Sáng nay tại Gateway, nhiều người lặng lẽ đặt những bông cúc/hồng trắng bên hàng cây trước cổng trường. Giữa màu xanh ngát đó, những “ngọn nến” trắng nhỏ bé được dành tặng cậu học sinh đáng nhẽ sẽ được lớn lên khoẻ mạnh trong sự yêu thương.
Người dân đặt bông cúc trắng tưởng nhớ em bé 6 tuổi
3 ngày sau khi bé L.H.L (6 tuổi) – học sinh lớp 1 trường Gateway qua đời đầy thương tâm, rất nhiều sự thương xót, san sẻ nỗi đau được gửi đến gia đình em. Trong tâm trí của nhiều người thân, L. là một em bé đáng yêu, hồn nhiên và kháu khỉnh. Em chỉ mới đi học ngày thứ 2, rồi vội vã rời đi khi chưa biết được một lễ khai giảng, xung quanh ngập tràn tiếng cười và sự háo hức là như thế nào.
Tại ngôi trường Gateway, nhiều sai phạm đã được chỉ ra, sự hời hợt trong khâu quản lý học sinh hay sự liên kết không chặt chẽ giữa phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm. Nhưng, tạm quên những ồn ào đó, nhiều người vẫn dành tình yêu và thương xót hơn cả cho sự ra đi của 1 sinh linh bé bỏng.
Sáng nay, tại ngôi trường này, nhiều người đã nhẹ nhàng đặt những bông cúc trắng và hồng trắng bên hàng cây trước cổng trường. Giữa màu xanh ngát, có những “ngọn nến” trắng nhỏ bé dành tặng cậu học sinh đáng nhẽ ra sẽ được lớn lên khoẻ mạnh trong sự yêu thương.
Từ sáng sớm, rất nhiều người lặng lẽ đặt hoa, nến và di ảnh em bé lớp 6 trước cổng trường. Ảnh: FB Phan Ngoc Minh
Một cậu bé kháu khỉnh chỉ vừa mới bắt đầu cuộc đời của mình. Ảnh: FB Phan Ngoc Minh.
“Xin hãy yêu thương.
Những rủi ro trong cuộc sống, vẫn từ đâu đó bất thình lình xảy ra. Người mất thì cũng đã mất. Cái còn lại là thái độ và hành động của người còn sống.
Việc đặt hoa, nến tưởng niệm là rất phổ biến, đầy nhân văn tại các nước văn minh. Người Việt có vẻ như chưa quen với điều rất bình thường này… Sáng nay, một nhóm những người mẹ, người bà, người cha đã xếp những ngọn nến trắng thành hình trái tim, cùng hoa trắng và tấm lòng yêu thương, xót xa đến cổng trường Gateway cầu nguyện cho cháu bé vừa đi xa…
Một ước vọng tha thiết nhất là mỗi đứa trẻ trên đất nước này luôn được sống, được lớn lên bình yên trong tình yêu thương của toàn xã hội” – chị Phan Ngọc Minh chia sẻ trên trang facebook cá nhân.
Trao đổi với chúng tôi, chị Phan Ngọc Minh bày tỏ sự thương xót trước câu chuyện thương tâm của em bé lớp 1 trường Gateway. “Quá phũ phàng khi nghe tin em bé 6 tuổi tử vong mới đi học ngày thứ 2, gần như là em mới chỉ bắt đầu cuộc đời, còn chưa kịp ngày khai giảng. Nó sẽ day dứt rất lâu trong tất cả mọi người. Hành động đặt hoa và nến trước cổng trường như một sự tưởng nhớ mà chúng tôi có thể làm cho em, thể hiện tình cảm một cách lặng lẽ, sâu từ trong trái tim. Chúng tôi hy vọng nó sẽ khơi gợi tình yêu thương của cộng đồng”.
Theo chị Minh, có nhiều lý do dẫn đến việc người lớn “bỏ quên” một em bé 6 tuổi trên xe bus, quan trọng nhất xuất phát từ phía nhà trường và gia đình đã không dạy kĩ năng sống cho các con. Một em bé 6 tuổi khác, nếu như ở nước ngoài, có thể đã biết cách thoát hiểm trong trường hợp đó, như dùng búa đập vỡ kính hay bấm còi. Đó là cách các xã hội văn minh có thể dạy lũ trẻ, ngay cả khi các em mới học mẫu giáo.
“Việt Nam đang thiếu những bài học thoát hiểm hay kĩ năng sống khi bị đe doạ, bị quấy rối tình dục. Cả nhà trường, xã hội và gia đình đều phải dạy cho các con” – chị Minh nhấn mạnh.
Quay trở lại với Gateway, nhìn nhận một cách khách quan, quy trình quản lý thiếu chặt chẽ giữa nhà trường – phụ huynh – học sinh là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết đau thương của bé L. Quy trình luôn luôn là do con người tạo ra, nhưng nó không phải là hiệu quả nhất, cần phải có sự thay đổi, điều chỉnh hợp lý. Nó đòi hỏi người thực thi, là tài xế, là cô monitor, là giáo viên chủ nhiệm đặt hết trách nhiệm trong đó.
“Cô GVCN khi không thấy cháu nên bỏ quy định phải báo cho Ban giám hiệu đi, cô hoàn toàn có thể liên hệ trực tiếp với gia đình, thì có thể câu chuyện đã không xảy ra. Ở nước ngoài, tài xế xe bus sẽ nhắc từng hành khách đừng quên đồ vật, chờ xe dừng hẳn mới xuống. Họ chắc chắn sẽ kiểm tra toàn bộ xe trước khi tắt máy và khoá cửa. “Thủ phạm” ở đây là cả một hệ thống.
Quan trọng hơn hết, chúng ta phải yêu thương nhau, rồi từ đó sẽ trách nhiệm hơn. Tài xế yêu thương công việc, yêu thương các em nhỏ, để trước khi bước xuống sẽ ngoái đầu lại kiểm tra. Cô monitor yêu thương công việc, để toàn tâm toàn ý chăm sóc cho các con. Chúng ta còn phải dạy lũ nhỏ biết yêu thương, để nếu như hôm nay có bạn vắng mặt, các con sẽ nhận ra” – chị Minh chia sẻ.
Anh Hiệp – một phụ huynh cũng là 1 người sáng lập 1 trường tư trên địa bàn chia sẻ, khi nghe tin, anh cảm thấy rất xót xa. “Khi nghe tin bé L. bị bỏ quên trên ô tô rồi tử vong sau đó, ai cũng bàng hoàng, xót xa” – anh Hiệp nói.
“Lớp 1 rất quan trọng với các con bởi sự bỡ ngỡ trước một môi trường mới. Đây cũng là ngưỡng cửa của cuộc đời. Hôm đó (6/8), nếu con không đến lớp, đáng lý ra cô giáo phải gọi điện thông báo cho gia đình. Các con còn bé, nên kể cả việc các con đi vệ sinh giáo viên cũng phải quan tâm”, anh Hiệp chia sẻ thêm.
Nhành hoa trắng để tưởng nhớ trước sự ra đi đầy thương tâm của bé L.
Theo anh Hiệp, trong trường hợp này, trách nhiệm và hệ thống quản lý trong nhà trường chưa được nâng cao. Phụ huynh khi đã có niềm tin gửi gắm con của mình, thì nhà trường cũng phải dùng tâm huyết để đền đáp niềm tin đó.
“Con cái là điều quý giá nhất mà ông trời ban cho. Phụ huynh đã tin tưởng giao con cái cho mình thì mình phải làm trọn niềm tin. Hôm nay tôi đến đặt bông hoa tưởng nhớ tới cháu L. vì muốn con thực sự được yên nghỉ”, anh nói.
Anh Hiệp lặng lẽ đặt bông hoa trắng trước cổng trường
Gateway mời chuyên gia hỗ trợ tâm lý sau khủng hoảng cho giáo viên và học sinh
Sau khi xảy ra sự việc thương tâm, trường Gateway đã mời Trung tâm Thông tin Hướng nghiệp, Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý (CRISP) thuộc Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tư vấn và hỗ trợ tâm lý cho toàn thể giáo viên và học sinh của trường.
Trường đã thành lập Nhóm hỗ trợ tâm lý sau khủng hoảng, lên kế hoạch khẩn cấp làm việc với các giáo viên và nhân viên nhà trường để hỗ trợ học sinh đương đầu với những cảm xúc của mình.
Cổng trường Gateway
“Đây là hành động quan trọng mà chúng tôi hy vọng nhà trường và gia đình sẽ phối hợp với nhau trong thời gian này vì lợi ích và tương lai của các con về cả mặt học thuật, xã hội, thể chất và cảm xúc.
Chúng tôi hy vọng phụ huynh sẽ tham khảo nếu anh chị lựa chọn tự chia sẻ thông tin đến các em học sinh. Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng những nội dung này nên được giáo viên của Gateway chia sẻ cho các em học sinh và bởi chúng tôi tin vào mối quan hệ đối tác giữa nhà trường – gia đình“, phía Gateway cho biết.
Trước đó, khoảng 6h ngày 6/8, ông Doãn Quý Phiến (SN 1966, HKTT: số 373 đường Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) là nhân viên lái xe hợp đồng với công ty TNHH vận tải Ngân Hà đưa đón học sinh của trường Tiểu học Quốc tế Gateway, điều khiển xe ô tô nhãn hiệu Ford Transit, BKS: 29B-069.56 từ bãi xe của ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Sau đó, xe đến đón bà Nguyễn Bích Quy (SN 1964, tổ 31, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) là nhân viên đưa đón học sinh của trường Gateway để đi đón các cháu học sinh đến trường. Xe ô tô ông Phiến điều khiển đón tổng cộng 13 học sinh, trong đó có đón cháu L.H.L.
Đến 7h25, ông Phiến điều khiển ô tô chở các cháu đến cổng phụ của trường và dừng xe. Sau đó, chị Quy có đưa các cháu học sinh xuống xe, rồi đóng cửa xe ô tô, ông Phiến điều khiển ô tô về bãi gửi xe.
Đến 15h30, bà Quy đưa các cháu học sinh ra cổng để lên xe ô tô. Khi mở cửa phát hiện cháu L. đang nằm ngửa dưới sàn phía sau ghế lái nên hô hoán mọi người bế cháu vào trong phòng y tế của trường, sau đó đưa đến viện E cấp cứu. Qua trao đổi với bác sĩ bệnh viện E Hà Nội được biết: Cháu L.H.L. vào viện trong tình trạng thân thể tím tái, đồng tử giãn, phản xạ ánh sáng không còn, mạch không, huyết áp không, đã tiến hành cấp cứu mạch tuần hoàn. Sau 30 phút không có kết quả đã thông báo cho gia đình cháu đã tử vong.
Ngày 7/8, Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy ra Quyết định khởi tố vụ án Vô ý làm chết người, theo điều 128-BLHS và triệu tập những người có liên quan để điều tra.