Không ai phủ nhận chất lượng của các sản phẩm Apple nhưng chính những chiêu trò marketing trong bóng tối mới là thứ góp phần đưa gã khổng lồ này đến được vị thế của ngày hôm nay.
Đến thời điểm hiện tại, cộng đồng mạng vẫn tiếp tục bàn tán về chiếc chân đế giá 1.000 USD của Apple. Tuy nhiên, ít người nhận ra rằng bên cạnh những lời chê bai, chế giễu họ cũng đồng thời đang thay nhà sản xuất quảng cáo chiếc màn hình 6K 32 inch Pro Display XDR có giá đến 5.000 USD được bán kèm chiếc chân đế kì lạ kia.
Đây như thường lệ, lại là một chiêu trò tiếp thị thông minh nhưng khéo léo của Apple, để quảng bá một chiếc màn hình cao cấp trong thời đại smartphone tràn ngập khắp mọi nơi. Nhờ vào cái chân đế đắt đến mức ngớ ngẩn như Pro Stand, thông tin về chiếc màn hình 6K này cũng vì thế mà được lan truyền khắp nơi và in sâu vào trong tâm trí mọi người – một cách hoàn toàn miễn phí.
Không chỉ vậy, mức giá 1.000 USD của chiếc chân đế còn đánh lạc hướng sự chú ý của người dùng về việc giá của chiếc màn hình cũng đắt đỏ không kém, vượt xa các sản phẩm có chất lượng tương ứng khác trên thị trường. Khi một chiếc chân đế đã có giá cao như vậy, ai cũng sẽ dễ dàng chấp nhận con số 5.000 USD của chiếc màn hình đi kèm.
Nếu nhìn lại quá khứ, dường như mỗi năm hay thậm chí là mỗi sự kiện công bố sản phẩm mới, Apple lại “dắt mũi” cộng đồng theo đúng hướng mà họ muốn, quan tâm và bàn tán đúng điều mà họ cần.
Ví dụ ngay từ khi ra mắt dòng điện thoại iPhone, Apple cũng khởi động trào lưu xếp hàng trắng đêm để “đặt gạch” mua sản phẩm mới. Những hình ảnh về hàng người chịu cảnh màn trời chiếu đất trước các Apple Store, với niềm sung sướng và hân hoan vào buổi sáng hôm sau khi có trong tay những sản phẩm đầu tiên, đã đánh sâu vào tâm trí mọi người. Nó biến việc mua iPhone trở thành việc gì đó quan trọng, mang tính thần thánh hóa và có cảm giác như một phần của thứ tôn giáo vô hình nào đó. Ai mà biết rằng những dòng người đầu tiên xếp hàng kia có phải do Apple sắp xếp hay không.
Công ty này cũng là hãng điện thoại đem tới nỗi ám ảnh về các sản phẩm mỏng và nhẹ hơn tới mức cực đoan. Bằng thủ thuật tinh vi về ánh sáng khi trình chiếu, iPhone 6 có độ dày chỉ mỏng hơn 9% so với phiên bản iPhone 5S khi lên hình lại mang tới cảm giác mỏng hơn 20-30%. Chiêu trò được sử dụng ở đây là do iPhone 5S có cạnh vuông trong khi iPhone 6 và 6 Plus có viền cong. Sự thay đổi về ánh sáng tạo ấn tượng rằng hai chiếc iPhone mới mỏng hơn thế hệ cũ rất nhiều. Ngoài ra, nhà sản xuất còn chấp nhận hi sinh để phần camera lồi lên, càng tạo thêm cảm giác mỏng nhẹ cho sản phẩm mới.
Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà Apple lựa chọn dung lượng bộ nhớ cho những chiếc điện thoại của mình là 16/64/128 GB và loại bỏ dung lượng 32 GB từ khi ra mắt phiên bản Iphone SE. Trong kinh doanh, đây gọi là khái niệm “định giá nhử mồi”. Bằng cách này, phiên bản 64 GB trở thành lựa chọn béo bở nhất trong mắt người tiêu dùng khi so sánh với bộ nhớ 16 GB hạn hẹp, trong khi chỉ phải chi thêm ra 100 USD.
Một chiêu trò khác cũng được công ty Mỹ này liên tục áp dụng trong nhiều năm qua là không ngớt đưa ra các thông tin “cháy hàng”, khan hiếm sản phẩm trước thời điểm ra mắt iPhone mới. Điều này khiến cho người dùng càng thêm lo lắng và vội vã đặt hàng sớm để không bị tuột mất cơ hội trở thành các chủ sở hữu đầu tiên. Tuy nhiên, trong dịp ra mắt iPhone 7/7 Plus, chiêu trò này đã bị hé lộ. Chỉ vài tháng sau khi bộ đôi thiết bị này ra mắt, các thông tin bên lề cho biết Apple đã phải giảm đơn đặt hàng sản xuất iPhone do nhu cầu mua thấp. Điều này trái ngược hoàn toàn với các thông tin “rò rỉ” trước đó về việc khan hiếm sản phẩm ra sao, nhu cầu người mua lớn đến mức nào, được nhà sản xuất và báo giới đã đưa tin trước đó. Vậy mà màn kịch vụng về này vẫn được diễn qua diễn lại nhiều năm và mỗi dịp Thu sang, khi loạt iPhone mới chuẩn bị ra mắt, các suất diễn của nó lại cháy vé trên khắp các mặt báo công nghệ.
Sự màu mè trong các chiêu trò của Apple cũng được thể hiện qua việc tô màu cho iPhone. Những cái tên kiêu sa như vàng hồng, Jet Black… Dù phiên bản đen bóng của nó bị chỉ trích là bám vân tay, dễ xước nhưng qua tay Apple, nó lại trở thành màu hiếm nhất, thậm chí bị đẩy giá chợ đen cao hơn bình thường.
Apple cũng là ông trùm trong việc khiến những tính năng cũ trên smartphone trở thành cái gì đó khác biệt. Với iPhone 8, khả năng sạc không dây và hỗ trợ AR vốn từ lâu đã có trên các thiết bị khác vẫn được quảng cáo thành một tính năng độc đáo và tốt nhất thị trường.
Bên cạnh đó, nhiều tính năng iPhone khi ra mắt bị các chuyên gia đánh giá là chiêu trò như bỏ cổng Lightning, bảo mật vân tay, TouchID, USB Type C, trợ lý ảo, Live Photo, Nano Sim, bỏ giắc 3.5 mm… Những điều này sau đó trở thành xu hướng của smartphone, được lý giải rằng ban đầu có thể những tính năng này chưa thực sự hữu dụng nhưng sau đó với sự tiến bộ của công nghệ, chúng đã được hoàn thiện hơn và có ích hơn.
Song hơn cả, theo nhiều chuyên gia truyền thông, chiêu marketing thông minh nhất của Apple là hãng luôn nhắc đến sản phẩm của mình như là con người chứ không phải vật thể. Từ thời Steve Jobs, khi nói về iPod, iPhone, iPad… ông thường nhân cách hóa sản phẩm khi nói “iPhone làm thế này” thay vì “chiếc iPhone có thể làm thế này”. Nó mang hàm ý sản phẩm của Apple là duy nhất và rất có giá trị, hiểu rõ người sử dụng chứ không phải chỉ là một vật vô tri vô giác.
Khi ra mắt iPhone X, nhà sản xuất này cũng không lý giải cái tên mà mặc cho mọi người đồn đoán là số 10, chữ X hay nên đọc nó như thế nào.
Apple trên thực tế vẫn luôn như vậy, khéo léo và kín đáo. Công ty xây dựng cho mình một hình tượng trong sạch, hết long vì người tiêu dùng nhưng ẩn sâu trong đó là tầng tầng lớp lớp các mánh khóe để rút tiền từ túi khách hàng trong khi vẫn bắt họ phải mỉm cười thỏa mãn. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà hình mẫu Apple luôn được nhắc tới trong các bài giảng Marketing ở khắp mọi nơi, bởi công ty Mỹ đã vận dụng chúng một cách nhuần nhuyễn và bài bản.
Do đó, để trở thành một khách hàng thông thái, người dùng nên suy nghĩ và cân nhắc cẩn thận trước mọi thông tin quảng cáo hay tuyên truyền mà ông trùm marketing này đưa ra, mọi lúc mọi nơi.