Những nhạc cụ giữ hồn văn hóa dân tộc Mông

Trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Mông, những nhạc cụ truyền thống có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là tài sản quý giá được bảo tồn và lưu giữ qua nhiều thế hệ. Dù trải qua bao thăng trầm của thời gian, tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng đàn vẫn mãi ngân vang, cất lên nhạc điệu tâm tình nơi rừng núi vùng cao.

Cây khèn trở thành biểu tượng văn hóa trong đời sống của người Mông.

Trong mái nhà chung của 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S, dân tộc Mông là một cộng đồng giàu bản sắc văn hóa. Kho tàng tri thức dân gian, văn hóa nghệ thuật truyền thống luôn gắn bó tự nhiên với đời sống tinh thần, hiện hữu trong những nghi lễ thiêng liêng của đồng bào. Nhạc cụ của người Mông tuy giản đơn nhưng phong phú về cách diễn đạt âm thanh, cảm xúc, thể hiện chất trữ tình đằm thắm, mượt mà, khỏe khoắn. Những âm thanh ẩn chứa vẻ đẹp giản dị, thuần hậu, tươi sáng như tâm hồn người Mông trên vùng cao bao la, hùng vĩ.

Đầu tiên, không thể không nhắc đến chiếc khèn – biểu tượng văn hóa, “linh hồn” nhạc cụ dân tộc Mông. Để tạo nên cây khèn như ý phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ cùng với bàn tay tài hoa của người thợ. Khèn Mông được làm từ gỗ cây thông đá cùng 6 ống trúc có kích thước khác nhau và chiếc lưỡi gà bằng kim loại. 6 ống trúc được xếp khéo léo, song song trên thân khèn; tùy theo độ dài ngắn, to nhỏ mà có âm thanh khi trầm khi bổng, khi réo rắt lúc dồn dập, lúc xuống thấp, lúc cao vút như đang trên đỉnh núi.

Không biết tự bao giờ, tiếng khèn đã trở thành một phương thức để người Mông gửi gắm, thổ lộ tâm tư nguyện vọng của mình. Khèn xuất hiện mỗi buổi chợ phiên hay dịp lễ, Tết, bày tỏ niềm hân hoan, vui tươi, hò hẹn. Khèn thổi lên khúc nhạc trầm da diết, xót thương, thay lời tiễn biệt người đã khuất núi. Song hành suốt cả vòng đời của người Mông, tiếng khèn vừa là nhạc cụ thiêng liêng kết nối trần gian với thế giới tâm linh, vừa là phương tiện gắn kết cộng đồng. Nghe tiếng khèn Mông, người ta dường như thấy được hình bóng quê hương, bản làng và sự đồng vọng của tiếng nói cha ông.

Sáo trúc cũng được biết đến là một loại nhạc cụ nổi tiếng của dân tộc Mông. Tùy theo cách chế tác của từng nghệ nhân mà tiếng sáo có âm vực và độ vang khác nhau. Những chàng trai Mông thổi sáo sau giờ phút lao động mệt nhọc, dùng tiếng sáo để tỏ tình, chinh phục trái tim các cô gái. Ngày nay, sáo Mông được cải tiến khá nhiều, từ một nhạc cụ độc tấu đã được dùng để hòa tấu trong các dàn nhạc dân tộc, tạo nên giai điệu giàu cảm xúc, cuốn hút người nghe.

Chiếc đàn môi (kèn môi) của người Mông có hai loại: loại uốn hình lòng máng và loại hai mặt phẳng. Đàn là một mảnh lá đồng vừa giòn lại vừa dai, dài khoảng 5 – 7 cm, có hình dạng giống lá lúa, một đầu cuốn lại hoặc đánh dẹt làm tay cầm, một đầu vát nhọn để gảy. Ở chính giữa, người ta tạo ra một cái lưỡi gà, khi gảy đàn, lưỡi gà có độ rung. Để thổi đàn môi, người chơi phải giữ gốc đàn cố định bằng tay trái, đặt đàn cách môi một khoảng đủ không chạm vào răng. Ngón cái của tay phải gảy vào đầu đàn khiến lưỡi gà trong đàn rung lên, truyền rung âm đến miệng và vang lên trong khoang miệng. Người thổi dùng sự khéo léo điều khiển khoang miệng sao cho âm phát ra là giai điệu của một bài hát hoặc theo những lời mình muốn nói. Tiếng đàn môi rất đặc biệt, thâm trầm, rủ rỉ, chỉ những đôi nam nữ yêu nhau mới có thể thấu hiểu được ý nghĩa giai điệu.

Nếu như đàn môi đòi hỏi kỹ thuật chế tác phức tạp, thì kèn lá lại hoàn toàn đơn sơ. Chỉ cần bứt nhẹ chiếc lá trên cây, đưa lên môi với sẵn tâm tình trĩu nặng, nỗi niềm nhung nhớ là người thổi có thể cất lên những giai điệu lảnh lót, vút cao như tiếng chim họa mi vang vọng giữa đại ngàn trùng điệp. Có 2 cách thổi kèn lá thông dụng nhất: Một là ngậm ngang chiếc lá ở giữa hai môi, dùng môi để giữ và kết hợp giữa việc sử dụng lưỡi và hơi đẩy ra qua kẽ hở của môi; hai là dùng ngón tay trỏ và ngón tay cái ở hai bàn tay để giữ hai đầu của lá sau khi đã ngậm ở môi, dùng lưỡi kết hợp với môi đẩy hơi tạo ra âm thanh. Khi thổi, lá dùng làm kèn được gập đôi lại ở phần mép lá mỏng hơn và ngậm vào môi, dùng hơi điều chỉnh âm thanh cao thấp, trầm bổng theo âm điệu của bài hát.

Người Mông thổi kèn lá trong lúc đợi nhau xuống chợ, khi đi hội xuân giao lưu, gặp gỡ. Tiếng kèn lá thay cho lời tâm tình, trò chuyện hay những khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bên cạnh đó, kèn lá còn được sử dụng khi người đi vào rừng sâu, phát ra tín hiệu để tránh lạc nhau và quên lối.

Phương Anh

Nguồn Báo Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nhung-nhac-cu-giu-hon-van-hoa-dan-toc-mong-3161210.html