Ngay những tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chủ động, linh hoạt trong điều hành, sử dụng tối đa công cụ, dư địa của chính sách tiền tệ để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thúc đẩy, phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong 4 tháng đầu năm, NHNN triển khai đồng bộ nhiều chính sách tiền tệ. Ngoài chính sách giãn, hoãn nợ, kéo dài thời hạn trả nợ cho các doanh nghiệp khó khăn đến kỳ hạn chưa trả nợ được (kể cả lãi và gốc), vừa qua NHNN tiếp tục điều chỉnh giảm 0,5% các mức lãi suất. Đây là lần thứ 2 liên tiếp NHNN điều chỉnh hạ trần các mức lãi suất. Lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung-cầu vốn thị trường. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm. Trước đó vào đầu tháng 3, NHNN cũng điều hành giảm từ 0,2-0,5% trần các mức lãi suất.
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam và NHNN Chi nhánh tỉnh, các ngân hàng, TCTD trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các quy định về lãi suất của NHNN Việt Nam, không huy động lãi suất quá cao, tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa giảm lãi suất cho vay. Nhiều ngân hàng thương mại công bố các chương trình giảm lãi suất hoặc các gói tín dụng ưu đãi với mức lãi suất thấp hơn khoảng 1 – 3%/năm. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn có xu hướng giảm so với cuối năm 2022. Cụ thể, lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 5 – 5,5%/năm đối với ngắn hạn; 8 – 9%/năm đối với trung, dài hạn. Lãi suất cho vay bình quân đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường từ 8,7 – 9,2%/năm đối với ngắn hạn; 10,8 – 11,2%/năm đối với trung và dài hạn.
Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh thẩm định dự án, hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn vay ưu đãi.
Tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, Vietcombank chính thức triển khai “Chính sách giảm lãi suất cho vay hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế” với mức giảm 0,5%/năm lãi suất cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, thời gian áp dụng trong 3 tháng từ ngày 1-5 đến hết 31-7-2023. Hiện quy mô tín dụng của Vietcombank trên địa bàn tỉnh đang có dư nợ khoảng 19.900 tỷ đồng, trong đó dư nợ của Vietcombank Chi nhánh Bắc Ninh 12.900 tỷ đồng, Vietcombank Kinh Bắc 7.000 tỷ đồng. Cùng với cả hệ thống, Chi nhánh Vietcombank Bắc Ninh và Vietcombank Kinh Bắc tích cực hỗ trợ khách hàng theo đúng chủ trương của Hội sở chính và NHNN Việt Nam.
Khẳng định vai trò chủ lực trong lĩnh vực đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tháng 3-2023, Agribank chi nhánh tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm lãi suất cho vay thông thường với mức 1%/năm. Đơn vị rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt, giải ngân đối với khách hàng; hỗ trợ khách hàng trong quá trình thực hiện hoàn thiện hồ sơ, đặc biệt hồ sơ công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm; nhất là chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022 của Chính phủ. Từ ngày 15-3-2023 đến hết ngày 30-6-2023, chi nhánh triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp với quy mô lên đến 100 nghìn tỷ đồng và 500 triệu USD. Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh hiệu quả, có nhu cầu vay ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động nhằm triển khai các phương án sản xuất kinh doanh hoặc doanh nghiệp cần vay vốn hỗ trợ hoạt động xuất khẩu. Mức lãi suất ưu đãi thấp hơn 2%/năm với khoản vay giải ngân bằng VND và 1%/năm với khoản vay bằng USD so với mức lãi suất hiện hành, tùy theo từng kỳ hạn cho vay, hồ sơ cụ thể của doanh nghiệp đề nghị vay vốn.
Để tiếp tục hỗ trợ vốn cho thị trường, khơi thông vốn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, NHNN tỉnh tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và giám sát các TCTD trên địa bàn thực hiện các giải pháp về tiền tệ; có chính sách hỗ trợ lãi suất ưu tiên đối với từng đối tượng cụ thể, thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư… theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong phiên họp Thường kỳ đầu tháng 5.