Công nghiệp chế biến, chế tạo (CNCBCT) là ngành chủ lực trong sản xuất công nghiệp của tỉnh, chiếm tới khoảng 97% giá trị sản xuất và 90% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Với tỷ trọng lớn, CNCBCT trở thành ngành trụ cột trong phát triển công nghiệp của tỉnh. Việc phát triển CNCBCT được tỉnh xem là nhiệm vụ quan trọng để phát triển công nghiệp chung của cả tỉnh.
Sản xuất sản phẩm trang trí công nghệ thân thiện với môi trường của Công ty TNHH Công nghiệp INTCO Việt Nam tại Khu A, Khu Công nghiệp Bỉm Sơn.
Với quan điểm phát triển CNCBCT theo hướng mở rộng và đầu tư mới, bổ sung các ngành công nghiệp nặng đi đôi với mở rộng, hiện đại hóa, tăng hiệu quả các ngành công nghiệp nhẹ. Từng bước tăng tỷ trọng các ngành sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu và xuất khẩu. Đồng thời, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp kim loại, cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, điện tử – công nghệ thông tin có hàm lượng khoa học – công nghệ cao, tỉnh Thanh Hóa định hướng phát triển CNCBCT tập trung vào 7 nhóm ngành, gồm: cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại, hóa chất, cao su, nhựa; sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm và đồ uống; dệt may, da giày, chế biến lâm sản và chế biến chế tạo khác. Đồng thời, đặt ra mục tiêu phát triển CNCBCT cho giai đoạn 2021-2025 tăng 16,4%/năm. Với mục tiêu đó, đến năm 2025, CNCBCT được dự báo sẽ chiếm 88,7% giá trị gia tăng công nghiệp của cả tỉnh.
Để hiện thực hóa định hướng, mục tiêu phát triển CNCBCT, thời gian qua, các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh cùng chính quyền các địa phương tập trung thu hút đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn, để thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư. Cùng với đó, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, nhất là đối với các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương còn quan tâm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật và chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và nhóm giải pháp về môi trường.
Với việc quan tâm, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, nhóm giải pháp phát triển, CNCBCT của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong năm qua, đã có thêm nhiều dự án CNCBCT đi vào hoạt động, như Dự án sản xuất sản phẩm trang trí công nghệ thân thiện với môi trường do Công ty TNHH Công nghiệp INTCO Việt Nam được khởi công xây dựng vào tháng 4-2021 tại Khu A, Khu Công nghiệp Bỉm Sơn, với tổng vốn đầu tư gần 580 tỷ đồng, tương đương 25 triệu USD, được xây dựng trên diện tích hơn 6 ha. Sau hơn 1 năm triển khai, tháng 11-2022, nhà máy bắt đầu khởi chạy dây chuyền sản xuất các loại khung tranh nghệ thuật, khung ảnh, khung tranh trang trí, khung gương. Dự kiến, nhà máy sẽ sử dụng khoảng 600 lao động khi vận hành thương mại đồng bộ. Ngoài ra, còn nhiều dự án trên tất cả mọi nhóm ngành thuộc CNCBCT đi vào hoạt động trong năm qua, như Nhà máy Giày Adiana, Nhà máy May S&D…, Nhà máy Xi măng Đại Dương.
Năm 2022, chỉ số sản xuất CNCBCT tăng 15,71%, tương đương với chỉ số sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh. Nhiều sản phẩm CNCBCT có sản lượng lớn, tăng trưởng cao và được xuất khẩu đi nhiều nước. Điển hình, như dầu thực vật 189.900 tấn, tăng 0,2%; tinh bột sắn 46.700 tấn, tăng 2,9%; bia các loại 47,3 triệu lít, tăng 18,6%; thuốc lá 235,3 triệu bao, tăng 4,4%; quần áo các loại 497,3 triệu cái, tăng 27,4%; giày, dép thể thao xuất khẩu 196,5 triệu đôi, tăng 22,8%… CNCBCT được đánh giá đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.
Để CNCBCT phát triển xứng tầm với vai trò là trụ cột trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh ta sẽ tập trung ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có giá trị và năng suất cao, trong đó trọng tâm là sản phẩm lọc hóa dầu, khí hóa lỏng, nhựa, hóa chất, điện tử viễn thông, dược phẩm, thiết bị y tế… Cùng với đó, tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương phát triển CNCBCT theo hướng kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng phát triển theo chiều sâu. Đồng thời, có cơ chế, chính sách đột phá để thu hút và mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp nặng, trong đó trọng tâm là phát triển CNCBCT, tạo dựng mối liên kết giữa vùng nguyên liệu chế biến với cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, phát triển hợp lý các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động để giải quyết việc làm, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên thu hút một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao như thiết bị và linh kiện điện tử, vật liệu mới, tự động hóa… để tạo ra các động lực tăng trưởng mới.
Bài và ảnh: Hương Thơm
Nguồn Báo Thanh Hóa: https://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-cong-nghiep-che-bien-che-tao/179180.htm