Hôm qua, SVĐ Mỹ Đình nhiều lần mịt mù khói, sau những tia lửa lóe lên của pháo sáng.
Chuyện pháo sáng được đốt ở SVĐ Mỹ Đình chẳng mới chút nào. Nhưng tối qua, khi SVĐ lại có pháo sáng, lại gây một cảm xúc rất khác.
Trước trận đấu, VFF vô cùng nỗ lực truyền đi thông điệp, nếu NHM đốt pháo sáng, ĐT Việt Nam có thể sẽ phải đá trên sân trung lập ở 1 trận mà chúng ta được phép đá tại Mỹ Đình.
Trong khi đó, một bộ phận fan Việt rủ nhau đốt pháo sáng, để phản đối VFF vì chưa làm hài lòng họ ở khâu phân bố vé.
Với những diễn biến ấy, khi pháo sáng lóe lên tối qua, tự hỏi những người đốt pháo sáng có động cơ gì? Vui là chính mặc kệ án phạt có thể đến với đội tuyển? Đốt pháo vì “công lý” mang tên “vé”? hay đơn giản là họ thích biến mình thành một trò phá loại đầy lố bịch, bị người người chê bai, sỉ vả?
Pháo sáng chưa khi nào đi liền với an toàn và chưa khi nào giúp ích cho các cầu thủ thi đấu trên sân. Đã từng có CĐV thiệt mạng vì pháo sáng, đã từng có trận đấu bị hủy bỏ vì khói mù từ pháo sáng lan xuống sân cỏ.
Vòng bảng AFF Cup 2018: Việt Nam 2-0 Malaysia (nguồn: Next Media)
Nếu VFF bị phạt tiền, ĐTQG chưa ảnh hưởng nhiều. Nhưng nếu chúng ta bị bắt đá trên sân trung lập, rõ ràng ĐTQG sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Bao năm qua, người ta đổ lỗi cho VFF điều hành kém, dẫn tới bóng đá nước nhà khan hiếm hành tích. Năm 2018, Việt Nam có rất nhiều thành tích và đang hướng về chức vô địch AFF Cup lần thứ 2 song chính một số CĐV quá khích lại làm ảnh hưởng đến đội tuyển.
Chẳng có lý do nào bào chữa cho những hành vi lố bịch mang tên pháo sáng cả. Nếu VFF có lỗi, lỗi của họ ở đây là đã không phòng mà chỉ tìm cách làm sao dập thật nhanh pháo sáng.
Ở Việt Nam, ít khi thấy có án phạt cấm đến xem vĩnh viễn cho một vài CĐV cá biệt, giờ có lẽ là lúc nên đưa ra các án phạt ấy, cho những cá nhân thích mang pháo sáng vào sân đốt.