Giữa khó khăn chồng chất, Triều Tiên lần đầu đi nước cờ này nhằm phục hồi kinh tế

Kể từ sau khi lên nhậm chức, ông Kim Jong Un đã bắt đầu quản lý kinh tế bằng chính sách mới. Ảnh: KCNA

Triều Tiên được cho sẽ thực hiện nhiều chính sách cải cách nhằm chuyển mình trước những khó khăn về kinh tế.

Theo báo cáo Xu hướng và tác động gần đây của cải cách kinh tế Triều Tiên được công bố bởi Viện chiến lược tương lai KDB (Hàn Quốc), Bình Nhưỡng gần đây tuyên bố nước này đã thực hiện chính sách tư nhân hóa với đối tượng chính là cư dân vùng Đặc khu kinh tế Rason.

Triều Tiên lần đầu tiên công nhận quyền sở hữu tư nhân đối với một ngôi nhà và đây là hình thức cấp quyền sở hữu cho cư dân cư trú dưới hình thức bán vĩnh viễn theo điều kiện thanh toán một lần hoặc trả góp 25 năm.

Chính sách tư nhân hóa nhà ở dự kiến sẽ được mở rộng đến các thành phố lớn thông qua việc bổ sung mặt pháp lý và thể chế thông qua các dự án thí điểm ở khu vực Rason.

Sau khi Chủ tịch Kim Jong Un nhậm chức, ông đã bắt đầu chế độ quản lý kinh tế bằng Phương pháp quản lý kinh tế riêng và chính sách tư nhân hóa nhà ở cũng là một giai đoạn trong chính sách cải cách kinh tế này.

Báo cáo đề cập đến việc bắt đầu từ chính sách tư nhân hóa nhà ở, Triều Tiên hướng tới phát triển nền kinh tế thị trường khác với quá khứ để khắc phục khủng khoảng tài chính do các lệnh trừng phạt gây ra.

Kim Cheol-hee, nghiên cứu viên tại Viện Chiến lược tương lai KDB, cho biết: “Chính phủ Triều Tiên đang cố gắng mở rộng nguồn thu thuế bằng cách thu hút nguồn vốn tư nhân và thuế tài sản thông qua việc bán nhà ở”.

“Để khắc phục các vấn đề kinh tế do lệnh trừng phạt vẫn còn tiếp diễn, Tôi nghĩ rằng ngoài chính sách tư nhân hóa nhà ở, sẽ có những cải cách bổ sung trong nhiều lĩnh vực khác nhau”, ông này nhấn mạnh.

Ngoài ra, nhiều phân tích cho rằng, sự thay đổi một phần thị trường của Triều Tiên như trên sẽ là một yếu tố tích cực với Hàn Quốc – nước đang thúc đẩy hợp tác với Triều Tiên.

Theo ông Kim Cheol-hee, “khi Triều Tiên xúc tiến các chính sách kinh tế phù hợp với thị trường thì sẽ có thể thiết lập cơ sở thị trường trong nước thông qua việc tích lũy vốn, điều này sẽ giúp các dự án trao đổi và hợp tác liên Triều trong tương lai trở nên suôn sẻ hơn”.

“Đặc biệt, khi nối lại Khu công nghiệp Gaeseong, có thể đa dạng hóa các kênh tiêu thụ của các công ty Hàn Quốc đang hy vọng vào khu công nghiệp này, cũng như thúc đẩy doanh số bán hàng trong nước của các sản phẩm do Khu công nghiệp Gaesong sản xuất”.