Pháo sáng là thảm họa, nhưng còn thứ “pháo” khác khiến thầy trò ông Park phải lo hơn nhiều

Pháo sáng là thảm họa, nhưng còn thứ "pháo" khác khiến thầy trò ông Park phải lo hơn nhiều

Chẳng gì có thể biện hộ nổi cho cho hành vi bắn pháo sáng đầy man rợ trên sân Hàng Đẫy. Nhưng đấy đâu phải là sự man rợ duy nhất của những người nhân danh tình yêu bóng đá.

1. Niềm vui khi thầy trò HLV Park Hang-seo cầm chân thành công đội tuyển Thái Lan nơi đất khách vẫn còn váng vất dư âm, thì bóng đá Việt Nam “lĩnh đòn đau” khi cổ động viên Nam Định – những người từng để lại ấn tượng cực kỳ đẹp với một Thiên Trường “đông như trẩy hội” trong ngày tiếp đón HAGL, nay dùng pháo sáng bắn đổ máu khán giả trên sân Hàng Đẫy.

Ngày 28/10/1979, Vincenzo Paparelli – cổ động viên 33 tuổi của Lazio bị bắn chết ngay trên khán đài sân Olimpico bởi một quả pháo sáng tương tự như thứ cổ động viên Nam Định đã dùng tối qua, xuất phát từ khán đài của đội bóng đối thủ – AS Roma.

Đó là một trong số những thảm họa chết người của bóng đá Italia – vốn nổi tiếng với sự quá khích. Nhưng đây có lẽ là cái chết đau đớn nhất, không chỉ vì nó xảy ra ngay trên khán đài, mà còn theo đúng nghĩa đen, khi nạn nhân bị bỏng bởi thứ nhiệt độ lên trên một nghìn độ C của pháo sáng.

Pháo sáng là thảm họa, nhưng còn thứ pháo khác khiến thầy trò ông Park phải lo hơn nhiều - Ảnh 1.

Dù cho bắn pháo sáng vào giữa khán đài đông người như cách mà một số ít những kẻ quá khích mang danh cổ động viên Nam Định làm tối qua là cực kỳ man rợ, nhưng chắc hẳn người tự tay châm ngòi cho phát pháo sáng ấy không bao giờ có ý định giết người, hoặc làm người khác phải đổ máu và phải mang thương tật suốt đời.

Rất có thể với với họ, đấy chỉ là một trò vui trong cơn nổi máu yêng hùng, để chứng minh tình yêu với đội bóng của mình, hoặc để “dằn mặt” đối phương.

Dĩ nhiên, sự dại dột hay quá khích nào cũng phải trả giá. Có thể nó sẽ là một cái giá rất đắt khi tước đi nhiều thứ, trong đó có cả tự do của người đã gây ra tấn thảm kịch khiến không chỉ bóng đá Việt Nam, mà dư luận quốc tế còn phải bàng hoàng, nhưng điều đó là cần thiết để bóng đá được sạch đẹp hơn, văn minh hơn, bớt đi sự man rợ mông muội.

Khoảnh khắc pháo sáng bay như tên lửa vào đám đông khán giả gây thương tích. (nguồn: On Sport).

2. Trận đấu vừa qua trước Thái Lan trên sân Thammasat, thủ thành Đặng Văn Lâm là một trong những cầu thủ “sáng nhất” của đội tuyển Việt Nam khi ngăn cản thành công tình huống cực kỳ nguy hiểm vào những giây cuối trận của Supachok. Nếu pha bóng ấy được cầu thủ vừa ghi 2 bàn vào lưới Indonesia ít ngày trước chuyển hóa thành bàn thắng, ắt hẳn thầy trò HLV Park Hang-seo đã phải nhận một trận thua. Và đi kèm với nó chắc chắn là một màn “pháo sáng” từ bàn phím.

Ai sẽ là nạn nhân cho những “quả pháo sáng” được bắn ra từ bàn phím ấy? Chắc hẳn sẽ là Văn Thanh – hậu vệ đã xoài người phá trượt quả chuyền, để bóng đến chân Supachok trong tư thế đối mặt với Văn Lâm. Những lời miệt thị, những ngôi từ quá khích được dành cho các tuyển thủ Việt Nam sau những lỗi lầm trên sân cỏ, đâu chỉ bây giờ mới có.

Sau SEA Games 2017, vô vàn những lời miệt thị, những ngôn từ chẳng hề chứa đựng chút văn minh nào đã từng đổ ập xuống đầu thầy trò HLV Hữu Thắng sau thất bại thảm hại trước Thái Lan, khiến chính bản thân nhà cầm quân xứ Nghệ này, thủ thành Phí Minh Long, rồi Hồ Tuấn Tài… phải buồn lòng.

Pháo sáng là thảm họa, nhưng còn thứ pháo khác khiến thầy trò ông Park phải lo hơn nhiều - Ảnh 3.

Thậm chí ngay tại VFF, những người có vai vế của bóng đá Việt Nam còn ra mặt phản đối quyết định triệu tập Phí Minh Long vào đội tuyển quốc gia của HLV Mai Đức Chung, dù cho ông có giải thích rằng đấy chỉ là lầm lỗi nhất thời, và ông muốn triệu tập thủ môn này để giúp anh lấy lại thăng bằng sau muôn vàn lời chỉ trích từ cộng đồng mạng xã hội.

Những lời chỉ trích nhằm vào Hữu Thắng, Phí Minh Long, Hồ Tuấn Tài còn có thể giải thích được, nhưng những lời mạt sát hướng vào Quang Hải – cầu thủ xuất sắc nhất trong những kỳ tích mà HLV Park Hang-seo đoạt được cùng bóng đá Việt Nam thì cực kỳ vô lý và tàn nhẫn, chỉ vì tiền vệ người Đông Anh này sút trượt quả luân lưu trong trận tranh hạng 3 Asiad 2018.

Trước mắt thầy trò HLV Park Hang-seo đang là những giải đấu cực kỳ khó khăn, với những cuộc đối đầu với Thái Lan, UAE – những đối thủ cực kỳ đáng ngại, cũng như Malaysia – đội bóng đang chơi rất thăng hoa. Bên cạnh đấy là SEA Games 2019, giải đấu mà U22 Việt Nam chỉ có thể vô địch, và ngôi Á quân đã là thất bại. Đi kèm với nó là những màn “pháo sáng từ bàn phím” đang chực chờ.

Pháo sáng là thảm họa, nhưng còn thứ pháo khác khiến thầy trò ông Park phải lo hơn nhiều - Ảnh 4.

Thậm chí nếu vượt qua được Thái Lan hay UAE để bước vào được đến vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, nguy cơ ấy càng trở nên hiển hiện, bởi 3 năm về trước, dẫu đang cực mạnh dưới sự dẫn dắt của HLV Kiatisak, thì đội tuyển Thái Lan cũng vẫn thất bại thảm thương tại đây, sau 2 trận hòa và 8 trận thua.

Chắc chắn người gây ra thảm họa trên sân Hàng Đẫy tối qua sẽ phải trả giá. Và sau thảm họa này, chắc chắn lực lượng an ninh sẽ kiểm soát tốt hơn việc đem pháo sáng vào sân, để những hành vi man rợ ấy không còn cơ hội phát tác. Nhưng những lời miệt thị trên mạng xã hội nhắm vào các tuyển thủ, những người đang là người hùng của bóng đá Việt Nam – chỉ vì những lỗi lầm bột phát, chắc hẳn vẫn sẽ tiếp tục tái diễn.

Trong thời đại 4.0, trong một thế giới phẳng, những hành vi man rợ ấy là cực kỳ khó, thậm chí là không thể ngăn chặn. Chỉ có một cộng đồng cổ động viên văn minh, hiểu biết và giàu tính nhân văn mới có thể chung tay xua đuổi những hành vi man rợ ấy thành công. Chỉ có điều, chắc hẳn chưa phải là lúc này, chưa phải với người hâm mộ bóng đá Việt Nam.