Những năm gần đây, bạo lực học đường (BLHĐ) đã trở thành vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm, băn khoăn, trăn trở của phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo và cộng đồng xã hội. Cùng với những giải pháp đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này, thì vẫn còn đó sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cá nhân và cơ quan có trách nhiệm.
Liên tiếp từ đầu năm 2023 đến nay, tại Quảng Bình đã xảy ra các vụ BLHĐ gây sự chú ý và lo lắng. Đó là vụ việc một nữ sinh Trường THCS Quảng Phương (Quảng Trạch) bị đánh, làm nhục với nhiều hành vi nghiêm trọng, xảy ra vào tháng 1/2023. Khi vụ việc chưa lắng xuống thì tiếp đó, ngày 11/3/2023, một nam sinh của Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Minh Hóa bị “đánh hội đồng” bằng thanh gỗ và mũ bảo hiểm vô cùng nguy hiểm.
Đây chỉ là hai trong số những vụ BLHĐ được ghi nhận trong thời gian qua với sự vào cuộc chính thức của cơ quan chức năng. Nhiều ý kiến cho rằng, trên thực tế, số vụ BLHĐ nhiều hơn nhưng vẫn bị bỏ qua do chưa gây ra các hậu quả nghiêm trọng hoặc chưa lan truyền thông tin trên mạng xã hội.
Những vụ việc nêu trên đã khiến các phụ huynh và học sinh hoang mang lo lắng, dư luận xã hội bất bình. Điều đáng nói là chỉ khi những vụ việc được ghi lại bằng các video clip và lan tràn trên mạng xã hội, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra thì những người có trách nhiệm mới biết, lên tiếng. Và nội dung các ý kiến cũng chỉ ở mức độ nắm tình hình, phối hợp làm rõ, chưa thật sự chủ động vào cuộc để có sự giáo dục, cảnh báo, khuyến cáo, ngăn ngừa các em học sinh.
Chứng kiến các vụ việc trên, nhiều ý kiến cho rằng, trách nhiệm của thầy cô giáo không chỉ “dạy chữ”, mà lớn hơn là cùng với gia đình, xã hội “dạy người”, góp phần hoàn thiện nhân cách cho các em học sinh. Giáo dục đạo đức cho học sinh là giải pháp “phần gốc” để đẩy lùi BLHĐ, còn sự vào cuộc của cơ quan chức năng chỉ là giải pháp “phần ngọn” khi những vụ việc đáng tiếc đã xảy ra.
Với các diễn biến nghiêm trọng của BLHĐ trong những năm gần đây, nhiều giải pháp đã được đặt ra, thực hiện. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để đẩy lùi tình trạng này là sự cộng đồng nâng cao hơn nữa trách nhiệm giữa gia đình-nhà trường-xã hội. Việc các cơ quan chức năng, cá nhân liên quan cần chủ động, cầu thị để rút kinh nghiệm, sửa chữa là giải pháp vô cùng quan trọng và cần thiết, thay vì xem nhẹ, bỏ qua. Để làm được điều này đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương và cả sự dũng cảm nhìn thẳng vào những thiếu sót để khắc phục, sửa chữa.