Bất giác tôi sực nhớ câu thành ngữ “tháng ba ngày tám” giữa những ngày cuối Xuân sang Hè tràn đầy hương sắc, rạo rực lòng người. Sau Giêng hai là tháng Ba âm lịch, mặc dù năm nay nhuận tháng Hai. Thời tiết cấy trồng của các cụ ta từ xưa vẫn theo lịch âm. Hình như lớp trẻ hiện thời đã quên bẵng câu thành ngữ này. Họ có lí do để quên ý nghĩa của nó. Vì họ không có ký ức nhói lòng như cha mẹ, ông bà mình một thời chịu cảnh “tháng ba ngày tám” như vừa mới đây.
Đã biết câu thành ngữ này nói về những ngày giáp hạt. Theo cách làm nông nghiệp kiểu cũ, dịp tháng Ba là lúc lúa vụ trước đã hết mà vụ sau thì chưa tới kỳ thu hoạch. Tất nhiên cảnh thiếu đói, hay là nạn đói, thậm chí là giặc đói tràn lên hoành hành. Đại đa số nông dân, xưa nay chỉ trông vào hạt thóc, sống trong cảnh này và lặp đi lặp lại rất nhiều năm. Hết thóc gạo thì kiếm rau măng, ngô, khoai sắn độn chút gạo ăn, hoặc là ăn thay cơm. Không chỉ thời phong kiến xa xưa mà ngay thời bao cấp, chiến tranh rồi những thập niên đầu thời kỳ đổi mới, cảnh “tháng ba ngày tám” vẫn diễn ra dai dẳng. Chẳng còn nạn đói giết chết hàng triệu người như năm 1945 nữa nhưng nó cũng đủ làm thui chột nhiều ước mơ và tạo nên mảng ký ức buồn thương cho nhiều thế hệ.
Mùa lúa chín tại Bản Phùng (Hoàng Su Phì). ảnh: Q.H |