè thành phẩm.
Có thể thấy với các chủ trương, định hướng của tỉnh trong phát triển nông nghiệp nông thôn, cùng sự nỗ lực của mỗi người dân, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã có chỗ đứng trên thị trường, vươn ra tầm thế giới. Góp phần thúc đẩy đời sống của người nông dân ngày càng được nâng cao. Bám sát thực tiễn địa phương, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tham mưu cho HĐND các cấp ban hành nhiều nghị quyết đúng, trúng, hợp lòng dân. Trong đó có Nghị quyết 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 quy định chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết quy định cụ thể các nội dung hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP, gồm hỗ trợ chi phí hoàn thiện hồ sơ; hỗ trợ chi phí thiết kế, in, mua bao bì, nhãn mác sản phẩm; hỗ trợ kinh phí mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm và nhà kho, nhà xưởng. Thưởng cho chủ thể tham gia chương trình OCOP có sản phẩm được công nhận; hỗ trợ chi phí xây dựng hoặc thuê điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP… Các sản phẩm OCOP được đánh giá cao không chỉ vươn ra thị trường trong nước, mà còn có thể chiếm lĩnh cả thị trường nước ngoài.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp hơn 526.000ha, chiếm 58% diện tích tự nhiên của tỉnh. Diện tích đất trống chưa sử dụng khoảng 240.000ha, tổng diện tích đất nông nghiệp có thể chuyển đổi sang cây trồng giá trị cao là hơn 20.000ha. Lai Châu còn có tiềm năng lớn về hệ thống sông, suối, cũng như mặt hồ thủy điện. Tổng diện tích mặt hồ của tỉnh hơn 16.600ha, trong đó khoảng 5.000 – 6.000ha thích hợp nuôi cá lồng với các loại cá nước ngọt.
Theo đó, trong từng giai đoạn, nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra các nghị quyết chuyên đề về xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bền vững. Nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế từng địa phương, tỉnh đã quy hoạch 3 vùng kinh tế, gồm: Vùng kinh tế động lực quốc lộ 32, 4D; vùng kinh tế nông, lâm nghiệp sinh thái sông Đà; vùng kinh tế cao nguyên Sìn Hồ. Trên cơ sở đó, cấp uỷ, chính quyền các cấp cụ thể hoá thành các nghị quyết, chương trình, đề án về phát triển nông nghiệp và tập trung triển khai thực hiện.
Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất. Tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.
Nhờ Mô hình liên kết nông dân – doanh nghiệp, hợp tác xã đã giúp nông dân của huyện Tân yên tâm về đầu ra sản phẩm nông nghiệp.
Ngoài các chính sách hỗ trợ chung theo quy định, tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để mời gọi cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn như: Chính sách cho thuê đất, góp vốn bằng hình thức quyền sử dụng đất; hỗ trợ chuyển đổi phương thức sản xuất, công nghệ sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm… Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm qua các sự kiện, hội chợ xúc tiến thương mại. Xây dựng nhiều thương hiệu, nhãn hiệu góp phần nâng tầm giá trị cho sản phẩm nông nghiệp địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về thâm canh cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, lúa chất lượng cao, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu giống, mùa vụ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chung sức, đồng lòng của toàn dân; nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Lai Châu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,96%. Trong đó ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,1%. Nổi bật là tổng sản lượng lương thực đạt 225.000 tấn.
Hết năm 2022, toàn tỉnh có 158 sản phẩm OCOP. Giá trị sản xuất tăng bình quân 5,25%/năm. Các chính sách hỗ trợ, phát triển sản xuất nông nghiệp được thực hiện hiệu quả. Cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; các vùng sản xuất cây công nghiệp tập trung ngày càng phát triển và mở rộng. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được triển khai tích cực, tỷ lệ che phủ rừng hàng năm đều đạt kế hoạch đề ra.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, quyết liệt, đạt bình quân 12,5 tiêu chí/xã; 39 xã đạt 19 tiêu chí; 15 xã đạt 10-14 tiêu chí; 40 xã đạt 5-9 tiêu chí. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được quan tâm đầu tư phát triển. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục được nâng lên, củng cố niềm tin của Nhân dân các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và của tỉnh.
Để làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, ngày 12/4/2023, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 23/CTr- TU về thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục tập trung nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực…