Đến cuối tháng 8/2024, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch vụ lúa hè – thu năm 2024 đạt trên 70%/diện tích xuống giống (tổng diện tích xuống giống hơn 68.100ha). Đây là vụ lúa thứ 02 trong năm 2024, nông dân tiếp tục thắng lợi về năng suất và giá.
Nông dân vùng kênh bê-tông nổi xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần thu hoạch vụ lúa hè – thu.
Đặc biệt là tình hình sâu rầy và dịch bệnh được quản lý tốt, nguồn nước được đảm bảo… giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm các chi phí về thuốc bảo vệ thực vật.
Thạc sĩ Trang Tửng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh) cho biết: năm 2024 là năm có thời tiết khắc nghiệt và diễn biến thất thường; với thắng lợi ở vụ lúa hè – thu năm 2024 là nhờ tác động từ hệ thống kênh thủy lợi phát huy hiệu quả trong việc điều tiết nguồn nước ngọt kịp thời phục vụ sản xuất ở đầu vụ (đây là thời điểm khô hạn, nước mặn xâm nhập). Bên cạnh đó, công tác dự báo tình hình sâu gây hại và dịch bệnh được chủ động, kịp thời và nông dân ứng dụng tốt các quy trình canh tác tiên tiến, quản lý tốt đồng ruộng…
Trên địa bàn các huyện Cầu Kè, Càng Long, Tiểu Cần và Châu Thành, tiến độ thu hoạch vụ lúa hè – thu đến cuối tháng 8/2024 đạt trên 90% diện tích xuống giống. Nhìn chung, năng suất lúa đều tăng so với cùng kỳ từ 0,4 – 0,5 tấn/ha và lợi nhuận đạt từ 45 – 55% so với chi phí đầu tư.
Nông dân Thạch Kia ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần cho biết: vụ lúa hè – thu năm nay, nông dân trong vùng kênh nổi bê-tông Cầu Tre đều thắng lợi và đạt thu nhập khá tốt. Với giá lúa OM5451 đang thu hoạch được lái thu mua tại ruộng là 7.950 đồng/kg (lúa tươi), bình quân năng suất vùng này khoảng 6,8 – 07 tấn/ha; trừ chi phí, người trồng lúa thu vào hơn 30 triệu đồng/ha.
Kỹ sư Lâm Quang Đúng, Trung tâm Kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp huyện Tiểu Cần cho biết: vụ hè – thu năm 2024 nông dân xuống giống khá đồng loạt và ở đầu vụ, áp lực về tình hình khô hạn khá cao. Nhờ hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, đã phát huy hiệu quả trong việc điều tiết nguồn nước và trữ ngọt trên đồng ruộng, khắc phục tình trạng khô hạn, thiếu nước; sâu bệnh được quản lý tốt… qua đó, năng suất lúa bình quân trên địa bàn Tiểu Cần đạt khoảng 6,5 – 6,7 tấn/ha (lúa tươi), tăng khoảng 0,5 – 0,7 tấn/ha so với cùng kỳ. Với giá lúa hiện nay, nông dân thu nhập khoảng 30 triệu đồng/ha.
Ông Trương Hòa Thuận, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Phước Hảo, huyện Châu Thành cho biết: qua tham gia mô hình sản xuất lúa theo Đề án 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã nâng cao được kỹ thuật canh tác cho thành viên HTX, chủ động quản lý đồng ruộng và chu kỳ sinh trưởng của cây lúa một cách phù hợp… Từ đó, giúp nông dân tiết kiệm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận từ 6,2 – 7,6 triệu đồng/ha; năng suất lúa trong mô hình của HTX đạt 6,6 tấn/ha (sản xuất giống ST25), nông dân đạt lợi nhuận từ 35 – 40 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, một yếu tố đóng góp khá quan trọng cho thành công ở vụ lúa hè – thu năm 2024 là ngoài sự đồng tâm hỗ trợ, vào cuộc tích cực từ các cán bộ kỹ thuật của ngành nông nghiệp; thì yếu tố giá lúa cũng tác động đến người trồng lúa khá lớn. Với giá lúa ổn định từ vụ lúa đông – xuân 2022 – 2023 đến nay và đứng ở mức khá cao (vụ hè – thu năm 2024, giá lúa (lúa tươi) hạt tròn 7.800 – 8.000 đồng/kg, hạt dài 8.100 – 8.300 đồng/kg) đã tạo động lực phấn khởi cho người trồng lúa và việc quan tâm đầu tư trong sản xuất lúa được tập trung tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Thu, Ấp 1, xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè phấn khởi: gia đình vừa thu hoạch xong 0,4ha lúa hè – thu giống OM5451, năng suất 07 tấn/ha và thương lái mua 8.000 đồng/kg. Với giá này, nông dân rất phấn khởi, nên nông dân có sự đầu tư mạnh cho cây lúa, từ đó cũng giúp cho năng suất lúa tăng (so với cùng kỳ tăng 0,5 tấn/ha), lợi nhuận trên 30 triệu đồng/ha.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ