Ngay từ sớm, những thành viên trong câu lạc bộ Quan họ làng Lũng Giang từ cao niên cho đến trẻ tuổi đều có mặt và tụ hội đông đủ tại ngôi nhà chứa Quan họ quen thuộc của địa phương, hoàn tất công tác chuẩn bị tiếp đón Quan họ bạn. Điều mà ai cũng có thể dễ dàng nhận ra trên gương mặt của những liền anh, liền chị nơi đây chính là sự vui mừng, phấn khởi. Bởi có lẽ đã hơn 200 năm nay, hiện giờ Quan họ của 2 làng Lũng Giang và Tam Sơn mới lại được chính thức được kết nghĩa với nhau như tình anh em một nhà.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Viêm, Chủ nhiệm CLB Quan họ Lũng Giang bồi hồi kể lại: Tam Sơn và Lũng Giang đều là làng Quan họ cổ trong 49 làng Quan họ vùng Bắc Ninh – Kinh Bắc. Theo nhiều tài liệu còn lưu lại và qua lời kể của các bậc cao niên, tục kết chạ giữa hai làng quan họ Lũng Giang và Tam Sơn có từ năm 1769 thế kỷ thứ 18. Khi đó, trong một lần vận chuyển nguyên liệu gỗ phục vụ việc xây đình làng Lũng Giang, bè gỗ không may mắc kẹt trên sông Tiêu Tương, đoạn qua địa phận Tam Sơn và được người dân nơi đây hỗ trợ. Sau đó, 2 địa phương có mối quan hệ hòa hảo và nhiều điểm chung về văn hóa quan họ nên đã tổ chức kết chạ từ đó. Họ coi nhau như anh em ruột thịt, giúp đỡ nhau trong cuộc sống về vật chất, tinh thần…và ca hát cùng nhau, tạo thêm một nhánh Quan họ trên đất Đông Ngàn”.
Ngôi đình Lũng Giang bề thế khang trang, đã chứng minh một mối tình giao hảo, thủy chung giữa bạn với bạn giúp nhau trong khó khăn, lao động. Họ hiểu nhau, họ đến với nhau bằng sợi dây liên kết – kết chạ và kết họ. Nhờ kết chạ, tình anh chị em ví như thủ túc, họ vui cùng nhau ngày hội làng, ngày báo hỷ, ngày chúc thọ; thăm hỏi chia buồn nhau khi ốm đau hoạn nạn, đặc biệt là mỗi làng khi có đám hiếu. Trải qua sóng gió hàng trăm năm, từ khi dòng Tiêu Tương còn thông chảy, đến nay sông đã cạn, đã bị vùi lấp, song tình nghĩa dân thôn hai bên không bao giờ cạn.
Hai làng Lũng Giang và Tam Sơn thực hiện các nghi thứ
Sau nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử và các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, những quy định trong tục kết chạ Quan họ của 2 làng đặt ra cũng dần bị mai một. Cho đến nay, khi Dân ca Quan họ đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì với trách nhiệm của mỗi cá nhân, những người sinh sống và hoạt động trong câu lạc bộ Quan họ 2 làng Lũng Giang và Tam Sơn nhận thấy cần khôi phục nét văn hóa truyền thống từ bao đời, thể hiện sự gắn bó trong sinh hoạt văn hóa Quan họ của 2 làng từ xưa đến nay. Sau thủ tục Quan họ, 2 làng thắp hương làm lễ thánh, các liền anh, liền chị Quan họ Lũng Giang và Tam Sơn hát thờ trước lễ thánh, mong muốn thần linh chứng giám cho mối quan hệ sâu sắc của Quan họ 2 làng. Sau tục nối chạ này, hai làng Quan họ Lũng Giàng và Tam Sơn sẽ cùng nhau có trách nhiệm giữ gìn, kế thừa mối quan hệ đã có từ thời xưa. Đồng thời cùng với các làng Quan họ khác tích cực tham gia vào bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị cao đẹp của Dân ca Quan họ.
Kết chạ là một trong những hoạt động biểu thị rõ nét nhất cho cái tình, cái nghĩa của người Quan họ. Người Quan họ thường trọng nhau về nghĩa, mến nhau về tài, yêu thương nhau qua lời ca câu hát. Tình bạn Quan họ truyền đời là tình bạn kéo dài suốt đời này nối tiếp đời khác mà đến ngày nay không ai biết tình kết nghĩa ấy đã có từ đời nào. Quan họ từ một lối chơi giao duyên trở thành một lối chơi gắn chặt với nghi lễ trong giao tiếp với thần làng, dân làng. Nhờ có tục kết chạ làm cho hát Quan họ trọn vẹn và ý nghĩa hơn. Khi hai làng đã kết chạ với nhau thì chơi Quan họ không còn là một lối giao duyên bình thường mà phải lĩnh một phần trách nhiệm của dân làng giao phó. Quan họ được đẩy lên một địa vị mới rất quan trọng, đó là mỗi lần Quan họ đi hát cũng là một lần thay mặt cho dân mình đến thực hiện việc giao hảo với dân anh, không chỉ về mặt tinh thần mà cả về mặt vật chất, mỗi liền anh, liền chị trong bọn Quan họ vì thế mà thấy rõ trọng trách của mình. Vì vậy, Quan họ không những được thần linh chấp nhận mà còn được dân làng coi trọng. Chính nhờ tục kết chạ Quan họ mà tạo nên nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa Quan họ, khi đã gặp nhau thì luôn tôn kính, giao tiếp lịch thiệp, đều “ăn nửa miếng, nói nửa lời” cả hai bên giữ phép lịch thiệp, nhã nhặn, tôn kính nhau.
Cùng với tục nối chạ của làng Quan họ Lũng Giang và Tam Sơn. Hiện nay, nhiều làng Quan họ trong tỉnh cũng đã và đang duy trì, khôi phục lại tục kết chạ xưa. Đây cũng là việc làm cần thiết để giữ gìn, phát huy sự đoàn kết, gắn bó, cùng phát huy nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông và xây dựng quê hương Bắc Ninh-Kinh Bắc ngày càng phát triển.
Nguồn Báo Bắc Ninh: https://baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-bac-ninh-xua-va-nay/-/details/20182/noi-lai-tuc-ket-cha-trong-van-hoa-quan-ho