ĐBQH Dương Trung Quốc.
Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo, nhân dân Campuchia đều thừa nhận vai trò, đóng góp của lính tình nguyện Việt Nam, giúp giải phóng dân tộc họ khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.
Các nhà lãnh đạo, nhân dân Campuchia đều thừa nhận vai trò, đóng góp của Việt Nam
Chia sẻ với PV bên hành lang Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc (Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) cho biết, cách đây 40 năm, khi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, giúp đỡ Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot diễn ra ra, Việt Nam chịu sức ép rất lớn, thậm chí bị nhiều nước ngờ vực, quay lưng.
“Nhưng thời gian và vụ án xét xử lãnh đạo Khmer Đỏ đã chứng thực cho tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu này và trả lời câu hỏi: Ai tiêu diệt chế độ diệt chủng Pol Pot mà cả thế giới lên án?
Sự thật là không chỉ các nhà lãnh đạo mà cả nhân dân Campuchia đều thừa nhận vai trò, đóng góp của những người lính tình nguyện Việt Nam, đã giúp giải phóng dân tộc họ khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.
Thực tế, suốt thời gian qua, Campuchia luôn ứng xử với Việt Nam như một ân nhân”, ông Quốc nói.
Ông nêu rõ, để giúp đỡ dân tộc Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, hàng vạn quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh, nằm lại trên đất bạn và hiện nay, công tác tìm kiếm, quy tập, đưa về nước an táng các liệt sỹ vẫn đang tiếp tục được.
Theo Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, thời gian tới, cùng với việc tuyên truyền trong nước, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối ngoại để bạn bè quốc tế thấy rõ được tính chính nghĩa của cuộc chiến này. Để thấy Việt Nam luôn hướng tới tương lai, coi trọng những điều đang diễn ra tốt đẹp.
Cùng chia sẻ về nội dung này, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Việt Nam cần phải khẳng định rõ, bản chất của cuộc chiến biên giới Tây Nam không phải do Việt Nam gây chiến mà chúng ta đã bị tấn công xâm lược, nên phải tự vệ, chiến đấu chống lại.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa.
Trước hoạ diệt chủng mà Khmer Đỏ tiến hành đối với nhân dân Campuchia, Việt Nam đã đưa hàng chục vạn quân tình nguyện sang chiến đấu, giúp hồi sinh cả dân tộc.
“Phải khẳng định rõ ràng, không có chuyện Việt Nam xâm lược Campuchia mà đây là cuộc chiến chính nghĩa, sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, làm nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Hàng vạn chiến sĩ của chúng ta đã anh dũng hy sinh ở nơi đây. Hiện chính quyền, nhân dân Campuchia luôn thể hiện lòng biết ơn với sự giúp đỡ của Việt Nam”, ông Nghĩa nêu rõ.
Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, giúp dân tộc Campuchia thoát hoạ diệt chủng
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), khi trao đổi với PV vào đầu năm 2019 cũng nhấn mạnh: Cuộc chiến biên giới Tây Nam là cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc, chống quân xâm lược Pol Pot.
PGS Nguyễn Mạnh Hà.
Ông Hà nhắc lại các sự kiện lịch sử, từ ngày 30/4/1977, quân Pol Pot đánh sang biên giới nước ta trên quy mô cấp sư đoàn, sau đó tiếp tục với quy mô lớn hơn, có lần địch dùng trên 10 sư đoàn.
Ông nhấn mạnh, sau cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, chống quân xâm lược, thể theo yêu cầu của Mặt trận dân tộc đoàn kết cứu nước và các lực lượng vũ trang Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam đã giúp nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ Pol Pot, giúp dân tộc này thoát khỏi họa diệt chủng.
“Chính vì thế cuộc chiến tranh của chúng ta là chính nghĩa, vừa bảo vệ an toàn khu vực biên giới Tây Nam, vừa giúp nhân dân, đất nước Campuchia hồi sinh”, PGS Hà nói.
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Lịch sử Đảng, nhấn mạnh chính người dân Campuchia nói bộ đội Việt Nam là “bộ đội nhà Phật”.
“Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng nói không có quân tình nguyện Việt Nam sang giúp có lẽ người dân Campuchia bị chế độ Pol Pot diệt chủng hết.
Thủ tướng Hun Sen cũng nói Việt Nam đã hy sinh quân tình nguyện ở Campuchia hàng vạn người, bị thương không biết bao nhiêu. Việt Nam đã phải trả một cái giá rất cao khi giúp đỡ Campuchia.
Vừa hy sinh tính mạng của dân, quân, vừa hy sinh tài sản, vừa hy sinh chính trị, ngoại giao. Hồi đó Việt Nam bị cấm vận từ bên ngoài do giải phóng giúp Campuchia, vì nhân dân, đất nước Campuchia chịu hy sinh và hơn 30 năm người ta mới công nhận. Đây là những vấn đề không thể nào quên được”, PGS Hà nêu rõ.
Nói thêm về tính chính nghĩa của cuộc chiến, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), cho biết tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Việt Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng được tổ chức dịp đầu năm 2019, các nhà lãnh đạo Campuchia nhấn mạnh: Đất nước và người dân Campuchia luôn ghi nhớ công ơn to lớn không thể nào quên của đất nước, nhân dân Việt Nam, đã có những hy sinh to lớn để giải phóng, cứu tổ quốc, dân tộc thoát khỏi thảm họa diệt chủng tàn bạo, góp phần vào tiến trình tìm kiếm hòa bình cho đất nước này…