PGS.TS Trần Đắc Phu
“Người dân không nên quá hoang mang để không biết cách sử dụng khẩu trang. Chỉ dùng khẩu trang ở nơi nào có nguy cơ cao trong việc lây nhiễm”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lưu ý.
Chiều 31/1, tại cuộc họp báo do Bộ Y tế tổ chức, phóng viên đã đặt câu hỏi về việc nhiệt độ có ảnh hưởng như thế nào đến mức độ lây lan của virus coronaở cộng đồng?
Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, về việc này cần có nghiên cứu thêm nhưng người ta cho rằng, khi nhiệt độ lạnh thì virus gây viêm phổi sẽ sống tốt hơn.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quá quan tâm đến vấn đề này bởi không phải miền Nam nóng hơn mà không mắc bệnh. Việc lây truyền là lây truyền trong nhà, nhiệt độ không cao. Lây truyền như dịch hiện nay đã ra không khí, vào người khác rồi chứ không phải chờ người đến để nhiễm”, ông Phu nói.
Về việc có nên cho học sinh, sinh viên nghỉ học trong lúc này không? PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay, trong lúc này, việc cho nghỉ học là không cần thiết.
Ông giải thích, nếu có ca bệnh có thể xem xét cho nghỉ học từng lớp, từng trường còn chưa có ca bệnh lây lan ra cộng đồng thì chưa cần thiết.
Cũng tại cuộc họp chiều nay, phóng viên đã nêu về tình hình dịch viêm phổi cấp do virus corona có nguy cơ bùng phát mạnh, 2 ngày nay, mặt hàng khẩu trang y tế đang tăng giá, nhiều nơi tăng gấp 8-10 lần so với ngày thường.
Đơn cử, khẩu trang 4 lớp, giá ngày thường 50.000 – 55.000 đồng, nhưng hiện tại, nhà thuốc ở quận Ba Đình đã bán tới 450.000 đồng.
Trả lời về vấn đề đeo khẩu trang tại cuộc họp báo, PGS.TS Trần Đắc Phu nêu rõ, người dân không nên quá hoang mang, tìm mua khẩu trang y tế bằng mọi giá. Hiện tại, 5 ca dương tính tại Việt Nam là những ca xâm nhập, chưa ghi nhận ca lây lan trong cộng đồng.
Theo PGS Phu, đeo khẩu trang giúp phòng chống ô nhiễm môi trường, phòng bệnh hô hấp rất tốt và phòng nhiều bệnh khác như cúm.
“Nhưng chúng ta cần xác định ở mức độ nào, nguy cơ nào, lúc nào thì dùng khẩu trang.
Hiện dịch chưa lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng thì khi đến những chỗ nguy cơ cao như đi phương tiện công cộng, bệnh viện có thể dùng khẩu trang y tế thông thường, không nhất thiết dùng khẩu trang N95.
Thậm chí có thể dùng khẩu trang vải cũng cho tác dụng tương đương để chắn giọt bắn”, PGS Phu khuyến cáo.
PGS Phu nhấn mạnh, nguyên tắc dùng khẩu trang là dùng 1 lần với mọi loại chất liệu, vì vậy với khẩu trang vải cần giặt mới hoặc thay mới hàng ngày để tránh tay chạm phải các tác nhân gây bệnh bên ngoài rồi lại sờ lại mũi, mắt, miệng…
Với tình hình dịch hiện tại, Bộ Y tế khuyến cáo, chỉ người chăm sóc bệnh nhân, điều trị trực tiếp tiếp, đi vào ổ dịch mới dùng khẩu trang N95 kết hợp dùng quần áo bảo hộ lao động đặc biệt.
“Người dân không quá hoang mang để không biết cách sử dụng khẩu trang. Chỉ dùng khẩu trang ở nơi nào có nguy cơ cao trong việc lây nhiễm”, PGS Phu lưu ý.
Với người đi từ ổ dịch, người tiếp xúc với người đi từ vùng dịch về trong vòng 14 ngày, cần cách ly, đeo khẩu trang. Nếu không có khẩu trang thì khi ho, hắt hơi cũng cần lấy tay che miệng để nếu mắc bệnh thì giảm lây cho người khác.
Hoàng Đan, theo Trí Thức Trẻ