Việc có em còn mạnh dạn biện minh rằng đó là kết quả học tập khổ sở… cũng không nói lên được điều gì ngoài việc các em đã bị điều khiển và ảnh hưởng xấu quá nhiều đến nỗi không còn nhận thức được đúng sai. Bản thân em cũng đã trở thành lệch lạc.
Vụ nâng điểm ở Hòa Bình lại một lần nữa nấu sôi dư luận khi hàng loạt thí sinh gian lận điểm bị lộ diện cha mẹ là người có chức quyền tại địa phương. Những thí sinh từng là thủ khoa và hãnh diện tuyên bố về khả năng, sự chăm chỉ cần mẫn của mình sau khi bị lộ đã được nâng rất nhiều điểm, bị cộng đồng mạng đào tìm nhân thân và không tiếc lời chế giễu, thậm chí đến mức mạt sát.
Vì đã 18 tuổi nên xã hội có quyền đòi hỏi các thí sinh đó phải nhận thức trách nhiệm của bản thân họ tới đâu trong vụ việc đáng xấu hổ này.
Ở một mặt khác, cũng do họ chỉ mới 18 tuổi – vừa bước qua ngưỡng thành niên, cho nên để có một cái nhìn công bằng với các thí sinh, cần phải xem xét thật sâu trách nhiệm của người lớn, cha mẹ họ.
Xin giới thiệu bài viết của cô Nguyễn Thị Chung, Thạc sĩ Tâm lý học, Giảng viên trường Cao đẳng sư phạm Trung ương TP.HCM, chuyên viên chương trình SPM Việt Nam – một phương pháp giáo dục mầm non.
—–
Mỗi lần con hư, ba mẹ bị mắng vốn, bị liên lụy thường hay nói câu “Con dại cái mang”. Thế trong những trường hợp ba mẹ là người chẳng ra chi, khiến con điêu đứng thì phận làm con có được thốt lên “Cái dại con mang”?
Trước khi nói về nguyên nhân và cách hành xử của các em thí sinh trong vụ việc gian lận điểm, tôi muốn phân tích một chút về các kiểu cha mẹ.
Việc phân loại kiểu cha mẹ đã có từ lâu. Cho đến ngày nay, tâm lý học đã chỉ rõ ra những kiểu cha mẹ gây hại cho con cái. Có thể điểm mặt là kiểu cha mẹ độc đoán, kiểu cha mẹ quá bảo bọc, kiểu cha mẹ dễ dãi dung túng, kiểu cha mẹ ái kỷ – điều khiển con phục vụ cho mục đích của mình, bỏ bê, phụ thuộc, bất đồng quan điểm và thậm chí là kiểu cha mẹ độc hại.
Tại sao một số thanh niên ít có sự trưởng thành, ít thể hiện được là người có trách nhiệm với chính bản thân mình và xã hội? Không phải hoàn toàn do bản thân họ, mà có một phần nguyên nhân là do họ đã không may mắn làm con của những cha mẹ kiểu gây hại.
Phổ biến là ép con học trường cha mẹ muốn, làm ở nơi cha mẹ sắp xếp, gặp gỡ những ai cha mẹ vừa mắt. Nhiều gia đình giàu có dung túng con tới mức chỉ cần con đi học nước ngoài cho có mác, còn không phải học gì. Con chỉ việc ăn chơi xả láng, cha mẹ sẵn sàng chi rất nhiều tiền để thuê người làm bài. Bao nhiêu tiền cũng chi. Họ chỉ cần con cái làm một vật trang trí cho gia đình, cho danh tiếng của họ chứ không cần con được sống, sống có ước mơ, có khát vọng hay đam mê gì cả, hoặc thậm chí không có trách nhiệm với chính đời mình. Không chỉ trong đời sống mà ngay cả hôn nhân là chuyện quan trọng bậc nhất trong đời mỗi người, vẫn có những đứa con sẵn sàng móc nối với nhau kết hôn giả, sau đó lại tính toán để làm sao có con. Chỉ vì chúng không hề biết bản thân mình yêu ai, mà chỉ hành động cốt hài lòng cha mẹ.
Đó chính là vấn nạn! Đó chính là làm tội con. Chỉ vì mê sự hào nhoáng về thanh danh, quyền lực và tiền bạc, hay sự yên ổn cho bản thân mà các cha mẹ đã cố tình “thí” con mình.
Những đứa con sống với kiểu cha mẹ như vậy sẽ có xu hướng hư hỏng lộ – như ăn chơi đàng điếm, cư xử ngông nghênh coi trời bằng vung một cách lộ liễu … . Hoặc, chúng hư hỏng kín – tức vẫn có mác học hành đàng hoàng, thậm chí khéo léo tạo vỏ bọc tới mức mang hình ảnh thành đạt, nhưng để che đậy nội tâm rỗng tuếch và mục ruỗng. Hoặc sẽ trở thành những chiếc bóng vật vờ trong hào quang của gia đình. Có những đứa con phản kháng bằng cách tự gây hại cho mình, bất cần, nghiện ngập. Có những đứa con phản kháng yếu ớt – rồi buông xuôi. Tất cả các trường hợp đều đau lòng.
Gerald Frederick Schoenewolf – nhà phân tâm học người Mỹ nổi tiếng, tác giả của 13 cuốn sách về phân tâm học và tâm lý trị liệu đưa ra nhận xét trong một nghiên cứu của mình về phân loại các bậc cha mẹ như sau: “Con của cha mẹ độc hại thường không biết chuyện gì xảy ra với mình cho đến mãi về sau. Nếu chúng có phàn nàn với chính cha mẹ độc hại của chúng về hành xử của họ thì họ chỉ cười. Còn nếu như chúng nói ra với người ngoài thì luôn luôn nhận được phản ứng: “Sao con lại nói như vậy? Tất cả những gì cha mẹ con làm đều là quan tâm đến con mà!”
Tôi cho rằng, kiểu ba mẹ quá bảo bọc, đồng thời lại là người ái kỷ dùng con cho mục đích của mình chính là nguyên nhân của câu chuyện nhức nhối kiểu như câu chuyện nâng điểm.
Đứa con trong cuộc đã trở thành một nhân cách lệch lạc. Có thể từ bé chúng đã sống trong môi trường đó. Từ bé chúng đã bị cha mẹ uốn nắn và thực hành những tấm gương xấu. Xấu nhưng có hiệu quả tức thời với việc dùng tiền, quyền chạy chọt, mua bán, giành giật đặc quyền đặc lợi. Hiệu quả đó có thể cực kỳ ngắn hạn và mang lại hậu quả khôn lường như vụ chạy điểm này. Nhưng nếu báo chí không phát hiện, xã hội không phẫn nộ thì sao? Rõ ràng nó đã trót lọt và êm ái. Những thí sinh đó có thể cứ thế yên vị trong những ngôi trường danh giá. Không đủ sức thi tốt nghiệp à? Thì lại mua. Không đủ sức làm việc à? Ai trong cơ quan dám phản kháng với con của người có quyền có chức?
Con cái của những cha mẹ này lâm vào trạng thái bất lực. Chúng không thể phản kháng với quyền lực và xa hoa mà cha mẹ chúng đã trải ra để vô hiệu hóa chúng TỪ NHỎ, nên buông xuôi. Có những trường hợp trở thành đồng lõa một cách ngoạn mục với cha mẹ, tạo một vỏ bọc hoàn hảo, chấp nhận dối trá. Tất cả đều là nạn nhân của người lớn.
Mọi người xôn xao: 18 tuổi, lớn rồi thì phải biết đúng sai để hành động chứ?
Theo nghiên cứu của ngành tâm lý, những đứa con sống trong môi trường như vậy từ nhỏ hầu như mất hẳn khả năng phản kháng. Vô cùng hiếm cậu ấm cô chiêu trong các gia đình có cha mẹ gây hại trở thành người mạnh mẽ rũ bỏ sự êm ái trải sẵn, dám lao vào cuộc đối đầu cam go với cả gia đình và thậm chí nhiều thế lực lớn hơn gia đình khi cha mẹ có quyền lực che trời.
Việc có em còn mạnh dạn biện minh rằng đó là kết quả học tập khổ sở… cũng không nói lên được điều gì ngoài việc các em đã bị điều khiển và ảnh hưởng xấu quá nhiều đến nỗi không còn nhận thức được đúng sai. Bản thân em cũng đã trở thành lệch lạc.
Có, nhưng quá ít trong tình thế hiện nay. Thay đổi văn hóa gia đình dường như hơi vô vọng. Chỉ còn một khe hẹp, chính là tạo nên môi trường xã hội lành mạnh để những đứa con bất hạnh có đủ kháng sinh chống chọi với môi trường gia đình.
Việc nhìn nhận đúng sự việc, đúng người đúng tội là chuyện cần làm và phải làm cho ra lẽ. Song song đó, việc giữ tính nhân văn trong đối xử với những người vừa đáng giận lại vừa đáng thương như các nạn nhân – tội nhân này lại là điều xã hội cần phải học. Những đứa con này lệch lạc, các em đã sai, nhưng xin nhắc lại, các em cũng mới chỉ có 18 tuổi. Không phải là con trẻ, nhưng dĩ nhiên còn rất non trẻ. Hãy chỉ dẫn, đừng hủy diệt các em.
Các em có cần được tha thứ không? Các em có cơ hội làm lại như những đứa con khác khi chúng mắc sai lầm không?
Dưới góc độ tâm lý học, cần hỗ trợ những em học sinh trong vụ án nâng điểm này bằng con đường tự nhận thức và môi trường xã hội nhân văn, lành mạnh. Có những liệu pháp tâm lý dành cho người bị sốc sau các vụ bê bối, chấn thương tâm lý, bắt nạt. Có những môi trường để các em bình phục và hòa nhập trở lại. Thậm chí là những môi trường chữa trị nếu cần.
Với xã hội, điều cần làm là chấm dứt ngay các chỉ trích ác ý. Hãy chỉ ra chỗ sai và giải pháp chứ không phải rủa xả mạt sát rồi đưa ra các đòi hỏi quá sức với lứa tuổi và hoàn cảnh sống của các em, như phải đứng lên chống lại ba mẹ, không được câu kết với cha mẹ, phải …
Vì bạo lực luôn chỉ được trả lại bằng bạo lực nhiều hơn mà thôi.
Chúng ta có đang vô tình hay hữu ý làm “kẻ bắt nạt trên mạng” (cyberbully)
Khi đọc những bình luận về vụ việc trên, tôi thấy dấu hiệu tốt là mọi người đang rất tham gia vào các vấn đề chính trị xã hội. Nhưng hiện tượng xấu là sự tham gia chưa kiểm soát được hậu quả.
Cứ hình dung những em học sinh được nâng điểm đó tựa những đứa con, em, cháu của chúng ta khi phạm sai lầm. Khi chúng phạm phải sai lầm – chuyện này luôn luôn có – chúng ta sẽ làm gì? Nhảy xổ vào phán xử? Đòi đền tội? Ra rả suốt ngày này qua tháng nọ những lỗi lầm chúng mắc? Lôi những ai thân cận với chúng ra xỉa xói? Nhất cử nhất động của chúng đều bị lôi ra mổ xẻ đến tận chân tơ kẽ tóc?
Với những em ấy, việc tạo cơ hội để chuyển biến thành người không lệch lạc là điều mà xã hội cần phải có trách nhiệm vì nếu không, đó lại chính là gánh nặng mà xã hội phải mang. Nhưng hiện nay, các em không những phải đối mặt với môi trường gia đình không lành mạnh mà còn ngập chìm trong những đợt khủng bố trên mạng. Hầu như chúng không có cơ hội quay đầu.
Có người nói những học sinh trong cuộc ấy chắc sẽ được gửi ra nước ngoài đi học ngay. Giả sử có điều đó thì đấy vẫn không phải để đi học mà là để chạy trốn, Vết thương vẫn mang trong lòng. Sau đó, các em sẽ lớn lên ra sao, trở thành người như thế nào… vẫn là một đáp án phức tạp.
Theo rất nhiều các nghiên cứu được công bố trên các trang về bắt nạt và xâm hại thì việc khủng bố bằng các hình thức khác nhau trên các mạng xã hội, trên các phương tiện truyền thông cá nhân và công cộng đều mang lại các chấn thương về tâm lý và thể chất.
Ai trong chúng ta muốn các người trẻ tuổi sẽ phải chịu những hậu quả như thế này khi họ sai lầm?
Và khi chịu những hậu quả như thế này thì bao nhiêu phần trăm nạn nhân sẽ tự đứng dậy được? Nếu không tự đứng dậy thì họ sẽ thành gì?
Đó là nhiều câu hỏi cũng nhức nhối không kém những con điểm đã được nâng.