Ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ Sáu vẫn ngày ngày đội mưa nắng bán từng tấm vé dò, nhặt ve chai để chăm lo cho người vợ bệnh tật. Ông cụ chẳng bao giờ than vãn bởi hơn ai hết, sự xuất hiện của bà là niềm động lực duy nhất khiến ông đi hết quãng đời còn lại.
Đó là câu chuyện tình đẹp của ông Đỗ Văn Mới (85 tuổi, ngụ trong con hẻm 380 đường Lê Văn Lương, quận 10, TP.HCM).
Hai vợ chồng ông Sáu đã ở trong căn nhà lụp xụp này hơn hai mươi năm.
Nụ cười hiền hậu của ông Sáu.
Dù tuổi đã cao nhưng vì không có con cháu chăm sóc, ông Sáu (tên thường gọi) phải tất bật ngược xuôi, bán từng tấm vé dò (tờ dò vé số) rồi lượm ve chai để kiếm đủ cơm ngày ba bữa, chăm lo cho người vợ bệnh tật.
Vợ ông Sáu – bà Sáu đang trải qua những năm tháng cuối đời trên giường bệnh khi bà bị liệt nửa người, chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt ăn uống đều do một tay ông Sáu chăm sóc.
Hàng ngày ông đều đi khắp các nẻo đường ở Sài Gòn để nhặt ve chai và bán vé dò.
Với số tiền ít ỏi kiếm được mỗi ngày, ông Sáu phải chi trả các khoản sinh hoạt cho 2 vợ chồng.
Nhiều lúc, ông Sáu buồn bã vì không thể chăm lo cuộc sống tốt hơn cho bà.
Mỗi ngày của ông Sáu phải thức dậy từ sáng sớm, sau khi chăm lo bữa sáng cho bà Sáu, ông dắt chiếc xe đạp cũ của mình đi lấy vé số và vé dò để bán, buổi chiều thì đi nhặt ve chai.“Có một hôm xe bị bể bánh, tui không có điện thoại cũng không nhớ đường về nhà. Trời thì càng về chiều càng tối, tui lo cho bả một mình ở nhà không ai chăm sóc mà sốt ruột. Cũng may, tui nhờ sự giúp đỡ của người đi đường, đi đâu đâu tui cũng hỏi “Cái Lotte đi hướng nào?” cuối cùng cũng về tới nhà”, ông Sáu nghẹn ngào kể.
Căn nhà chật hẹp là nơi trú ngụ của 2 ông bà.
Từ nhiều năm nay, bà Sáu chỉ nằm một chỗ bởi căn bệnh quái ác.
Một mình ông Sáu gắng gượng để lo cho gia đình.
Bà Sáu thì bị bệnh liệt giường không có tiền chữa trị, còn ông cũng đang chống chọi với căn bệnh thấp khớp. Dù trời nắng hay mưa, ông Sáu vẫn miệt mài mưu sinh bởi ông biết, chỉ cần một ngày ông ở nhà, bà Sáu sẽ đói bụng, tiền thuốc men không ai lo liệu.
Nở một nụ cười hiền hậu, ông Sáu nói: “Ông phải đi bán chứ, ông bà chỉ trông vào mấy tờ vé dò rồi đống ve chai nhặt được, không đi làm thì lấy gì mà ăn. Từ hồi cưới bà, dù ông nghèo khổ nhưng ông vẫn luôn tự hứa với lòng dù có phải trải qua bao nhiêu vất vả thì cũng không để bà phải thiếu ăn thiếu mặc một ngày nào. Chỉ có điều là…”, nói đến đây, ông Sáu có vẻ trầm lắng, ngước đôi mắt lờ mờ của mình hướng về phía bà Sáu.
Bà Sáu đau ốm nằm một chỗ và không thể nói chuyện được.
Ông Sáu hạnh phúc khi nói về chuyện tình của 2 ông bà.
Ông chỉ sợ một ngày ông chết trước bà, bà sẽ không có ai để chăm sóc.
Về chuyện cơm nước cho bà, ông tâm sự: “Ông thái từng miếng thịt ra nhỏ thật nhỏ, như thế này này, rồi nấu lên, đút cho bả ăn. Bả ăn không hết thì ông ăn, mà ông ăn ít lắm”.
Cầm lấy đôi bàn tay gầy gò của vợ, ông Sáu nghẹn lời: “Bà ráng ăn uống vô nghen, lỡ bà đi rồi thì tôi biết sống với ai”.
Nhìn cách ông Sáu bón từng thìa cơm, miếng nước cho bà, thỉnh thoảng hỏi bà “Cơm có ngon không” rồi mỉm cười khe khẽ, chúng tôi thật cảm phục tình nghĩa vợ chồng giữa họ. Tính từ ngày về chung sống với nhau đến hôm nay cũng đã hơn 50 năm.
Ông Sáu cho biết, những ngày cuối đời, ông chỉ cần bà Sáu được khỏe mạnh là ông hạnh phúc rồi.
Góc sân nhỏ trước nhà ông Sáu.
Ông Sáu phải dùng gậy để di chuyển vì lưng ông hay bị đau.
Nửa đời người, hai ông bà đã cùng nhau trải qua những vui buồn khó khăn của cuộc sống cho đến hôm nay, những ngày gần đất xa trời hai ông bà vẫn chứng tỏ cho mọi người thấy một tình cảm sâu đậm trong cái nghèo khó, thiếu thốn mọi bề.
“Ông với bà gặp nhau, phải lòng rồi bà theo ông ở tới giờ chứ không có cưới hỏi gì hết trơn á. Xưa bà đẹp, tóc bà dài mà đen. Ngày đó ông trắng tay mà bà vẫn theo ông để chịu đủ thiệt thòi, bây giờ bà bệnh sao mà ông bỏ bà được. Hứa là chăm sóc bà tới cuối đời rồi mà”, ông Sáu vừa kể vừa cười, đôi mắt ông ánh lên niềm hạnh phúc vô bờ .
Vẻ mặt đăm chiêu của ông Sáu.
Chân ông Sáu phải suốt ngày mang vớ vì bị thấp khớp.
Ánh mắt ông sáng hẳn lên khi nhắc đến bà Sáu.
Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng chúng tôi đều cảm nhận được sự lạc quan, hạnh phúc của ông bà khi ở bên nhau. Để có tiền trang trải cuộc sống, ngoài việc đi mưu sinh, ông Sáu còn biết cách trồng rau trong thùng xốp nhặt được, nuôi đàn gà nhỏ ở sau nhà và một chú chó con suốt ngày quấn quít bên hai vợ chồng.
Trong căn nhà nóng bức, ông Sáu chốc chốc lại đưa tay quạt mát cho bà. Hỏi về khó khăn, ông chỉ cười bảo: “Ông chịu khổ quen rồi, chỉ tội nghiệp bà mà thôi”.
Chia sẻ về hoàn cảnh của ông Sáu, chị Huỳnh Ngọc Châu cho biết: “Nhìn ông Sáu già yếu, run run, chị thương ông lắm, hàng ngày thì đi lượm ve chai mưu sinh nuôi bà, chăm sóc bà. Chỗ ở thì ẩm thấp, nóng bức, lụp xụp càng thấy thương ông bà hơn. Bà con ở đây thấy ông bà tội nghiệp cũng hay giúp đỡ”.
Bà Sáu năm nay đã 86 tuổi.
Căn nhà lụp xụp nhưng các đồ dùng vẫn được ông Sáu bài trí ngăn nắp.
Không cần giàu có, ông Sáu chỉ cần những ngày bình yên nhất bên vợ của mình.
Ở cái tuổi gần đất xa trời, có lẽ ông Sáu chẳng cần giàu sang, ông chỉ cần hàng ngày đi nhặt ve chai, bán từng tờ vé dò để lo cho bà được có cơm ăn, thuốc uống đã đủ làm ông cảm thấy hạnh phúc.
Dẫu cho cuộc sống của ông bà còn lắm những bộn bề vất vả nhưng chính tình thương, sự trân quý nhau sẽ giúp ông bà đi hết quãng đời còn lại. Chỉ cầu mong bà Sáu có thật nhiều sức khỏe để bên cạnh ông, nương nhau ở chặng đường phía trước.