“Ung thư không còn đáng sợ nữa, mà thứ đáng sợ nhất chính là việc bản thân mình coi nó là dấu chấm hết. Ung thư dạy em trân trọng cuộc đời, vì em hiểu, cuộc đời này là hữu hạn. Thà sống trọn vẹn một ngày, một phút, một giây, thì dù ngày mai có phải ra đi, em cũng cảm thấy mãn nguyện”.
Hôm đấy là thứ 3, cô gái trẻ có lịch truyền hoá chất tại Bệnh viện K, cơ sở Quán Sứ. Mái tóc ngắn ngang vai, bộ trang phục thể thao, đôi giày sneaker trắng,… Trông em thật năng động và tràn trề năng lượng. Nếu không biết chuyện, sẽ chẳng ai nghĩ với vẻ ngoài hoàn hảo đó, chỉ mới 19 tuổi, em đã mắc ung thư vú, giai đoạn 2.
Khi ấy, trên tầng 9 của một toà cao ốc, tôi xin em 2 tiếng đồng hồ quý giá. Em đến một mình, nở nụ cười rạng rỡ. Tôi đã nghĩ em ắt phải đến cùng mẹ.
Trước buổi trò chuyện, em có hỏi: “Em có nên cởi bộ tóc giả này ra không?”
Tôi gật đầu.
Thủy Tiên trước khi phát hiện mắc ung thư vú. Ảnh: NVCC
Em đã quyết định cắt tóc để chiến đấu với bệnh tật.
Ung thư – bước ngoặt trong cuộc đời
“Chào mọi người. Em tên là Đặng Trần Thuỷ Tiên, 19 tuổi, sinh viên năm 2 Khoa tiếng Anh Thương mại, trường Đại học Ngoại Thương. Bên cạnh đó, em đã chiến đấu với ung thư vú đến nay đã hơn 4 tháng”.
Một lời mở đầu đầy đủ và rõ ràng, Tiên không giấu giếm chuyện mình là một bệnh nhân ung thư.
Với Tiên, chúng ta nên lắng nghe hành trình của em bắt đầu từ đâu? Có lẽ, là vào một ngày mùa hè nóng oi ả của tháng 6, khi em tình cờ phát hiện trên ngực xuất hiện một cục hạch cứng, di động. Tìm hiểu trên mạng, người ta bảo còn trẻ, ít khả năng ung thư vú, có thể chỉ là xơ.
Một tuần sau, có chút lo lắng, Tiên đến khám tại bệnh viện tuyến bảo hiểm. Sau khi siêu âm, bác sĩ cho biết đó là xơ, không phải u ác tính và chỉ định tiểu phẫu cắt u. Cục hạch to bằng đầu ngón tay cái, bác sĩ bảo nên gửi đi sinh thiết, 3 ngày sau sẽ có kết quả. Gia đình Tiên đồng ý.
3 ngày, rồi 10 ngày trôi qua… Đến ngày thứ 13, bác sĩ yêu cầu cả Tiên và bố mẹ cùng lên bệnh viện. Khi đó, trên tờ thông báo ghi rõ: Bệnh nhân Đặng Trần Thuỷ Tiên, ung thư vú, giai đoạn 2.
“Dù có một chút gợn trong lòng, nhưng em tự trấn an tinh thần, chắc là không sao đâu. Em vẫn nuôi hy vọng.
Ngay giây phút ấy, em sốc, như người bị phán án tử, biết trước cái chết. Cả bầu trời sụp đổ. Em phẫn uất và cảm thấy bất công, vì sao thần chết điền tên em vào danh sách dự bị sớm như thế. Rõ ràng là em còn rất trẻ. Nếu không phải ung thư, thì cuộc đời em thật bằng phẳng, và một tương lai rộng mở đang vẫy chào trước mắt.
Đó là một bước ngoặt trong cuộc đời, ngày em chính thức là bệnh nhân ung thư”.
Ba mẹ đã rất lo cho cô con gái bé nhỏ, nhất là mẹ. Mẹ là phái yếu, nên thành thử, mọi cảm xúc mẹ đều thể hiện ra bên ngoài. Tiên lặng ngắm những giọt nước mắt của mẹ, tự nhủ không thể mãi tuyệt vọng, phải đứng lên, xốc lại tinh thần và bắt đầu chiến đấu với ung thư. “Cứng đầu để đối diện với bệnh hiểm nghèo, như cá tính bướng bỉnh của mình”.
Trận chiến bắt đầu.
Hồ sơ bệnh án của Tiên được chuyển lên tuyến trên, tại Bệnh viện K, cơ sở Quán Sứ. Em bước lên bàn mổ và cắt nửa bên ngực trái. “Em – con gái mà – đã rất hoang mang”.
20 ngày sau, Tiên tiếp nhận những giọt hoá chất đầu tiên vào cơ thể. Đến bây giờ, sau hơn 4 tháng, tổng cộng em đã trải qua 10 đợt. Tiến trình này sẽ tiếp diễn trong vòng 1 năm, kết hợp xạ trị và theo dõi sức khoẻ định kì 3 tháng một lần, trong 4 năm tới.
Đợt đầu tiên khi thuốc ngấm vào người, Tiên rụng tóc, cơ thể mệt nhừ, nôn nao; móng tay, móng chân đen dần, da sạm, bạch cầu thấp, thiếu máu…
“Em biết, đúng là hoá chất đáng sợ thật, nhưng không đến mức vượt quá sức chịu đựng của bản thân. Điều quan trọng là em phải mạnh mẽ, yếu tố tâm lý ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình điều trị. Khi em bi quan nhất, chứng kiến những người bệnh cùng phòng – chỉ mới tuần trước thôi họ còn ở đó, lần lượt ra đi, em bất định, không biết cuộc chiến chống ung thư của mình sẽ đi về đâu. Thay vì buồn bã, em đã chọn cách cười thật tươi và tiếp tục hành trình này”.
Tiên từng nuôi một mái tóc dài, đẹp và nữ tính. Từ ngày biết mình mắc ung thư, em chủ động cắt tóc, như một cách “tuyên chiến” với bệnh tật.
“Cắt tóc thật tiếc, nhưng em hiểu rõ phản ứng phụ của truyền hoá chất sớm muộn cũng khiến mái tóc rơi rụng từng ngày. Em hy vọng mái đầu trọc lóc này là lời nhắc nhở bản thân, rằng mình đang chiến đấu từng ngày, từng phút với tử thần để tiếp tục được sống”.
“Còn tuổi nào cho em”
Tiên bảo lưu kết quả học tập để tập trung chữa bệnh. Thời điểm nhà trường mở đơn đăng ký cuộc thi “Duyên dáng Ngoại Thương”, Tiên tình cờ biết được và suy nghĩ nhiều về nó. Bố mẹ không ủng hộ, chỉ muốn con gái tập trung chữa bệnh. Họ nghĩ rằng, nếu tham gia, Tiên có thể bị phân tâm. Nhưng sau cùng, họ cho em quyền được lựa chọn.
“Em muốn được một lần sống hết mình, làm điều mình thích, trải nghiệm những thứ mới lạ, để bản thân không hối hận về sau, khi mà không dám sống hết mình và không thực hiện đam mê. Biết đâu ngày mai, em không còn có thể…”.
Kết quả vòng sơ khảo ngày 27/10 gọi Tiên vào top 40 của cuộc thi. Tối 28/10, Ban tổ chức công bố danh sách top 12 tham dự vòng chung kết, cái tên Đặng Trần Thuỷ Tiên một lần nữa toả sáng.
Thủy Tiên xuất sắc lọt vào top 12 cuộc thi “Duyên dáng Ngoại Thương”. Ảnh: Fanpage Duyên dáng Ngoại Thương.
Tiên đã mặc áo dài, hát khúc ca “Còn tuổi nào cho em”. Em không cần tóc giả, chỉ đội một chiếc mũ trắng, rồi ngân nga:
“Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay
Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời
Tay măng trôi trên vùng tóc dài
Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này
Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may…”
Tiên không cần biết có thể đi xa đến đâu, em chỉ quan tâm mình đã cố gắng như nào cho cuộc thi này. Đứng trên sân khấu ngày hôm đó, là Tiên – con người thật của em, không che đậy. Em là chính em, dù có thể khác biệt với mọi người, nhưng em tự tin được là chính mình.
“Lần đầu tiên xuất hiện trước hàng trăm người, em rất run, nhưng nhanh chóng lấy lại sự bình tĩnh, vì em biết có rất nhiều người theo dõi và ủng hộ. Em hy vọng hình ảnh này, tuy đôi chút trần trụi, nhưng có thể truyền cảm hứng cho nhiều người và tạo động lực cho các bệnh nhân ung thư”.
“Và nếu chỉ còn một ngày để sống…”
Cuộc sống êm đềm, Tiên sống trong sự bao bọc của bố mẹ. Một kế hoạch du học tươi sáng, đối với cô sinh viên Ngoại Thương, như lẽ hiển nhiên được vẽ ra ngay trước mắt. Tiên từng có tất cả, “nở hoa”, êm ả và bình lặng, theo đúng tên loài hoa mà mẹ yêu thích và đặt cho em. Em tự nhận bản thân sống vội, hời hợt với cuộc sống, như bất kể người trẻ nào hiện nay: thức khuya, ngủ không đủ giấc, lười tập thể dục, ăn những món không tốt, chủ quan với sức khoẻ,…
“Em từng nghĩ mình còn trẻ, lại còn khoẻ như… trâu, bệnh tật không thể ập đến bất ngờ. Cảm giác như em đang đốt tuổi trẻ, thời gian và chính sức khoẻ của mình”.
Ung thư ập đến là thử thách bắt buộc Tiên phải vượt qua, có thể khó khăn, nhưng giúp em thay đổi lối sống, cách sinh hoạt và chế độ luyện tập. Tiên thích nghi với việc đi bộ với bố mỗi 5h sáng, ngủ sớm, ăn uống lành mạnh, tập thể dục điều độ. Mỗi tuần một lần, em lên Hà Nội 2 ngày truyền hoá chất, rồi lại về nhà, dành thời gian học thêm một lớp guitar giúp tâm trạng thoải mái hơn.
“Bệnh tật không chừa một ai, từ già đến trẻ, hãy biết quý trọng bản thân mình hơn” – em nói. Khi bị bệnh, em sống chậm lại, yêu thương bản thân và lắng nghe cơ thể nhiều hơn. Em thấy mình đang trưởng thành, nhìn thấy những cuộc đời khác, hoàn cảnh khác thiệt thòi khi đến bệnh viện. Em nghĩ mình nên chia sẻ với họ.
—
Hà Nội, ngày 30/10/2019.
Em cảm thấy ung thư không còn đáng sợ nữa, mà thứ đáng sợ nhất chính là việc bản thân mình coi nó là dấu chấm hết. Ung thư dạy em trân trọng cuộc đời, vì em hiểu, cuộc đời này là hữu hạn. Thà sống trọn vẹn một ngày, một phút, một giây, còn hơn dai dẳng nhưng tâm hồn bị dằn vặt, đau khổ; thì dù ngày mai có phải ra đi, em cũng cảm thấy mãn nguyện.
Bản thân em bây giờ và mai sau, chỉ có một ước nguyện duy nhất: đó là sức khỏe. Em muốn mọi người nhận thức rõ hơn về căn bệnh này và học cách tự bảo vệ chính mình. Em hối tiếc rằng trước đây đã sống quá cẩu thả, không chăm chút bản thân. Em lơ là bố mẹ, thậm chí quên mất họ. Nhưng khi bản thân bi quan mất, bố mẹ luôn bên cạnh, là động lực để em tiếp tục chiến đấu. Nếu như một ngày em không tồn tại nữa, họ sẽ là những người đau buồn nhất.
Một lần trong đời, em chỉ muốn nói: Con cảm ơn bố mẹ! Dù em chưa mua được món quà nào cho họ, kể cả khi em lĩnh tháng lương đầu tiên trong đời.
Cho đến một ngày, nếu có thể khỏe lại, em sẽ học cách tận hưởng cuộc sống, làm những điều mình thích mà suốt thời gian mắc bệnh buộc phải tạm gác lại. Ví dụ như, em rất muốn đến trường cùng các bạn.
Và nếu chỉ còn một ngày để sống, em sẽ chẳng ngần ngại chạy về bên bố mẹ và dành thời gian cho những người mình thương yêu nhất.
—
Buổi trò chuyện kết thúc khi đã gần 7h tối, mẹ em đang “nhảy” chuyến tàu từ Hải Phòng lên Hà Nội, sẵn sàng cùng con gái trải qua 2 ngày truyền hóa chất. Trước khi về, em tâm sự: “Em luôn tin mình sẽ khỏi bệnh, vì chưa bao giờ em cho phép bản thân gục ngã”.
Tôi cũng tin như thế!
Tôi gửi tặng em một cành hướng dương, mong em sẽ mãi nhìn về phía mặt trời và nở nụ cười thật tươi, như lời em nói, “ung thư chẳng có gì đáng sợ đâu, chị ạ!”.