Đi lên từ hai bàn tay trắng, nhờ tài năng và sự nỗ lực không ngừng nghỉ những doanh nhân gốc Việt này được giới kinh doanh Mỹ ghi nhận.
Hoàng Kiều
Tỷ phú Hoàng Kiều năm nay 75 tuổi lần đầu lọt vào danh sách người giàu của Forbes năm 2014 với khối tài sản 1,65 tỷ USD và là một trong hai tỷ phú người Việt được Forbes vinh danh.
Năm 1975, ông sang Mỹ, làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng và tìm được công việc tại phòng thí nghiệm điều trị gan của Abbott. Sau 5 năm, ông được đề bạt lên vị trí giám đốc, được cử đi học quản trị kinh doanh, sau đó hùn vốn mua lại một phần cơ sở thí nghiệm này. Từ đây ông lập công ty RAAS và điều hành công việc thu gom huyết thanh chuyên dụng, cung cấp cho ngành công nghiệp phân tách.
Phần lớn tài sản của ông là cổ phần trong Tập đoàn Shanghai RAAS Blood Products, niêm yết tại thị trường chứng khoán Trung Quốc. Công ty của ông được thành lập năm 1992, chuyên sản xuất các loại huyết tương trong lĩnh vực y tế.
Năm 2008, dư luận cả nước xôn xao trước tin ông Hoàng Kiều sẽ đưa cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2010 về cù lao Thới Sơn (xã Thới Sơn, TP Mỹ Tho, Tiền Giang). Sau đó người dân nơi đây còn sốc hơn khi ông Hoàng Kiều bỏ hàng chục tỷ đồng mua đất và triển khai xây dựng hàng loạt công trình phục vụ cho cuộc thi trên khiến giá đất ở đây tăng lên vùn vụt.
Thời điểm ấy giá đất tại Thới Sơn từ 400-500 triệu đồng tăng lên 1 tỷ, 2 tỷ rồi 3 tỷ đồng/ha. Khi đó, ông Hoàng Kiều tuyên bố đầu tư gần 30 tỷ đồng mua 2,3 ha đất của gia đình ông Nguyễn Văn Tư để làm các công trình phục vụ cho cuộc thi hoa hậu.
Trong khi Thới Sơn đang sôi sục với cơn sốt đất thì bất ngờ có thông tin Khánh Hòa là nơi đăng cai tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2010. Ngay sau đó cũng có thêm hàng loạt thông tin nhiều hạng mục công trình của ông Hoàng Kiều tại Khu du lịch Thới Sơn đang xây dựng nhưng không có giấy phép.
Đặc biệt, khi hàng loạt sai phạm trong vụ cổ phần hóa Công ty du lịch Tiền Giang, ông Kiều vẫn im lặng và bất ngờ rút lui khỏi Tiền Giang.
Đáng chú ý năm nay, Hoàng Kiều – một doanh nhân Mỹ gốc Việt không còn xuất hiện trong bảng xếp hạng. Theo tính toán của Forbes, tài sản của tỷ phú Hoàng Kiều trong năm nay chỉ còn 1,6 tỷ USD trong khi đó mức tối thiểu để gia nhập Top 400 là 2,1 tỷ USD.
Chính Chu
Chính Chu gia nhập Blackstone từ năm 1990 và trở thành chuyên viên đầu tư cao cấp của quỹ này chỉ 10 năm sau đó, khi mới 33 tuổi. Trong những năm 1990, ông từng có 2 năm làm việc ở châu Á trước khi trở về Mỹ. Suốt quãng thời gian làm việc ở Blackstone, ông đã dẫn dắt nhiều vụ sáp nhập trong nhiều lĩnh vực, từ y tế, tài chính, công nghệ đến hóa chất.
Chính Chu là người phụ trách những thương vụ đình đám của Blackstone như vụ thâu tóm Ondeo Nalco với giá 4,2 tỷ USD theo hình thức LBO (mua bằng tiền đi vay) hay mua Celanese với giá 3,8 tỷ USD. Ngoài ra các vụ thâu tóm SunGard Data Systems với giá 11 tỷ USD, mua hãng dược Catalent Pharma Solutions với giá 3,3 tỷ USD và vụ Blackstone đầu tư vào BankUnited cũng có dấu ấn của Chính Chu.
Đặc biệt, Chính Chu đã dẫn đầu các nhà đầu tư trong nỗ lực thâu tóm Dell năm 2013, trước khi Blackstone từ bỏ thương vụ này và Dell bán mình cho Silver Lake Management cùng Michael Dell với giá 24,9 tỷ USD. Năm 2016, tỷ phú này quyết định rời khỏi Blackstone.
Chính Chu cũng là một nhà từ thiện đáng kính. Ông cùng chị gái đã xây dựng nên Vietnam Relief Effort, một tổ chức phi lợi nhuận tài trợ cho các hoạt động xây trường, chăm sóc sức khỏe cho những người thương binh và đào tạo y bác sĩ ở Việt Nam. Ông kết hôn với ca sĩ Hà Phương, em gái của ca sĩ Cẩm Ly.
David Tran
Nhà sáng lập David Tran sinh năm 1945. Xuất là nông dân quen với việc trồng ớt, làm tương ớt bán nhỏ lẻ, năm 1977 ông Tran rời Việt Nam, năm 1980 nhập cư vào Mỹ.
Vừa mới đặt chân đến đất Mỹ, ông đã bắt tay ngay vào trồng ớt và sản xuất tương ớt gần Chinatown thuộc Los Angeles với số tiền 50.000 USD tích cóp của gia đình sau khi bị ngân hàng từ chối cho vay. David Tran đồng thời lập ra công ty Huy Fong Food.
Với công thức gia truyền và máy móc chính tay tự chế, David Tran tạo ra 5 loại tương gồm sa tế tiêu, Sambal Oelek, Tương tỏi ớt, Sambal Badjak và tương ớt Sriracha. Siracha là loại tương ớt nổi tiếng nhất với nhãn hiệu con gà được cho là biểu tượng năm sinh của nhà sáng lập này.
Tờ Quartz cho biết trong năm 2014, nhà máy này có công suất 3.000 chai mỗi giờ, vận hành 24 giờ mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần, gấp 2,5 lần so với hệ thống cũ. Nhà máy này cũng được mở cửa miễn phí cho khách tới tham quan hoạt động sản xuất tương ớt Sriracha nổi tiếng.
Charlie Tôn Quý
Charlie Tôn Quý bắt đầu hành trình đến Mỹ năm 14 tuổi. Ông ở Philippines một năm trước khi đến Mỹ. Đến Mỹ với 2 bàn tay trắng, hầu như không có công việc tay chân nào ông không kinh qua để đổi lấy bữa ăn và chỗ ngủ qua ngày. Dẫu vậy, ông vẫn duy trì thói quen siêng học có từ thời ở Việt Nam, nên dù cơ cực ông vẫn hoàn thành chương trình đại học Louisiana State, chuyên ngành kỹ sư hóa học.
Năm 1997, Charlie Tôn Quý bắt đầu kinh doanh nghề làm móng (nail) với cửa hàng đầu tiên của ông được mở ở Walmart (Mỹ). 20 năm sau, Regal Nails trở thành hệ thống nhượng quyền với gần 1.000 chi nhánh, chiếm 1,5% thị phần các cửa tiệm nail do người Việt làm chủ ở Mỹ. Doanh thu hằng năm ước tính gần 500 triệu USD.
Trước khi thành lập Regal Nails, ông Tôn Quý điều hành công ty nhập khẩu các phụ kiện, hóa chất trong ngành chăm sóc móng có tên là Alfalfa Nails Supply. Công ty nhắm đến phục vụ khách hàng ở tiệm nail do vợ ông quản lý. Họ muốn các sản phẩm chất lượng với giá chấp nhận được.
Ý tưởng thành lập chuỗi tiệm làm móng nhượng quyền nảy ra trong một lần đi mua hàng ở Walmart. Hôm ấy, ông Tôn Quý nhận thấy ở đây có rất nhiều cửa hàng kinh doanh nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng lại không có một tiệm nail nào.
Hiện vị tỷ phú này chưa muốn dừng lại khi cho biết sẽ tiếp tục mở rộng ở thị trường Canada và Mỹ. Ở Việt Nam, ông từng kỳ vọng sẽ khai trương cửa hàng đầu tiên trong năm 2017 và 10 cửa hàng vào năm 2018, trải dài ở TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Tuy nhiên hiện Ragal Nails vẫn chưa vào thị trường Việt Nam.