Nhận thức rõ vai trò đặc biệt của văn học, nghệ thuật trong đời sống xã hội, 15 năm qua, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị – xã hội các cấp trong tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) ngày 16.6.2008 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Để Nghị quyết số 23-NQ/TW (NQ 23) tạo chuyển biến tích cực, thêm động lực, đột phá cho VHNT địa phương phát triển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã ban hành Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 2.12.2008 về thực hiện NQ 23. UBND tỉnh đã cụ thể hóa các nội dung của NQ 23, Chương trình hành động số 24-CTr/TU thành nhiều đề án, chính sách cụ thể, gắn với xây dựng văn hóa và con người Bình Định phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ; phát huy những giá trị truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của vùng đất, con người Bình Định…
Dấu ấn nổi bật
Nhìn lại chặng đường 15 năm thực hiện NQ 23, bà Nguyễn Thị Bích Ly, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ghi nhận, văn học và các lĩnh vực nghệ thuật đều có tác phẩm chất lượng tốt, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật, tiếp tục khơi thông dòng chảy của chủ nghĩa yêu nước và nhân văn.
Đặc biệt, ở lĩnh vực văn học, Bình Định có một lực lượng đông đảo nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật, tiếp nối nhiều thế hệ với những phong cách sáng tạo riêng, ghi dấu ấn trên dòng văn học đương đại với các tác phẩm văn học phản ánh sinh động, đậm nét hơi thở, nhịp sống sôi động của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước. Trong số này có nhiều tác giả đạt các giải thưởng của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam và giải thưởng các chuyên ngành Trung ương hằng năm, như: Lê Hoài Lương, Mai Thìn, Trương Công Tưởng, Lưu Thị Mười, Vân Phi…
Tương tự, nghệ thuật sân khấu Bình Định cũng đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là trong công tác sưu tầm, giảng dạy, phổ biến và bảo tồn các sản phẩm, giá trị nghệ thuật của tuồng, bài chòi, đặc biệt là bài chòi cổ, hội đánh bài chòi dân gian Bình Định… Trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2023, tỉnh đã đầu tư dàn dựng, phục hồi, nâng cao trên 60 vở diễn, biểu diễn phục vụ khán giả và tham gia các hội diễn, cuộc thi, liên hoan cấp khu vực và toàn quốc; đạt được trên 55 huy chương cùng nhiều giải thưởng khác. Tiêu biểu như: NSND Hoài Huệ, kịch tác gia Văn Trọng Hùng, Đoàn Thanh Tâm, nghệ sĩ Dương Nữ Thùy Dung, Bạch Lan…
Đặc biệt, năm 2017, tỉnh Bình Định cùng với 8 tỉnh, thành miền Trung được UNESCO ghi danh Nghệ thuật bài chòi Trung bộ của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản VHNT các dân tộc trên địa bàn tỉnh được chú trọng.– Trong ảnh: Nghi thức rước Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn. Ảnh: T.LỢI |
Các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển lý luận, phê bình VHNT; xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ; củng cố, đổi mới hoạt động của Hội VHNT Bình Định; giao lưu, hợp tác quốc tế về VHNT; xây dựng và phát triển VHNT quần chúng… được cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong tỉnh quan tâm củng cố và phát triển. Nhiều tác phẩm xuất sắc trên các lĩnh vực nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu của các văn nghệ sĩ đã đạt giải cao ở những cuộc thi, liên hoan trong nước và thế giới. Điển hình hơn cả là nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt đã được phong 42 tước hiệu cao quý trong nước và tổ chức nhiếp ảnh thế giới, được tặng hơn 2.000 giải thưởng trong nước, quốc tế tại 76 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 330 HCV…
Công tác nghiên cứu, phát triển lý luận, phê bình VHNT có nhiều tiến bộ, góp phần định hướng thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, khích lệ sự tìm tòi, sáng tạo ở người nghệ sĩ; góp phần đấu tranh với những xu hướng cực đoan, phủ nhận thành tựu văn nghệ cách mạng. Công tác quy hoạch, bố trí lực lượng cán bộ quản lý, tham mưu lĩnh vực VHNT được chọn lựa, sắp xếp phù hợp; xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ được quan tâm thực hiện. Đến nay, Hội VHNT Bình Định đã kết nạp 361 hội viên.
Để “trợ lực” cho VHNT phát triển, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đãi ngộ, khuyến khích, động viên và vinh danh các nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó có quy định định mức hỗ trợ xuất bản tác phẩm và phổ biến các tác phẩm của văn nghệ sĩ; quy định định mức bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh; thành lập giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu (định kỳ 5 năm/lần) dành cho VHNT; thực hiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT; hỗ trợ kinh phí sáng tác, in ấn, phát hành, phổ biến và triển lãm ở các thể loại…
Thêm động lực, tạo đột phá
Hội VHNT Bình Định là một trong các đơn vị tiêu biểu của tỉnh trong triển khai hiệu quả NQ 23. Chủ tịch Hội, ông Mai Văn Thìn, cho biết: Thành công lớn nhất trong thời gian qua của Hội là đã phát hiện, bồi dưỡng được đội ngũ các gương mặt trẻ nhiều tiềm năng ở mảng văn học, như: Trần Quốc Toàn, Vân Phi, Nguyễn Đặng Thùy Trang, My Tiên, Trương Công Tưởng, Nguyễn Anh Nhật… Song hành với đó là đội ngũ các văn nghệ sĩ gạo cội luôn duy trì tinh thần, khát khao cống hiến hết mình vì sự nghiệp phát triển VHNT Bình Định. Thành công này có được ngoài sự đoàn kết, nỗ lực của đội ngũ văn nghệ sĩ, thì có sự quan tâm lớn của tỉnh, thể hiện qua các chính sách đầu tư, phát triển VHNT, như: Duy trì giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu dành cho VHNT; kịp thời ban hành các quyết định hỗ trợ sáng tạo, phổ biến tác phẩm VHNT phù hợp với tình hình mới, trong đó hiệu quả nhất là cơ chế đầu tư kinh phí theo hướng đặt hàng cho hoạt động của Hội.
Hội VHNT Bình Định tổ chức giao lưu và tọa đàm văn học tại Trường THPT Số 2 An Nhơn (phường Đập Đá, TX An Nhơn) vào tháng 11.2022. Ảnh: T.LỢI |