Ông Kim Jong Un tới thăm Nga. Ảnh: AFP
Giới phân tích phát hiện ra 5 điều bất thường trong chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Triều Tiên lần này.
Loạt hành động bất thường
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 24/4 cho biết, Chủ tịch Kim Jong Un đã rời Bình Nhưỡng di chuyển tới Nga trên chuyến tàu đặc biệt vào sáng sớm cùng ngày. Điện Kremlin trước đó cũng thông báo, ông Kim Jong Un và Tổng thống Putin sẽ tiến hành hội đàm vào ngày 25/4 tại Vladivostok, vùng Viễn Đông Nga.
Đây là lần đầu tiên ông Kim Jong Un tới thăm Nga kể từ khi lên nắm quyền trong 8 năm qua và cũng là kỳ thượng đỉnh đầu tiên giữa ông và Tổng thống Putin.
Đáng chú ý, giới phân tích phát hiện ra 5 điều bất thường trong chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Triều Tiên lần này.
Theo đó, vào năm 2018, Điện Kremlin đã 3 lần mời ông Kim Jong Un sang thăm Nga. Cụ thể, vào tháng 5/2018, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng đã chuyển thư của Tổng thống Nga tới Bình Nhưỡng, mời ông Kim Jong Un tới Nga.
Một tháng sau, khi gặp Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao Triều Tiên bấy giờ là ông Kim Yong Nam tại Moscow, Tổng thống Putin lại lần nữa gửi lời mời tới ông Kim Jong Un.
Tới ngày 15/8 cùng năm, trong bức điện gửi tới Bình Nhưỡng, Tổng thống Putin cho biết, ông đã sẵn sàng cho cuộc gặp mặt với ông Kim Jong Un trong thời gian gần nhất. Và đến thời điểm hiện tại, thượng đỉnh Nga Triều chính thức được tổ chức.
Trước đây, ông Kim Jong Un đã từng ba lần hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, bốn lần sang thăm Trung Quốc, hai lần gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong đó, truyền thông Triều Tiên hoặc chỉ đưa tin sau khi hội nghị đã kết thúc hoặc đưa tin song song với hội nghị nhưng trong chuyến thăm Nga lần này, Bình Nhưỡng lại đặc biệt đưa thông báo trước.
Ngoài ra, trong chuyến thăm Nga lần đầu tiên, ông Kim Jong Un lại không tới Moscow mà tới vùng Viễn Đông, điều này cũng rất đáng chú ý. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kim Jong Un sau thượng đỉnh Mỹ Triều lần hai ở Hà Nội.
Ông Kim Jong Un tới thăm Nga. Ảnh: AFP
Một số ý kiến cho hay, ông Kim Jong Un đã không ghé qua Bắc Kinh trên đường trở về từ Hà Nội, cũng không thăm Trung Quốc một thời gian sau hội nghị, thay vào đó ông chọn Nga. Điều này càng khiến dư luận bất ngờ.
Trước đó, truyền thông Hàn Quốc từng đưa tin, Trung Quốc đã mời ông Kim Jong Un tham dự Hội nghị thượng đỉnh Vành đai và con đường nhưng tình hình thực tế cho thấy, nhà lãnh đạo Triều Tiên dường như sẽ không tham gia diễn đàn này.
“Nếu Trung Quốc thực sự đã mời nhưng ông Kim Jong Un không tham gia Hội nghị thượng đỉnh Vành đai và con đường, đồng nghĩa rằng ông đã từ chối Bắc Kinh. Ông không những không tham gia mà còn đi gặp ông Putin – trước khi Tổng thống Nga tới Bắc Kinh tham dự hội nghị quốc tế tại Bắc Kinh. Vậy mục đích ông Kim Jong Un tới Nga để làm gì? Loạt hành động bất thường này truyền đi thông điệp gì?”, báo tiếng Hoa Đa chiều đặt nghi vấn.
Chọn vùng Viễn Đông
Thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Nga nhưng ông Kim Jong-un đã không tới Moscow mà chọn gặp Tổng thống Putin ở Viễn Đông. Điều này không giống với cách làm trước đây của hai nhà lãnh đạo Kim Il Sung và Kim Jong Il.
Theo giới quan sát, trong quá khứ, khi hai cố lãnh đạo Triều Tiên tới thăm Nga, mối quan hệ Nga-Triều ở mức độ tương đối thân thiết nhưng trong sự đối xưng ba bên hiện nay giữa Trung Quốc, Nga và Triều Tiên thì tầm quan trọng giữa mối quan hệ Trung-Triều và Nga-Triều lại không cân bằng, sự hiện diện của Nga trên bán đảo Triều Tiên tương đối mờ nhạt.
Việc Triều Tiên và Nga chấp nhận chọn vùng Viễn Đông thay vì Moscow là một sự phản ánh của thực tế này và hai nước được cho sẽ tập trung vào hợp tác kinh tế ở Viễn Đông.
Trong những năm gần đây, Nga rất coi trọng sự phát triển của Viễn Đông. Nơi gặp gỡ giữa hai ông Kim Jong-un và Putin cũng là địa điểm tổ chức thường xuyên của Diễn đàn kinh tế phương Đông trong những năm gần đây. Việc đưa Triều Tiên vào bản đồ của sự phát triển vùng Viễn Đông rất quan trọng đối với Nga.
Đối với Triều Tiên, làm thế nào để thuyết phục Nga tiếp tục cung cấp dầu thô, cung cấp viện trợ trong bối cảnh các lệnh trừng phạt vẫn đang tồn tại là điều rất quan trọng. Các nguồn cung cấp vật liệu, dầu thô đều sẽ được vận chuyển qua Viễn Đông dù khi Bình Nhưỡng đã mở cửa hay trong cục diện cấm vận hiện tại.
Nhiệm vụ cốt lõi vẫn là tình hình bán đảo
Theo Đa chiều, cuộc gặp lần này có tính chất tương tự như thượng đỉnh liên Triều được tổ chức ở Bàn Môn Điếm khi ông Kim Jong Un có thể sẽ nhận được những chia sẻ từ kinh nghiệm ngoại giao phong phú của Tổng thống Nga.
Giới phân tích dự đoán rất có thể Triều Tiên đang gặp vấn đề khó khăn nào đó nên chưa thể thăm Trung Quốc hoặc không tiện khi trực tiếp đối thoại với Trung Quốc và Tổng thống Putin có thể hỗ trợ được điều này. Ông chủ Điện Kremlin dự kiến sẽ sang Trung Quốc sau thượng đỉnh Nga Triều.
Sự liên lạc hiệu quả giữa ba bên Trung Quốc, Nga và Triều Tiên được cho là chìa khóa để phá giải tình hình bán đảo trong tương lai.
Ngoài ra, về lý do ông Kim Jong Un có thể không xuất hiện tại Hội nghị thượng đỉnh Vành đai và con đường, có ý kiến cho rằng, đây là cuộc gặp đa phương với khuôn khổ quá lớn trong khi ông Kim Jong Un luôn đề cao hình thức xuất hiện trên trường quốc tế nên trong thời điểm này, ông có thể không chọn đến Bắc Kinh.